Với vai trò người dẫn dắt phiên tọa đàm đầu tiên của Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2020 chủ đề "Tăng tốc sau đại dịch" do Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 25-6 tại TP HCM, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch VECOM - đặt vấn đề: "Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thương mại điện tử có phải ngư ông đắc lợi hay không?"
Chia sẻ ý kiến, bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số - Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thừa nhận diễn biến dịch bệnh khá phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành nghề như xuất nhập khẩu, du lịch… nhưng thương mại điện tử lại là lĩnh vực ít bị tác động hơn so với ngành khác. Thậm chí tăng trưởng bán hàng trên mạng với các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm… từ tháng 2 đến tháng 4 rất mạnh.
"Dịch đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng, phương thức mua hàng online ngày càng nhiều hơn, ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng của ngành thương mại điện tử. Các doanh nghiệp bán hàng truyền thống bắt đầu nghĩ đến phương thức chuyển dịch dần sang online. Ngay cả doanh nghiệp sản xuất cũng chuyển đổi số để tiệm cận với bán hàng online" - bà Thúy Anh nêu.
Dẫn chứng, bà Thúy Anh cho biết làm việc với một trong những chợ đầu mối lớn nhất của TP HCM vào hôm qua, bà ghi nhận chợ đầu mối này rất mong muốn chuyển đổi số, trong đó có chuyển đổi sang hình thức bán hàng online. Mục đích là để mang một số mặt hàng đặc trưng, mặt hàng có điểm "nhấn" tại khu vực lên sàn thương mại điện tử hoặc chuyển đổi online.
Các khách mời tham dự Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2020. Ảnh: VECOM cung cấp
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ - Nielsen Việt Nam, nhìn nhận dịch Covid-19 là cú hích khiến chuyển đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng. Khảo sát của Nielsen cho thấy có 64% người dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ giao thức ăn thường xuyên hơn sau Covid-19 và 63% người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn. "Với sự thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19, doanh nghiệp cần thay đổi như mở rộng kênh bán hàng online và các kênh trực tiếp đến người tiêu dùng; chuyển đổi danh mục sản phẩm; tăng cường bán hàng đa kênh và truyền tải thông điệp về sức khỏe và đảm bảo chất lượng..." - ông Dũng nói.
Tương tự, bà Vũ Ánh Tuyết, Chánh Văn phòng Lazada Việt Nam, cho rằng để tận dụng được đà tăng trưởng của thương mại điện tử từ dịch Covid-19, nhà bán lẻ online này đã đầu tư mạnh vào 3 trụ cột chính là logistics, hệ thống công nghệ thông tin và trang bị kiến thức, kỹ năng cho người bán hàng. Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ người bán hàng, miễn phí giao hàng… Từ đó, kéo được không ít thương hiệu chuyên bán hàng offline đến với sàn thương mại điện tử.
Khảo sát của VECOM chỉ ra tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh nghiệp thương mại điện tử trong giai đoạn cao điểm của đại dịch (tháng 2 đến tháng 4-2020) là 14% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2019, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt 32% với quy mô khoảng 11,5 tỉ USD. VECOM dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2020 tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thương mại điện tử cả nước sẽ vượt con số 15 tỉ USD
Bình luận (0)