Trong lúc nhà sản xuất vẫn chưa chính thức thông tin về lượng hàng dành cho mùa trung thu thì những người bán lẻ đã lo xí chỗ mặt bằng.
Rộn ràng bán lẻ
Khoảng 2 tuần nay, các mặt bằng đẹp ở trung tâm TP HCM nằm trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5, quận 10), Trần Hưng Đạo (quận 1, quận 5), Nguyễn Trãi (quận 5), 3 Tháng 2 (quận 10)… đã được dựng sạp và trang trí để bán bánh trung thu.
Khảo sát ngày 12-8, tại quầy trưng bày bánh trung thu nhà hàng Đồng Khánh (đường Trần Hưng Đạo, quận 5) đã có khách ghé mua. Một khách hàng cho biết vì mặt hàng này chỉ bán theo mùa nên ghé mua 2 cái, giá 190.000 đồng.
Chị Trần Thị Ngọc Trâm, nhân viên bán hàng tại đây, cho biết quầy khai trương được khoảng 20 ngày và ghi nhận tín hiệu thị trường khá tốt. Về giá bán tương đương năm ngoái, năm nay nhà hàng Đồng Khánh có thêm một số dòng bánh không đường, bánh chay với mức giá dao động từ 73.000 - 1,2 triệu đồng/bánh. “Tuy đa dạng mức giá nhưng dòng sản phẩm từ 400.000 - 450.000 đồng/hộp 4 bánh dùng làm quà tặng vẫn phổ biến nhất” - chị Trâm nhận xét.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, chủ thương hiệu bánh trung thu Thành Đô, Hỷ Đồng Khánh và đại lý phân phối cho bánh trung thu Kinh Đô, Như Lan (có 4 gian hàng bán lẻ lớn trên địa bàn quận 5), nguyên liệu làm bánh trung thu năm nay ổn định nên giá bánh bằng năm ngoái, riêng bánh Kinh Đô tăng giá nhẹ (4%-5%). “Các loại bánh trung thu có giá khoảng 3 triệu đồng/hộp rất kén khách, một mùa tôi chỉ lấy khoảng 10 hộp” - ông Thắng cho hay.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề, ông Thắng cho biết nhu cầu thị trường đối với bánh trung thu gần đây không tăng. Tuy nhiên, do kinh tế khó khăn nên lượng người tham gia vào bán lẻ bánh trung thu nhiều hơn dẫn đến lượng cầu “ảo” vào đầu mùa, cạnh tranh sẽ quyết liệt.
Trên mạng hiện có rất nhiều website chào bán bánh trung thu với chiết khấu lên đến 30% so với giá chính thức từ nhà sản xuất.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Bibica, Như Lan… đều chưa công bố chính thức thông tin về mùa trung thu năm nay.
Lồng đèn Việt lo hàng nhái
Vừa tung khoảng 100 mẫu lồng đèn mới (theo chủ đề nhân vật hoạt hình, biển đảo, nhân vật lịch sử…) để “chặn” bớt hàng nhái nhưng ông Huỳnh Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty CP Bao bì Kỹ Thuật Mới, cho biết sản phẩm vừa ra thị trường 2-3 ngày thì hàng nhái đã tràn ngập. “Sản phẩm của công ty là hàng Việt 100%, trừ bóng đèn và chip nhạc trong nước chưa sản xuất được nên phải đặt mua từ Đài Loan. Để đối phó với hàng nhái, năm nay Kỹ Thuật Mới cho in nổi tên công ty lên cán và thân lồng đèn” - ông Khánh cho biết.
Trên thị trường, các điểm bán lồng đèn trung thu phân biệt lồng đèn Kỹ Thuật Mới là “hàng công ty”, khác với “hàng trôi nổi” là hàng nhái có mẫu mã gần giống, phần cán nhập từ Trung Quốc (đa số sử dụng cán màu cam, làm bằng nhựa xấu). Cũng theo ông Khánh, mặc dù bị hàng nhái tấn công nhưng giới sản xuất, kinh doanh lồng đèn rất vui vì hàng Việt đã chặn được lồng đèn Trung Quốc.
Hiện mới vào đầu mùa nhưng các mặt hàng lồng đèn bằng nhựa PP tiêu thụ khá tốt, giá cạnh tranh hơn so với mùa trung thu năm 2014: giá bán tại công ty từ 18.000-20.500 đồng/cái, cá biệt có một số mẫu chỉ 16.000 đồng/cái. Giá bán trên thị trường sẽ cao hơn giá công ty ít nhất 30%, tùy điểm bán.
Bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, Giám đốc sáng tạo Công ty CP Mỹ thuật Gia Long (nhãn hàng Kibu), cũng có nỗi lo tương tự khi đưa hàng tiêu thụ ở kênh truyền thống nên công ty đã đẩy mạnh đưa hàng vào hệ thống các nhà sách, siêu thị và một số cửa hàng tiện lợi và bán hàng trực tiếp.
“Năm nay Kibu đầu tư thêm dòng sản phẩm cao cấp, đa chức năng sử dụng vật liệu mới là mousse eva (dạng xốp), bền và an toàn cho bé chơi với giá bán lẻ 85.000 đồng (lồng đèn tự lắp ráp, có đèn LED, nhạc trung thu và các phụ kiện như mắt kính, vương miện). Ngoài ra, Kibu còn có hàng chục mẫu lồng đèn lắp ghép sáng tạo với giá bán lẻ đa dạng từ 5.000-50.000 đồng/sản phẩm” - bà Hồng cho biết.
Xuất khẩu sang Trung Quốc
Đơn vị xuất khẩu là Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thành Đô (huyện Bình Chánh, TP HCM) với sản phẩm mới là bánh trung thu nhân hạt sen - sầu riêng, đơn hàng có số lượng khoảng 20.000 cái. “Yêu cầu của đối tác là thành phần sầu riêng phải chiếm 25% tổng khối lượng bánh. Sản phẩm dự định phân phối trong siêu thị Trung Quốc nên đối tác yêu cầu khắt khe về chất lượng, ngoài phân tích chỉ tiêu vi sinh như hàng trong nước còn phải kiểm soát chỉ tiêu đường, độ ẩm, các kim loại nặng gồm chì và cadimin cùng các phân tích về năng lượng, chất béo” - ông Thắng cho biết.
Lâu nay, bánh trung thu là mặt hàng mùa vụ chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường nội địa, chỉ xuất khẩu một lượng rất nhỏ cho một số thị trường châu Á. Với thị trường Trung Quốc, trước đây Việt Nam thường phải nhập khẩu nguyên liệu hoặc bán nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu. N.Ánh
Bình luận (0)