Tại Nghị quyết 124 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Quốc hội giao Chính phủ nhiệm vụ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu... Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng nêu nhiệm vụ phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Không thể đứng ngoài xu thế
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp Việt Nam đang "giằng xé" giữa những con số về sản lượng trên báo cáo với giá trị gia tăng thu được trên thực tế. Trong đó, tư duy kinh tế lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu chứ không phụ thuộc vào sản lượng lớn hay nhỏ. "Một thời nông dân nghĩ sản xuất được sản lượng nhiều thì thu nhập cao hơn. Điều đó là phi thị trường, phi kinh tế. Có những lúc được mùa mất giá, nông dân càng bán lại càng lỗ, cho thấy có sự khập khiễng trong tư duy về sản xuất nông nghiệp. Làm sao để chuyển đổi tư duy từ phía nông dân đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), địa phương và cơ quan quản lý thì mới có thể xây dựng được nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt vấn đề.
Thay đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, tuần hoàn là đòi hỏi bắt buộc - Trong ảnh: Nhà sơ chế rau hữu cơ tại Nhà Bè - TP HCM (Ảnh: NGỌC ÁNH)
Phân tích rõ hơn về nguyên nhân buộc nền sản xuất nông nghiệp phải thay đổi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói Việt Nam đang đứng trước 3 biến động lớn là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và sự dịch chuyển xu thế tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng không còn cần ăn đủ, ăn nhiều mà chuyển sang nhu cầu ăn ngon, sạch, dinh dưỡng hài hòa. Tương tự, nếu trước kia câu chuyện an ninh lương thực chỉ gắn với lúa gạo thì nay cần tiếp cận tư duy bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng. Không dừng ở đó, xu thế mới hiện nay trên thế giới là tiêu dùng xanh, tức quá trình sản xuất sản phẩm không tác động tới biến đổi khí hậu, không làm tăng lượng CO2... "Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tất cả các quốc gia cam kết cắt giảm khí thải CO2 vào năm 2030. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới mới đây cũng đưa ra cảnh báo trong tương lai, bao bì sản phẩm nông nghiệp sẽ ghi rõ tiêu chuẩn không phát thải CO2" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu những áp lực cụ thể để nền nông nghiệp Việt Nam thay đổi.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để làm được điều này, ông cho rằng cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, bảo đảm hài hòa trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.
Tại Hội nghị triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức sáng 29-10, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay chiến lược này nhằm đưa Việt Nam "đi tắt đón đầu", bắt kịp, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Khát vọng này thể hiện ở việc Việt Nam quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái...
"Xanh hóa" để tăng giá trị gia tăng
PGS-TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nêu quan điểm việc "xanh hóa" chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu sẽ giúp tăng cường xuất khẩu hàng hóa do dễ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm dịch động thực vật của nước nhập khẩu; giúp kiểm soát tốt hơn mặt hàng xuất khẩu của các DN; bảo vệ môi trường và kiểm soát rác thải, phế liệu tốt hơn...
"Tuy nhiên, mức độ "xanh hóa" chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, thiếu đồng bộ. Cần đổi mới tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng lực triển khai chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong nước trong việc sử dụng các sản phẩm nông sản xanh; xây dựng, công bố các tiêu chuẩn xanh và công nhận các nguyên liệu xanh cho các tổ chức sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, có thể xây dựng các mô hình liên kết để phát triển và hình thành các sáng kiến xanh hóa chuỗi cung ứng nhằm cắt giảm chi phí. Đặc biệt, cần cao ý thức của DN về vấn đề bảo vệ môi trường" - PGS-TS Tạ Văn Lợi gợi ý.
Giới chuyên gia cho rằng nền nông nghiệp Việt Nam với mức độ phát triển hiện nay là nhân tố quan trọng của quốc gia trong nỗ lực trở thành một nước công nghiệp phát triển. Do đó, cần có chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, kết hợp chuyên môn hóa với phát triển tổng hợp. Đặc biệt, phát triển theo hướng kết nối ngành hàng, theo chuỗi giá trị gia tăng ngành nông sản; phát triển nông nghiệp sinh thái, bền vững, chú trọng các sản phẩm hữu hình và các sản phẩm vô hình như không khí, cảnh quan, môi trường...
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ KH-ĐT), cho rằng để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, các bộ - ngành cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; phối hợp liên vùng, liên ngành; tích hợp mục tiêu, giải pháp tăng trưởng xanh để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt trong xây dựng hạ tầng đa mục tiêu.
Để huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh, cần hoàn thiện chính sách, công cụ huy động nguồn lực, hỗ trợ, ưu đãi tài chính; phát triển thị trường vốn, thị trường tín dụng, bảo hiểm xanh, hướng tới phát triển đồng bộ hệ thống thương mại khí thải theo cơ chế thị trường...
Bình luận (0)