Hai thương vụ thâu tóm gần nhất của người Thái chính là việc Nawaplastic (thuộc Tập đoàn Siam Cement Group - SCG) hoàn tất nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán BMP) lên trên 50%; Vietnam Beverage (thuộc Thaibev) của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại 53,59% vốn tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (mã chứng khoán SAB).
Bia Sài Gòn, nhựa Bình Minh chỉ là 2 trong nhiều doanh nghiệp Việt đã bị người Thái thâu tóm.
Thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành
Nếu Sabeco là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất bia, chiếm gần 41% thị phần tiêu thụ tại thị trường nội địa, thì Nhựa Bình Minh thuộc nhóm doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu Việt Nam, với 4 nhà máy tổng công suất trên 140.000 tấn mỗi năm.
Sabeco đang thống lĩnh 41% thị phần tiêu thụ bia tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang.
Với việc chiếm 41% thị phần tiêu thụ bia trong nước, 2 năm gần nhất Sabeco đều mang về cho ông chủ của mình trên 30.000 tỷ đồng doanh thu thuần và xấp xỉ 5.000 tỷ đồng lãi ròng mỗi năm.
Mức sinh lời tại Sabeco cũng thuộc hàng cao nhất các công ty bia, với tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) 4 quý gần nhất lên tới 35%, trong khi tỷ suất lợi nhuận ròng trên tổng tài sản (ROA) cũng là gần 23%.
Gần 110.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD là cái giá tỷ phú Thái phải trả để nắm quyền sở hữu Sabeco. Tuy nhiên, nói với Zing.vn về mức giá này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho biết đây vẫn là mức giá hời đối với một doanh nghiệp tầm cỡ như Sabeco, vì dư địa tăng trưởng của doanh nghiệp còn rất lớn.
“5 tỷ USD tại thời điểm bây giờ có thể là cao, nhưng 3-5 năm nữa chúng ta lại thấy mức giá này là rẻ”, ông Hưng nói.
Hai năm gần đây, Nhựa Bình Minh đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những doanh nghiệp nhựa mới, và thị phần đang bị thu hẹp.
"Thương trường là chiến trường và ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Các đối thủ không ngần ngại để cạnh tranh, giành giật khách hàng và thị phần của Nhựa Bình Minh với đủ các chiêu trò, từ chính sách chiết khấu đến cả nói xấu, tung tin đồn thất thiệt...", báo cáo thường niên 2017 của Nhựa Bình Minh viết.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng hàng năm doanh nghiệp này mang về cho chủ sở hữu cũng đều đạt trên dưới 500 tỷ đồng, với ROE gần 20% và ROA đạt hơn 16%.
Cái giá người Thái chi ra để thâu tóm Nhựa Bình Minh cũng không hề rẻ, gần 2.300 tỷ đồng cho hơn 29% vốn điều lệ. Trước đó, Nawaplastic đã sở hữu hơn 20% vốn tại đây. Mới đây, doanh nghiệp từ Thái Lan đã hoàn tất việc mua thêm 818.609 cổ phiếu BMP, để nâng sở hữu tại doanh nghiệp này lên 50,9%.
Hiện người Thái đã cử người vào hội đồng quản trị để quản lý điều hành, với 3/6 ghế thành viên tại Sabeco và 3/5 ghế tại Nhựa Bình Minh.
Chi giá hời, thâu tóm doanh nghiệp mạnh
"Khẩu vị" của SCG tại Việt Nam tương đối rõ ràng, khi nhắm tới toàn bộ các doanh nghiệp đầu ngành.
Cuối tháng 12/2012, tập đoàn này chi tới 7,2 tỷ baht Thái (gần 5.000 tỷ đồng) để mua lại 85% vốn Công ty cổ phần Prime Group. Prime cũng chính là doanh nghiệp sản xuất gạch lát bằng gốm lớn nhất Việt Nam, nắm trên 30% thị phần và chủ yếu phục vụ nội địa.
Đây là thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tại Việt Nam cho tới nay.
Với thương vụ này, cùng với việc sở hữu các nhà máy gạch ốp lát mà SCG đã mua lại từ Indonesia, Malaysia… SCG đã trở thành tập đoàn đa quốc gia sản xuất gạch ốp lát hàng đầu thế giới, với sản lượng trên 200 triệu m2/năm. Tập đoàn cũng đã thông qua việc mua 15% vốn cổ phần còn lại tại Prime Group, với giá 2,19 tỷ baht (1.400 tỷ đồng) để nâng sở hữu tại đây lên 100% vốn.
Vào năm 2015, cũng chính SCG chi 1,5 tỷ baht Thái (tương đương 1.000 tỷ đồng) mua lại 80% vốn Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico). Batico là doanh nghiệp thuộc top 5 công ty lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì, với công suất 230 triệu m2/năm.
Ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch kiêm CEO của SCG, từng khẳng định ưu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam là mua lại các công ty mạnh, để nhanh chóng chiếm được thị trường. Ảnh: Nikkei.
Trước đó, năm 2013, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) - một đơn vị thuộc TCC Holdings của tỷ phú Charoen, đã thâu tóm gần 65% cổ phần của Phú Thái Group. Đây là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ tại khu vực phía Bắc, với hàng chục công ty thành viên.
Năm 2016, thông qua Công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL), ông Charoen mua lại 70% vốn của Công ty cổ phần phát triển nhà GHomes - công ty thành viên của An Dương Thảo Điền (HAR).
Người Thái đã mua những gì ở Việt Nam?
Ngoài việc thâu tóm thành công nhiều doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam, người Thái còn đang sở hữu vốn cổ phần tại hàng loạt doanh nghiệp lớn có vốn Nhà nước.
Hiện tại, doanh nghiệp của tỷ phú Charoen là Tập đoàn F&N đang nắm giữ tổng cộng 19,06% vốn Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán VNM), thông qua 2 pháp nhân F&N Bev Manufacturing và F&N Dairy Investments.
Số cổ phần do F&N nắm giữ tại đây hiện có giá thị trường tới hơn 52.000 tỷ đồng.
Tuy không phải doanh nghiệp của Việt Nam, nhưng thương vụ người Thái mua lại Metro Cash & Carry và BigC tại Việt Nam cũng khiến dư luận chú ý. Ảnh: MetroVN.
Trong khi đó, Central Group của gia tộc tỷ phú Thái Chirathivat cũng từng chi hơn 200 triệu USD mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim vào năm 2015.
Tuy không phải doanh nghiệp của Việt Nam, thương vụ thâu tóm Metro và BigC của người Thái cũng khiến dư luận chú ý với số tiền chi ra cực lớn.
Theo đó, Berli Jucker đã chi hơn 655 triệu EURO, tương đương hơn 879 triệu USD, theo tỷ giá thời điểm đó để mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức).
Còn cái giá được Central Group đưa ra cho 33 siêu thị, trung tâm thương mại BigC tại Việt Nam là,14 tỷ USD.
Bình luận (0)