xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hội thảo “Để mía không đắng”: Cùng nhau tìm giải pháp đưa ngành mía đường phát triển

Nhóm PV

(NLĐO) - Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu và diễn giả đã đưa ra nhiều giải pháp giúp ngành mía đường có sự phát triển, nông dân trồng mía có cuộc sống tốt hơn trong tương lai, ít nhất là tương lai gần.

Mía từng được xem là cây xóa đói giảm nghèo của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, người trồng mía và ngành mía đường nước ta đang gặp thách thức lớn trước đường nhập khẩu và đường nhập lậu khi từ năm 2020, Việt Nam thực hiện xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mía đường trong khu vực theo Hiệp định Thương mại hàng hóa (ATIGA).

Hội thảo “Để mía không đắng”: Cùng nhau tìm giải pháp đưa ngành mía đường phát triển - Ảnh 1.

Một số đại biểu tham gia hội thảo. Đồ họa: Tấn Nguyên

Với tinh thần đồng hành cùng người trồng mía và ngành mía đường Việt Nam; đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách nhằm duy trì và phát triển ổn định vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm từ mía..., qua đó nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của cây mía và ngành mía đường trong nước, Báo Người Lao Động phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến với chủ đề: "Để mía không đắng".

Hội thảo “Để mía không đắng”: Cùng nhau tìm giải pháp đưa ngành mía đường phát triển - Ảnh 2.

Ngành mía đường đang gặp nhiều thách thức - Ảnh Tư liệu

Hội thảo bắt đầu từ 8 giờ hôm nay (10-11), với 2 phiên: "Thực trạng của ngành mía đường hiện nay" và "Giải pháp phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh ngành mía đường".

Chủ trì hội thảo là ông Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - và TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

Thành phần khách mời:

Các bộ - ngành trung ương:

- Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương;

- Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT);

- Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT;

- Bà Võ Thị Lý - Phó Trưởng phòng Chế biến, Bảo quản nông sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN-PTNT.

Các tỉnh - thành sản xuất nhiều mía đường:

- Ông Đào Lý Nhĩ -  Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên;

- Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa;

- Ông Đinh Công Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa;

- Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang;

- Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hậu Giang;

- Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hậu Giang.

Các viện, trường, hiệp hội, hội ngành nghề và doanh nghiệp:

- TS Cao Anh Đương - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường;

- Ông Vũ Văn Khuê - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ;

- ThS Lương Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung;

- ThS Lê Thị Thường - Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống - Viện Nghiên cứu Mía đường;

- Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường;

- Ông Nguyễn Thanh Ngữ - Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa;

- Ông Nguyễn Quốc Việt - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa;

- Ông Subbaiah - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam;

- Bà Phạm Thị Mai Loan - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Tuy Hòa;

- Ông Nguyễn Văn Mạnh - Công ty TNHH Nông ngư cơ Ngọc Thanh;

- Ông Hoàng Minh Hải - Giám đốc vùng Bắc Trung Bộ - Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh.

Đặc biệt, hội thảo đã mời hơn 10 nông dân trồng mía tiêu biểu để chia sẻ kinh nghiệm trồng mía hiệu quả của mình.

Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của nhiều phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài Trung ương và tại tỉnh Phú Yên để đưa tin, viết bài.

Báo Người Lao Động tường thuật hội thảo trên báo điện tử hôm nay và báo giấy vào ngày mai (11-11).

Tiêu điểm sự kiện

    12:28 ngày 10/11/2021

    Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động

    10 giải pháp hỗ trợ, phát triển ngành đường

    Cây mía là một trong những cây trồng gắn bó với người Việt Nam, là hình ảnh rất thân thương. Những năm gần đây, ngành mía đường có lúc thăng lúc trầm nhưng không phải trên bình diện chung. Vẫn có nơi nông dân làm giàu từ mía nhưng cũng có nơi, người nông dân phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, rất vất vả nhưng giá và thu nhập giảm xuống cùng nhiều vấn đề kèm theo.

    undefined - Ảnh 1.

    Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động phát biểu tại hội thảo

    Qua hơn 3 tiếng đồng hồ, hội thảo ghi nhận 12 ý kiến thiết thực, cần thiết, kịp thời. Cách đây gần 5 tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế trong chuyến công tác tại TP HCM và làm việc với Báo Người Lao Động đã nêu ý tưởng tổ chức một tọa đàm về ngành mía đường nhằm ghi nhận ý kiến tham vấn giúp nông dân có hướng ra mới. 

    Sau khi dịch lắng xuống, tỉnh Phú Yên và Báo Người Lao Động quyết tâm tổ chức hội thảo này và thực tế đã nhận được nhiều ý kiến giá trị. Ví dụ, ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh là rất cần thiết, nêu vấn đề thẳng thắn để chúng ta nhìn lại chính mình, không dùng nông dân làm bình phong đề đạt, yêu cầu Chính phủ làm điều này điều kia. Thứ trưởng đặt vấn đề rất công tâm là nếu nông dân quá vất vả, không thể cải thiện sao không chọn con đường mới.

    Tuy nhiên, trong khuôn khổ hội thảo hôm nay, chúng ta tập trung tìm giải pháp giúp ngành mía đường có sự phát triển, nông dân trồng mía có cuộc sống tốt hơn trong tương lai, ít nhất là tương lai gần.

    Từ các ý kiến ở các đầu cầu, có thể phác thảo thực trạng ngành mía rất khó khăn, thể hiện ở diện tích giảm, năng suất giảm, chi phí tăng, thị trường thu hẹp. Chưa kể, một số nước có chính sách hỗ trợ bán phá giá, lẩn tránh thuế qua nước thứ 3 để đưa hàng vào Việt Nam. Ngoài ra, giá đường thế giới giảm sâu, biến đổi khí hậu rất rõ, ảnh hưởng đến nông nghiệp...

    Về nguyên nhân, nguyên nhân chủ quan là tập quán canh tác cũ còn chưa thay đổi, cơ bản còn manh mún, chưa tạo cánh đồng lớn mang tính công nghiệp hóa cao. Dịch bệnh kéo dài khốc liệt gây thiệt hại rất lớn. Trong khi đó, cần nhận thức rõ vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là bệ đỡ phát triển kinh tế trong tương lai.

    Một số quốc gia đã có chiến lược phát triển ngành cụ thể, sớm như Nam Mỹ, Braxin, Thái Lan, đầu tư mạnh cho ngành nên giá hết sức cạnh tranh. Nếu đường của họ qua biên giới vào Việt Nam thì ngành đường trong nước không chịu nổi.

    Tôi xin tóm gọn 10 nhóm giải pháp để hỗ trợ, phát triển ngành mía đường trong thời gian tới:

    Một là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ lai tạo giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến. Ví dụ, Israel có ông nghệ tưới tự động, biết thời điểm nào cây mía "khát" nước và biết cung cấp lượng nước bao nhiêu. Công nghệ này giúp tiết kiệm nước, cây mía đạt chất lượng tốt. Điều này là không thể khác được, cần sớm thực hiện.

    Hai là tận dụng tối ưu hóa phụ phẩm từ cây mía. Ví dụ bã mía cũng phải tận dụng được để đốt phát điện, chăn nuôi, làm bột mía xuất khẩu. Phải làm sao để cây mía cũng giống cây dừa, có thể dùng được 100% phụ phẩm, không bỏ phí cái gì.

    Thứ ba, cần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, manh mún, đơn lẻ. Tôi gắn bó với miền Trung nên hiểu rõ cánh đồng mía ở đây thường nhỏ, độ dốc lớn nên đưa máy móc vào rất khó. Để thay đổi nhận thức là không dễ. Chúng tôi nghĩ không phải ngày 1 ngày 2 làm được mà cần lâu dài. Tôi lấy ví dụ Đồng Tháp có mô hình mà Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dày công xây dựng khi còn làm Bí thư tỉnh ủy, như mô hình mỗi lĩnh vực một hội quán, mỗi tuần gặp nhau một lần, uống trà và trao đổi kinh nghiệm. Bí thư, chính quyền địa phương, chuyên gia... cũng xuống giúp nông dân. Như thế thì 1 ngày chưa giải quyết được nhưng 10 ngày có thể giải quyết được, tạo động ực phát triển mạnh mẽ.

    Thứ tư, cần kiểm soát giá đầu vào. Giá phân bón tăng trên toàn thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng qua đây có thể thấy là chúng ta quá phụ thuộc vào phân bón thế giới. Tại sao các nhà khoa học, các tập đoàn nhà nước không đầu tư nghiên cứu phân bón để chủ động, giảm dựa vào thế giới. Bên cạnh đó, giá thu hoạch hiện nay cũng khiến người nông dân không còn gì để "ăn".

    Thứ năm là kiểm soát đường nhập lậu qua biên giới. Chỉ cần 1 chiếc tắc ráng (xuồng) thôi là nửa đêm có thể dễ dàng đưa đường lậu vào Việt Nam, đường trong nước không chịu nổi.

    Thứ 6 là tăng cường phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế qua nước thứ 3. Như Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói, cơ quan quản lý nhà nước đã đồng hành, bảo hộ nông dân trong thời gian qua. Việc này cần thường xuyên hơn nữa nhưng cũng cần nỗ lực từ nội tại để xây dựng khả năng chống đỡ tốt.

    Thứ 7, tăng cường liên kết 4 nhà gồm nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước. Ngành NN-PTNT đã kêu gọi và nói nhiều lần rồi. Tuy nhiên, giữa nhà hoa học và nhà nông nông cần liên kết chặt chẽ hơn nữa trong nghiên cứu lai tạo giống mới. Đặc biệt, cần đoàn kết hơn như đại diện Thành Thành Công - Biên Hòa nói. Tôi cung tâm đắc câu mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói trong một tọa đàm về kết nối cung - cầu nông sản do Báo Người Lao Động tổ chức gần đây là: "Trước khi sống chung với dịch thì phải sống chung với nhau".

    Hội thảo hôm nay là phương thức để chúng ta ngồi với nhau, để nghe nhiều chiều, soi rọi bản thân, hoàn thiện ngành mía đường.

    Thứ 8 là vai trò của truyền thông. Đồng ý là cần truyền thông tích cực về ngành nhưng truyền thông phải đúng. Nếu không nói được nỗi khổ của nông dân thì nhà nước sao biết được để hỗ trợ. Cố gắng đi sâu đi sát đời sống nông dân, nói được lên tiếng nói của bà con...

    Thứ 9 là vấn đề vốn, tín dụng. Hiện một số ngân hàng đã tham gia nhưng có vẻ chưa mạnh mẽ lắm. Nông dân muốn làm lớn, mở rộng thì ngân hàng cũng cần có chương trình giúp nông dân, trong đó có nông dân trồng mía. Nếu diện tích nhỏ, sản xuất manh mún thì khó làm giàu được.

    Cuối cùng, tăng cường chuyển đổi sản xuất hữu cơ. Đây cũng là mục tiêu của nông nghiệp Việt Nam theo hướng "thuận thiên" như Bộ NN-PTNT kêu gọi.

    Hội thảo hôm nay ngoài ý nghĩa kết nối, đưa mọi người đến gần nhau hơn thì còn có mục đích tìm giải pháp đưa ngành mía đường và ngành nông nghiệp phát triển, góp phần vào khôi phục, phát triển kinh tế Việt Nam sau đại dịch.

    12:17 ngày 10/11/2021

    Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh:

    Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp phòng về thương mại

    Thời gian qua, chúng ta đã không mở cửa cho mặt hàng đường trong nhiều hiệp định quan trọng dù sức ép của Úc, Mỹ khi đàm phán là rất lớn nhưng chúng ta đều đạt thỏa thuận. Hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2021 chỉ trên 100.000 tấn, bằng không đến 5% tổng sản lượng cả nước

    Riêng việc mở cửa cho ASEAN là vì có quyết định thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN. Cộng đồng đàm phán thống nhất từ năm 2005. Bộ Tài chính khi đàm phán về thuế quan đã nghĩ lộ trình 13 năm mở cửa chắc là an toàn nên cam kết đến 1-1-2018 mới mở cửa. Nhưng thực tế, càng gần tới mốc 2018, chúng ta càng lo lắng vì sự biến chuyển tương đối ít, năng suất chất lượng vẫn thấp, canh tác lạc hậu. 

    Do đó, năm 2017, chúng tôi chủ trì họp Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhân thấy ngành mía đường vẫn rất ít biến chuyển. Ngay lúc đố chúng tôi lên kế hoạch nhiều bước ứng phó, trong đó có đề xuất Chính phủ giãn tiến độ ATIGA. Năm 2018, đáng ra chúng ta chính thức mở cửa ngành đường nhưng Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo Chính phủ lùi 2 năm so với cam kết. Chúng tôi nỗ lực thuyết phục ASEAN đồng ý nỗ lực này, không có trừng phạt nào với Việt Nam cả.

    undefined - Ảnh 1.

    Khi hết thời hạn lùi, bắt buộc mở từ 1-1-2020, đường giá rẻ Thái Lan  tràn vào và chỉ vài tháng sau, Hiệp hội Mía đường đã thu thập số liệu và Bộ Công Thương khởi động điều tra và đã tiến tới đánh thuế bán phá giá 47,64% với đường Thái Lan, Đây là quyết định chưa từng có. Nói vậy không phải để bảo hộ đường trong nước mà là lập lại môi trường cạnh tranh. Chúng tôi đã lường trước sau khi đánh thuế có thể đường Thái Lan có thể đi vòng qua nước ASEAN khác để vào Việt Nam, do đó, tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã khởi động điều tra chống lẩn tránh thuế với đường Thái đi qua nước khác. Sắp tới sẽ đánh giá dữ liệu và đưa ra quyết định đúng pháp luật.

    Về bước đi cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân. Mục tiêu cao nhất là phải tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì trong phạm vi pháp luật cho phép để hỗ trợ cho ngành mía đường Việt Nam

    Tuy nhiên, giải pháp phải cân đối được quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu thiên về 1 nhóm lợi ích, chính sách thất bại. Quan điểm của Bộ Công Thương là không bảo hộ mù quáng với ngành mía đường, lập lại trật tự kinh doanh, lợi ích chính đáng.

    undefined - Ảnh 2.

    Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh

    Tôi cũng đề nghị tách bạch ngành mía với ngành đường, không đánh đồng vì bản chất khác nhau, không nhất thiết phụ thuộc lẫn nhau. Nông dân không làm mía có thể làm cái khác có hiệu quả hơn, để không quá phụ thuộc nhà máy đường. Nhưng, nhà máy không có mía chắc chắn phá sản, do đó các nhà máy phải coi nông dân là khách hàng, hợp tác trên tinh thần cao nhất để họ tiếp tục đồng hành với mình.

    Đề nghị ngành đường đồng hành với nông dân, doanh nghiệp cần đưa ra giá mua hợp lý cho người nông dân vì bình quân giá thu mua 1 triệu đường/tấn hiện nay chưa phải là cao. Người nông dân cũng phải nắm được giá đường để có căn cứ đàm phán giá với doanh nghiệp.

    Ngoài ra, ngành đường cần trung thực với chính mình, tránh đổ lỗi cho đường nhập lậu, đổ lỗi cho hội nhập làm chúng ta khó khăn. Bởi, mới mở cửa 9 tháng làm sao khiến ngành đường khó khăn như hiện tại được. Phải nhìn nhận đúng để Nhà nước ra chính sách đúng đắn cho ngành đường, nếu không sẽ thiết kế sai chính sách.

    Về phân bón, tôi cho rằng không phải giá tăng đột ngột, mà tăng liên tục, các bộ ngành đã biết và giải thích nhiều lần. Đó là do giá nguyên liệu phân bón tăng cao, xăng dầu tăng cao, bộ ngành đã triển khai nhiều biện pháp đối phó, trong đó có kiểm soát xuất khẩu.

    Về giá điện sinh khối, các ngành khác phát ổn định, nhà máy sinh ra để phát điện, còn đường là điện đồng phát, lúc có lúc không, không ổn định, không biết phát khi nào, sản lượng bao nhiêu nên giá thấp hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, để hoàn thiện chính sách.

    11:20 ngày 10/11/2021

    Ông Trần Hữu Thế, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên

    Phú Yên sẽ đầu tư 1.000 tỉ đồng cho thủy lợi

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Trần Hữu Thế

    Tỉnh tiếp thu ý kiến của bà con, để bà con có điện nội đồng phục vụ tưới tiêu. Trong nhiệm kỳ này, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư 1.000 tỉ đồng cho thủy lợi phục vụ chuyên canh cây mía và cây trồng khác, như: xây dựng hồ mới, sửa hồ đập, nâng cao khả năng tưới tiêu hồ nhánh.

    Về kiến nghị quy hoạch vùng nguyên liệu bán kính 50 km cho DN thì luật không cho phép,  DN nên tự xây dựng vùng nguyên liệu chứ nhà nước không làm thay. Nông dân hợp tác với nhà máy thông qua hợp đồng, có pháp lý chắc chắn, lợi ích bền vững 2 bên.

    Lãnh đạo tỉnh cũng đã làm việc với ngành nông nghiệp, công thương về máy nông cụ phù hợp trên địa bàn không bằng phẳng, có giá thành thấp để nông dân đầu tư và nâng cạnh tranh. Hiện nay, công tác làm đất, chăm sóc đã bắt đầu cơ giới hóa, chỉ có thu hoạch vẫn thủ công. Tại Phú Yên, chi phí thu hoạch mía chiếm đến 30% giá trị thu được nên cần có giải pháp để hạ giá thành.

    Về giống, đã đến lúc các cơ quan chức năng phối hợp các DN nhân nhanh bộ giống không chỉ hom, lấy mắt mà cấy mô để nhân đại trà.

    11:01 ngày 10/11/2021

    Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa

    Cần lan tỏa tín hiệu tích cực từ từ cây mía

    Tình hình thâm hụt nguồn nguyên liệu chính là bài toán đặt ra để doanh nghiệp sản xuất mía đường có cơ hội, an tâm, mạnh dạn đầu tư cho bà con nông dân. Chúng tôi cần sự đồng hành, chung tay của Chính phủ, bộ - ngành, ngân hàng, địa phương... với tinh thần hướng đến cái chung thay vì cạnh tranh cục bộ, chia sẻ giá trị với nhau.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa

    Hiện nay, mở các trang báo ra thấy hàng loạt tin tiêu cực như ngành mía đường chết dần, nông dân bị ép giá, nông dân không có lời... Trong khi thực tế, chúng ta có hạn chế hơn các nước trong khu vực. Do đó, cần lan tỏa tín hiệu tích cực từ những giá trị thu được từ cây mía, cây mía là cây làm giàu...

    Về giải pháp, theo tôi, cần giải quyết đồng bộ, căn cơ từ bài toán nguyên liệu đầu vào đến phát triển sản phẩm đồng hành bổ sung cho sản phẩm đường. Muốn làm được, DN phải tích lũy, chấp nhận đầu tư, rủi ro. Chúng tôi không những đẩy mạnh vùng nguyên liệu, sản xuất đường mà còn sản xuất chiều sâu như sản xuất sản phẩm nước mía, ethanol, phân hữu cơ và điện.

    Ngoài ra, cần giải quyết tốt bài toán thị trường, làm thương hiệu. Xây dựng kênh phân phối toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng, bán lẻ đêt tiết giảm khâu trung gian, chi phí cho người trồng mía, doanh nghiệp. Đồng thời, tìm hiểu cơ hội tiềm năng của thị trường xuất khẩu, ví dụ như xuất khẩu đường organic, đường phèn...

    Chúng tôi năm nay tập tăng diện tích trồng thêm 25%, tăng năng suất dự kiến trên 40%. Đồng thời, có chính sách nông dân và khách hàng có quan hệ lâu dài, ký hợp đồng trực tiếp chứ không qua thương lái, có mức độ chăm sóc phù hợp, đưa khoa học kỹ thuật vào để giải quyết bài toán căn cơ. Trong đó, đầu tư 1500 tỉ đồng cho khâu cơ giới, phục vụ cho cả nông trường của công ty lẫn bà con nông dân, xử lý được các công đoạn từ làm đất cho đến khu hoạch. Chúng tôi có hơn 20 máy thu hoạch.

    Tôi muốn nhấn mạnh làm sao phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dần sang canh tác xanh, sản phẩm hữu cơ có giá trị cao, khác biệt, từ đó có thể mía cho bà con giá tốt hơn. Thị trường tốt mà mình mua thấp bà con không hợp tác với mình. Tất cả đều phải theo thị trường.

    Chúng tôi đề xuất bộ - ngành, địa phương chung tay chống buôn lậu, điều tiết bổ sung nguồn nguyên liệu thiếu hụt, điều chỉnh kịp thời chính sách điện sinh khối một cách công bằng...

    10:47 ngày 10/11/2021

    Ông Subbaiah, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam

    Phao cứu sinh cho ngành đường

    Thay mặt công ty, ngành mía đường, hàng nghìn nông dân cảm ơn Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh ban hành quyết định chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái Lan, đây là phao cứu sinh cho ngành mía đường.

    Chúng tôi mong muốn Bộ Công Thương sớm ban hành thuế chống lẩn tránh thuế đối với đường Thái Lan vòng qua các nước.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Subbaiah (bìa phải), Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam

    Ông Subbaiah ủy quyền cho ông Trương Đình Cư, giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, thay mặt đọc báo cáo tham luận: 

    Ông Cư cho biết: KCP Việt Nam thành lập năm 2000 tại Phú Yên, là DN 100% vốn Ấn Độ. DN đã hợp tác với bà con nông dân, đạt được nhiều kết quả, sự thành công của DN góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân các huyện, tạo việc làm 700 lao động và hàng ngàn người làm dịch vụ liên quan.

    Ngành công nghiệp mía đường hiện tại bị ảnh hưởng bởi Hiệp định ATIGA, nhập khẩu đường không hạn ngạch trong khu vực ASEAN. Trong đó, đường Thái Lan được hậu thuẫn, bán phá giá. Ngành mía đường rất cảm ơn Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, là phao cứu sinh cho hàng ngàn nông dân. Việc này giúp vụ ép mía năm nay sôi động, giá mía nguyên liệu cao nhất lên đến 1,4 triệu/tấn.

    Từ quyết định này, nông dân trồng mía có lãi, cạnh tranh được với cây trồng khác, ngành đường có thể đạt mục tiêu 2 triệu tấn/năm.

    Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thành điều tra vụ lẩn tránh cho đường Thái Lan vòng qua Indonesia, Lào, Malaysia,… về Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh; cần  kiểm soát đường nhập lậu, đường lỏng. Đồng thời, cần đối xử "đặc biệt" cho 2 sản phẩm nhạy cảm là gạo và đường như Philippines.

    Đại diện KCP Việt Nam cũng mong Chính phủ, Bộ Tài chính rà soát quy định kiểm soát thời gian tái xuất, hoàn thuế; có chính giá ethanol; bổ sung quy hoạch 21 để tiếp tục quy hoạch cho cây mía; sửa đổi quyết định 28 cho phép thế chấp tài sản từ vốn vay... "Nhu cầu 2 triệu tấn đường/năm là cơ hội lớn để tỉnh Phú Yên phát triển mạnh cây mía theo hướng bền vững. Đề nghị tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía tập trung, phát triển dự án có tưới, tạo điều kiện cho vận chuyển; đầu tư đường dây điện để người dân tưới mía" - ông Cư phát biểu.

    10:43 ngày 10/11/2021

    Khó khăn trong chọn giống

    Th.S Lê Thị Thường, Trưởng bộ môn chọn tạo giống, Viện Nghiên cứu Mía đường trình bày tham luận "Một số giống mía triển vọng và công nghệ nhân giống".

    undefined - Ảnh 1.

    Th.S Lê Thị Thường

    Theo bà Hường, cây mía là cây trồng dễ tính so với nhiều cây khác nhưng vẫn cần một số kỹ thuật để đạt năng suất cao. Trong sản xuất mía ở Việt Nam có khoảng 60 giống, tập trung 10 giống chủ lực, trong đó Nam Trung Bộ khô hạn, khắc nghiệt, phần lớn là 4 giống: KK3, K9584, K95-156, K95-84.

    Tuyển chọn giống mua cho vùng khô hạn, khắt nghiệt rất khó khăn. Do đó, khi tuyển chọn phải tuyển liên tục để duy trì ưu điểm của giống.

    10:21 ngày 10/11/2021

    Th.s Lương Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Thực vật Miền Trung

    Sâu bệnh ảnh hưởng lớn tới năng suất mía đường

    Năm 2019 toàn vùng có 95.000 ha trồng mía nhưng năm 2021 chỉ còn 48-50 ngàn ha. 

    Qua tổng hợp, chúng tôi ghi nhận 13 loại sâu bệnh, trong đó có 8 loại sâu hại. Ví dụ, xén tóc làm giảm 70%-80% năng suất. Để giảm sâu bệnh, cần biện pháp chăm sóc cân đối để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. 

    Một số nước trong khu vực sử dụng các yếu tố sinh học để trừ sâu non và xén tóc. Chúng tôi cũng nuôi, thả ong mắt đỏ để phòng trừ sâu bệnh trên cây mía ở Quảng Ngãi. 

    undefined - Ảnh 1.

    Một số bệnh hại, ví dụ như đốm vàng lá gây chết nhiều vùng mía, giảm 30% chữ đường... Sang năm, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan giám định tác nhân gây bệnh. Để khắc phục bệnh hại, nông dân cần trồng giống tốt, sạch, đạt yêu cầu kỹ thuật; bón vôi hạn chế mầm bệnh trong đất; cần thiết lắm mới dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, quan trọng nhất là cần vệ sinh đồng ruộng.                               

    10:06 ngày 10/11/2021

    Nông dân sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng

    Tham gia hội thảo, nông dân Võ Văn Út, ngụ thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết ông trồng mía đã nhiều năm, giai đoạn năm 2008-2012 rất thuận lợi, nông dân mua được xe hơi nhờ cây mía. Đến giai đoạn 2015-2019, ông điêu đứng bởi thiên tai, hạn hán khiến năng suất kém.

    Đến niên vụ 2020-2021 thời tiết thuận lợi hơn, đặc biệt nhờ Bộ Công Thương chống được đường phá giá, trợ cấp từ Thái Lan khiến nông dân yên tâm sản xuất. "Nông dân chúng tôi hiện nay sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với đường ASEAN. Chúng tôi tiếp cận nông nghiệp 4.0 qua điện thoại thông minh, máy tính" - ông Út nhấn mạnh. 

    undefined - Ảnh 1.

    Nông dân Võ Văn Út

    Về giải pháp phát triển ngành đường, ông Út đề nghị nhà nước tiếp tục rà soát đường Thái Lan lẩn tránh thuế bằng việc đi đường vòng qua các nước, đổ về Việt Nam với giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, hỗ trợ điện nội đồng để thuận lợi tiện tưới tiêu giữa bối cảnh giá xăng dầu cao cũng như sửa sang lại đập thủy lợi, đủ nước.

    Đặc biệt, ông Út kiến nghị Nhà nước cần kiểm soát giá phân bón, bởi hiện giá phân bó tăng quá cao, 1 bao ure tăng hơn 2 lần, lên hơn 800.000 đồng/bao.

    Trong khi đó, Võ Hữu Lân, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà (tỉnh Phú Yên) cho rằng cây mía giúp mảnh đất Sơn Hòa xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ làm giàu, nhà cửa khang trang, cho con ăn học. Tuy nhiên, hiện nay khâu canh tác đã cơ giới hóa nhưng thu hoạch còn thủ công, chi phí cao nên ông mong các cấp cần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch, giảm giá thành, tăng thu nhập cho nông dân.

    Ngoài ra, cần chính sách hỗ trợ cho nông dân khi cây mía gặp thiên tai, lũ lụt, mất mùa.

    09:57 ngày 10/11/2021

    Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam

    Phải xây dựng ngành đường lành mạnh

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Văn Lộc

    Tôi muốn nhấn mạnh những biện pháp quan trọng, thiết thực nhất để phát triển ngành mía đường.

    Thứ nhất, xây dựng thị tường đường lành mạnh, phát triển hài hòa. Nếu muốn cây mía phát triển thì giá mía phải bảo đảm cho người nông dân sống được, thu nhập tương đương hoặc cao hơn cây trồng cạnh tranh. Muốn vậy, giá đường phải ở mức hợp lý, ổn định hài hòa trên cơ sở đó ổn định giá mua mía.

    Trong bối cảnh chúng ta đã áp dụng phòng vệ thương mại, giá đường hiện đã tương đối hợp lý, vẫn phải đối phó gian lận thương mại làm giảm giá đường xuống. Việc kiểm soát vấn đề này lâu nay còn yếu.

    Chúng tôi kiến nghị ngành mía đường, các địa phương, trong đó có tỉnh Phú Yên, cần có bước đi, biện pháp hỗ trợ tốt hơn nữa nông dân và doanh nghiệp để giữ giá đường ở mức hợp lý, tránh đường giá rẻ nhập lậu dìm giá đường trong nước xuống khiến đầu ra bị phá hủy. 

    Thứ hai, để bảo đảm năng lực cạnh tranh của cây mía Phú Yên, phải xác định hiện trạng đất đai, thổ nhưỡng trong tương lai sẽ phải thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Bởi, những năm qua ứng phó với biến đổi khí hậu chưa tốt. Nếu thực hiện được tốt việc này mới thực sự nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành trồng mía trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 

    Đặc biệt, trong đó, Phú Yên cần bảo đảm đủ nước cho sinh hoạt nông thôn, tăng diện tích mía có tưới.

    09:53 ngày 10/11/2021

    Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

    Ngành đường phải hình thành được chuỗi liên kết

    Trong bối cảnh khôi phục sản xuất - kinh doanh sau làn sóng dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, sáng kiến và tinh thần trách nhiệm của tỉnh Phú Yên với người trồng mía và sự đồng hành của Báo Người Lao Động là rất đáng ghi nhận

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Nguyễn Quốc Toản

    Với 25 năm phát triển, ngành mía đường đã đạt nhiều thành tựu, đặc biệt hoàn thiện thể chế ngành, có nhiều chiến lược, đề án tương thích với hội nhập kinh tế thế giới. Chẳng hạn, gần đây nhất Hiệp định ATIGA đã đi vào thực thi.

    Mục tiêu cuối cùng, cao cả nhất trong xây dựng ngành mía đường chính là người nông dân và lợi ích của người nông dân. Đó là trách nhiệm xuyên suốt của chúng ta để ngành đường phát triển bền vững.

    Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đang chỉ đạo chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nên tư duy sản xuất cũng phải thay đổi, thích ứng. Doanh nghiệp, nông dân là chủ thể quan trọng nhất để thực thi.

    Vòng thị trường của sản phẩm có dao động mạnh mẽ. Giá đường thế giới hiện nay lên tới 507,72 USD/tấn và sẽ tiếp tục biến thiên, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, nông dân, chính sách thu mua.

    Về giải pháp của ngành đường, đầu tiên và căn bản nhất là phải hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nếu làm được điều đó thì không chỉ mía mà các ngành khác cũng có sự vươn lên mạnh mẽ.

    Hiện nay, chúng ta có 60 giống mía với 10 giống chủ lực, năng suất hơn 60 tấn/ha. Cơ bản giống đã được nâng cao chất lượng. Chúng tôi mong các viện nghiên cứu, doanh nghiệp nâng cao chất lượng giống nhiều hơn nữa, bảo đảm làm chủ về giống để giảm chi phí cho bà con nông dân.

    Năng lực quản trị của nhà máy chế biến trước đây cũng khác xa hiện nay. Bối cảnh thị trường hiện nay gắn liền với chuỗi liên kết vòng nguyên liệu, bà con nông dân... Một số nhà máy không đủ nguyên liệu, liên kết không chặt chẽ đã bị đóng cửa. Do đó, doanh nghiệp cần gia cố nhiều hơn trong việc quản trị của các nhà máy chế biến, đặc biệt về công nghệ, nhân công; đầu tư vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Trong 5-10 năm tới, ngành đường Việt Nam cạnh tranh sẽ sòng phẳng với khu vực. Do vậy, vấn đề tôi muốn đặt ra cho doanh nghiệp chính là sự đổi mới về công nghệ.

    Đồng thời, mong DN luôn trong trạng thái chủ động hiệp thương với bà con nông dân để có giá mía hợp lý, phân chia lợi nhuận phù hợp.. để họ yên tâm sản xuất, phục hồi diện tích.

    Về vai trò của cơ quam quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT đã cùng Bộ Công Thương chủ động giúp, đồng hành với bà con trồng mía. Bộ NN-PTNT đã mạnh dạn giao các viện, tham mưu trình Thủ tướng chiến lược cơ giới hóa, đồng thời đang sửa lại Quy chuẩn Việt Nam và hoàn thành 5 tiêu chuẩn khác về sản phẩm đường để nâng cao chất lượng.

    Vấn đề phế phụ phẩm đường cũng rất quan trọng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất trăn trở trong việc gia tăng giá trị phế phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có đường. Việc này đòi hỏi doanh nghiệp đồng hành, bởi riêng bà con nông dân thì không làm được. Mũi nhọn phải là khoa học công nghệ. Mong tỉnh Phú Yên có chính sách khuyến khích mạnh mẽ việc này. 2 tuần tới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng sẽ chỉ đạo hội nghị chuyên đề về phế phụ phẩm. 

    Về phía Bộ Công Thương, bộ cũng rất chủ động, có kinh nghiệm trong áp dụng chống bán phá giá, tạo được hiệu quả tức thì trên thị trường. Các cơ quan quản lý luôn xác định đồng hành với ngành mía và bà con nông dân.

    Chúng tôi mong các tỉnh quan tâm đến việc liên kết của bà con nông dân tại cơ sở để bảo đảm diện tích trồng. Về các quy hoạch trên địa bàn thì bản thân tỉnh cũng cần quan tâm để phát huy lợi thế cạnh tranh của ngành mía đường. 

    Vai trò tổ hợp tác, tổ khuyến nông cộng đồng ở địa phương cũng cần được quan tâm, đó là mắt xích ở cơ sở để đồng hành nông dân.

    Thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn DN bám theo cơ sở là Chỉ thị 28 của Thủ tướng và các nghị quyết trong bối cảnh dịch Covid-19 để thực hiện. Đồng thời, địa phương cần duy trì diện tích vùng có khả năng phát triển hơn, đầu tư mạnh tích hợp quy hoạch diện tích mía với quy hoạch sử dụng đất và phát triển kinh tế - xã hội.

    undefined - Ảnh 2.

    Đặc biệt, về vốn, tài chính, mong lãnh đạo tỉnh đề nghị phía Ngân hàng Nhà nước cùng NHTM rà soát, phát hiện khó khăn, tháo gỡ cho nông dân, doanh nghiệp, như giãn, giảm lãi suất. 

    Chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ NN-PTN làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về tín dụng vi mô cho nông nghiệp và bảo hiểm cho nông nghiệp, đặc biệt bảo hiểm xuất khẩu. 

    09:25 ngày 10/11/2021

    TS. Cao Anh Đương – Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường

    Diện tích trồng mía và nhà máy mía đường giảm rất mạnh

    Trong 3 niên vụ gần đây, diện tích mía đường tại vùng Nam Trung Bộ suy giảm rõ rệt do giá mía xuống đáy, thấp nhất chỉ còn 10 cent/pao.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Cao Anh Đương

    Việc Việt Nam gặp tác động kép của biến đổi khí hậu, miền Tây hạn mặn, miền Trung khô cạn khiến diện tích mía 3 niên vụ giảm liên tiếp, từ hơn 190.000 ha niên vụ 2018-2019 còn gần 129.000 ha niên vụ 2020-2021; số lượng nhà máy sản xuất đường chỉ còn 24 nhà máy. Tại Nam Trung Bộ, từ 9 nhà máy còn 6 nhà máy.

    Về thị trường, Chính phủ ban hành Chỉ thị 28/2020 nâng cao năng lực ngành mía đường trong nước với các nhóm giải pháp về: cơ giới hóa, giống, giảm giá thành, phát triển cánh đồng mía lớn.

    Đặc biệt, với sự đấu tranh quyết liệt của ngành đường, sự hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp của đường Thái Lan (Quyết định 1578) giúp ngành mía đường hồi phục, giá mía giai đoạn cuối vụ tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn.

    Về giải pháp phục hồi và phát triển ngành đường, chúng ta cần tập trung khâu trồng mới đúng kỹ thuật, cơ giới hóa trong canh tác mía để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía. Tiếp theo, chăm sóc kịp thời, đúng yêu cầu kỹ thuật về mật độ trồng, làm cỏ - một khâu tốn rất nhiều chi phí nên nếu làm không đúng sẽ thiệt hại về tiền mà lại không hiệu quả, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, chống chịu hạn. 

    Cụ thể, cơ giới hóa cũng phải phù hợp điều kiện nền đất, địa hình, nếu không dẫn đến tình trạng sa mạc hóa. Cây mía 70% là nước nên rất cần tưới nước. Chúng tôi thí nghiệm thấy cây mía có tưới thì năng suất tăng gấp 3 lần so với không được tưới. Bón phân sử dụng những loại có giá trị cao, công thức phù hợp, bổ sung hoạt chất sinh học tiên tiến để tăng khả năng chịu hạn cho cây mía. 

    Về thu hoạch, tỉ lệ thu hoạch bằng máy còn hạn chế, nguồn lao động rất khó. Hiện có nhiều model máy phù hợp quy mô của từng vùng vì vậy địa phương và doanh nghiệp cần tập trung xác định vùng nào đưa máy vào được thì hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy hoặc xây dựng xí nghiệp dịch vụ thu hoạch. Cần bảo đảm đúng kỹ thuật trong thu hoạch để giảm thất thoát, tăng cường sử dụng giải pháp sinh học như ong mắt đỏ phòng trừ sâu, tăng cường bổ sung nguồn đạm tự nhiên, cải tạo đất, sử dụng các chất điều hòa hay phân bón để tăng cường vi sinh vật trong đất. 

    Đặc biệt quan trọng là công tác quản lý. Hiện, có công nghệ để áp dụng vào khâu quản lý để tiết giảm các chi phí quản lý máy móc, con người, khâu thu hoạch. Nếu thay sức người bằng AI (trí tuệ nhân tạo), giải pháp công nghệ, cảm biến... để giám sát khâu chăm sóc thì tiết giảm chi phí. Các giải pháp này hoàn toàn khả thi.

    09:10 ngày 10/11/2021

    Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang

    Đường nhập lậu gây nhiều khó khăn

    Chúng tôi rất đồng tình với UBND tỉnh Phú Yên và Báo Người Lao Động đã tổ chức hội thảo "Để mía không đắng" rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngành mía đường đang gặp khó khăn như hiện nay.

    Tại Hậu Giang, trước năm 2010 mía là cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương do thích nghi thổ nhưỡng. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, diện tích mía giảm dần từ hơn 15.000 ha xuống còn hơn 5.000 ha năm 2020. Cả tỉnh hiện chỉ có 1 nhà máy sản xuất đường đang hoạt động là nhà máy Phụng Hiệp nhưng chỉ sản xuất duy nhất mặt hàng đường, chưa sử dụng các phụ phẩm từ mía để chế biến để nâng cao giá trị.

    undefined - Ảnh 1.

    Do đó, những năm gần đây giá bán mía không ổn định, người trồng không có lãi hoặc lãi rất ít. Trong khâu thu hoạch chủ yếu là thủ công, chiếm đến 25% chi phí giá thành, phương tiện vận chuyển hạn chế nên tốn nhiều thời gian, công lao động. Về giống, tại Hậu Giang chưa có giống mía năng suất cao, chữ lượng cao như mong muốn của bà con nông dân.

    Ngoài ra, đường nhập lậu còn nhiều gây nhiều khó khăn cho ngành mía đường ở địa phương.

    Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp Hậu Giang đề xuất cần nâng cao năng lực cho ngành mía đường địa phương bằng việc cơ giới hóa thông qua quy hoạch vùng trồng mía tập trung và sử dụng máy chế tạo tạo máy phù hợp với ĐBSCL.

    Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục kêu gọi đầu tư nghiên cứu, ứng dụng đề tài để đa dạng sản phẩm cây mía, đa dạng hóa sản phẩm. Các nhà máy đường thay đổi công nghệ, quản lý để giảm giá thành, đầu tư chế biến sản phẩm sau đường.

    Đề nghị các nhà khoa học đẩy mạnh tạo giống mía ưu việt, ngắn ngày, năng suất cao để chuyển giao cho nông dân.

    Ngoài ra, cần kiểm soát đường nhập lậu, thực thi nghiêm quyết định chống bán phá giá và trợ cấp đường Thái Lan và hỗ trợ hợp pháp cho nông dân. 

    09:02 ngày 10/11/2021

    Ông Đinh Công Thuận – Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa

    Nông dân không còn sức tái đầu tư

    Niên vụ 2020-2021, địa bàn tỉnh Khánh Hòa quy hoạch 11.000 ha trồng mía nhưng do nắng hạn và vấn đề giá cả tác động mạnh đến người trồng mía nên chỉ còn hơn 9.000 ha. Sản lượng mía nguyên liệu đạt 446.000 tấn, chữ đường 10,5 CCS.

    Trên địa bàn tỉnh có 2 công ty sản xuất đường nên 100% diện tích mía gần như toàn bộ nguyên liệu đều được 2 công ty này bao tiêu.

    Những năm gần đây, ngành gặp khó khăn do giá mía xuống thấp, nông dân không còn sức tái đầu tư. Nắng nóng, mưa lũ cũng làm năng suất cây mía trên địa bàn thấp. 100% diện tích trồng mía không được tưới nên năng suất chỉ 50-60 tấn/ha. Dù đã có giải pháp tăng cường khuyến nông nhưng không được tưới nên năng suất không đạt mong muốn. Cơ giới hóa còn yếu, chỉ tập trung ở khâu sau thu hoạch, còn lại chủ yếu làm thủ công. 

    Dù diện tích mía giảm nhưng tỉnh chỉ đạo tập tung giữ được diện tích quy hoạch 18.200 ha. Trên cở sở chỉ đạo của tỉnh, sở rà soát để có định hướng sản xuất phù hợp.

    Cụ thể, chỉ đạo các địa phương trên địa bàn theo dõi diện tích sản xuất, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để báo cáo, tham mưu.

    undefined - Ảnh 1.

    Ảnh: Kỳ Nam

    Ngoài ra, tiếp tục rà soát các diện tích mía theo hướng diện tích trồng trên khu vực dốc 15 độ thì chuyển cây trồng khác, các vùng còn lại có điều kiện tưới bổ sung sẽ hướng dẫn nông dân hợp tác, liên kết sản xuất với công ty để áp dụng biện pháp thâm canh cao, cơ giới hóa để hạ giá thành sản xuất.

    Đồng thời, phối hợp 2 công ty sản xuất mía đường vận động người trồng mía liên kết để qua đó DN, nông dân được ưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. 

    Tỉnh cũng đề nghị 2 công ty phối hợp với địa phương xây dựng mô hình liên kết; tiếp tục hỗ trợ người trồng  ía; xây dựng chương trình hướng dẫn trồng, chăm sóc phát trên các phương tiện thông tin đại chúng.

    08:45 ngày 10/11/2021

    Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Yên

    Nhiều năm qua, UBND tỉnh Phú Yên đã sớm quy hoạch, phân vùng nguyên liệu cho các công ty chế biến mía đường, đồng thời chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương phối hợp với doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển và ổn định vùng nguyên liệu mía, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất.

    undefined - Ảnh 1.

    Ông Đào Lý Nhĩ. Ảnh: Kỳ Nam

    Vùng nguyên liệu mía tập trung trên địa bàn tỉnh được phân vùng theo các quyết định của UBND tỉnh về quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cho các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam diện tích quy hoạch đến năm 2030 là 15.000 ha, diện tích có khả năng mở rộng là 16.950 ha; Công ty CP Mía đường Tuy Hòa diện tích quy hoạch đến năm 2030 là 8.000 ha, diện tích có khả năng mở rộng là 10.400 ha. Đến năm 2020, các quy hoạch này hết hiệu lực. 

    Đồng thời, theo quy định tại Khoản d, Điều 59, Luật Quy hoạch 2017, các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đã được quyết định hoặc phê duyệt đã hết hiệu lực và đang được rà soát bãi bỏ. Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    undefined - Ảnh 2.

    Về sản xuất, những năm gần đây, diện tích sản xuất mía trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần từ 27.949 ha (năm 2017) còn 21.601 ha (năm 2020) do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tuy nhiên, diện tích mía vẫn bảo đảm theo quy hoạch, cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường trên địa bàn.

    Tại Phú Yên, vùng nguyên liệu mía chủ yếu ở 3 huyện miền núi: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân với điều kiện sản xuất nói chung còn khó khăn, khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh nên khi mía chín đồng loạt gây khó khăn cho việc thu hoạch, làm giảm năng suất. Chưa kể, hệ thống thủy lợi để sản xuất mía mặt bằng chung toàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, giao thông vùng nguyên liệu mía còn nhiều hạn chế, người dân còn tốn thêm chi phí vận chuyển mía từ ruộng ra đường từ 20.000 - 30.000 đồng/tấn. Đây cũng là nguyên nhân khiến người trồng mía khi thấy cây trồng khác có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn thì từ bỏ cây mía.

    undefined - Ảnh 3.

    Vùng trồng mía ở Phú Yên

    Hằng năm, Trung tâm Khuyến nông, viện nghiên cứu mía đường và các công ty mía đường đã tổ chức khảo nghiệm, du nhập và tuyển chọn giống mới phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương nhằm từng bước thay thế giống mía cũ đã thoái hóa. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa có cơ sở sản xuất mía giống, người nông dân trồng mía vẫn lấy giống từ các ruộng mía tốt của các hộ sản xuất để làm giống. Chất lượng hom giống chưa được bảo đảm, chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến lượng giống đầu tư lớn, tỉ lệ nảy mầm, khả năng sinh trưởng, phát triển không đồng đều... Phần lớn nông dân canh tác mía còn theo kiểu truyền thống, dựa nhiều vào kinh nghiệm. Mức độ cơ giới hoá trong sản xuất mía trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ và toàn diện, tập trung chủ yếu ở khâu làm đất và vận chuyển; các khâu như gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch mức độ cơ giới hóa còn rất thấp (khoảng 10%). Công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế.

    Việc hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm đối với cây mía là vấn đề thiết yếu để phát triển sản xuất hàng hóa, đôi bên cùng có lợi, người nông dân mới yên tâm sản xuất và doanh nghiệp mới có vùng nguyên liệu ổn định. Nhận rõ vai trò và tác dụng của việc hợp tác, liên kết trong sản xuất mía nguyên liệu, ngay từ những ngày đầu thành lập nhà máy các doanh nghiệp đã có hợp đồng ký kết, đầu tư bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh và duy trì cho đến nay. 

    Tuy nhiên, vẫn còn có một số ít hộ nông dân phá vỡ hợp đồng bán mía ra tỉnh ngoài làm ảnh hưởng đến việc đầu tư của các nhà máy.

    Thời gian tới, chúng tôi đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND tỉnh và Quy chế phối hợp triển khai cho vay vốn mua sắm trang thiết bị cơ giới hóa sản xuất mía đường theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng phục vụ tái cơ cấu sản xuất ngành mía đường của các sở, ngành, địa phương.

    Cùng đó, ổn định diện tích canh tác mía theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các nhà máy hoạt động ổn định, có kế hoạch thu mua, lịch đốn chặt, vận chuyển ngay từ đầu vụ, không để tồn mía trong dân. Việc ký kết hợp đồng với nông dân về đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, ứng trước tiền thực hiện ngay từ đầu vụ và bảo đảm thực hiện thu mua nguyên liệu cho nông dân như hợp đồng cam kết. Các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện việc thu mua nguyên liệu, đánh giá tạp, cách tính khung giá thu mua mía nguyên liệu theo CCS phải bảo đảm hợp lý. Các nhà máy cần có sự đồng nhất, minh bạch về giá cả thu mua nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh...

    08:17 ngày 10/11/2021

    Hy vọng có những mùa mía ngọt

    Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay Phú Yên là vùng nguyên liệu trồng mía lớn của cả nước với 29.000 ha và 20.000 hộ trồng. Ngành trồng mía đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh nhưng ngày vui không được kéo dài khi giá mía đường thấp khiến hiệu quả của cây mía không được như như xưa. 

    "Chúng tôi thấy vị đắng trên gương mặt của những nông dân, của nhà máy sản xuất đường, tuy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất và chấp nhận lỗ. Chúng tôi cũng thấy vị đắng của những người lãnh đạo địa phương khi nguồn thu ngân sách trông cậy chính vào cây mía" - ông Trần Hữu Thế bày tỏ.


    undefined - Ảnh 1.

    Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: Kỳ Nam

    Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Phú Yên còn nêu nhiều vấn đề còn tồn tại như vùng nguyên liệu chưa được tập trung bài bản, vấn đề tưới tiêu, giống... khiến ngành mía "thật sự không còn ngọt".

    Vì vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, hội thảo hôm nay là sáng kiến chung giữa lãnh đạo tỉnh và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân để ghi nhận sự tham vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia, từ thực tiễn người trồng mía để xây dựng chính sách địa phương cho ngành phát triển tốt. Từ đó, giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp, có lời; nhà máy đường yên tâm sản xuất, hàng bán được, thu hồi được vốn, có lãi; chính quyền yên tâm với ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội. 

    "Hy vọng sau hội thảo với những giải pháp đặt ra khả thi, chúng ta sẽ có những mùa mía ngọt" - ông Trần Hữu Thế nói thêm.


    undefined - Ảnh 2.

    Toàn cảnh hội thảo tại Phú Yên. Ảnh: Kỳ Nam

    Lên trên
    Lên đầu Top

    Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.

    Thanh toán mua bài thành công

    Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

    • Tặng bằng link
    • Tặng bạn đọc thành viên
    Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

    Chọn phương thức thanh toán

    Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

      Chọn phương thức thanh toán

      Chọn một trong số các hình thức sau

      Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

      Thông báo