Nhiều doanh nghiệp (DN) thuộc chương trình bình ổn thị trường TP HCM chào hàng vào các bếp ăn tập thể, trường học, bếp ăn công nhân ở khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) nhưng bị "dội" trở ra vì không chịu nổi tỉ lệ chung chi chiết khấu quá cao.
Ông Ưng Thế Lãm, Giám đốc công ty Nông Gia Trang, cho biết đích thân ông đã từng đi chào hàng rau củ quả tại các bếp ăn ở KCX-KCN nhưng hoàn toàn thất bại vì người có thẩm quyền mua hàng (thường là bếp trưởng hoặc chủ cơ sở, bếp ăn) đòi chiết khấu đến 20% - 30%. "Họ đòi chiết khấu cao như vậy thì những DN làm ăn chân chính, làm hàng sạch không thể nào chịu được." – ông Lãm phản ánh.
Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc công ty trứng sạch Ba Huân, cũng bức xúc cho biết từ nhiều năm trước, Ba Huân đã xuôi ngược các KCX-KCN trên địa bàn TP HCM để bán hàng lưu động và chào hàng vào các bếp ăn công nhân nhưng không hiệu quả. Bản thân công ty bà chào bán hàng bình ổn thị trường, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cho các bếp ăn với giá thấp hơn giá thị trường 15% nhưng không ai mua.
Ảnh minh họa
Nguyên nhân là do các bếp ăn có đường dây cung cấp riêng, mua nông sản thực phẩm chất lượng không đảm bảo với giá rẻ. Ngay cả bán hàng lưu động vào các KCX-KCN cũng rất "chua", Ba Huân từng mang xe bán hàng lưu động đến KCN Hiệp Phước bán cả ngày nhưng chỉ được 500.000 đồng. "Chúng tôi đã đầu tư tiền tỉ cho máy móc thiết bị, sản phẩm và rất mong muốn kết nối bán hàng vào hệ thống trường học, bếp ăn tập thể, bếp ăn công nhân nhưng đành bó tay. Vì vậy, cần phải có nhạc trưởng đứng ra tổ chức kết nối giúp DN" – bà Ba Huân kiến nghị.
Trong khi các DN than không tiếp cận được các bếp ăn trong KCX-KCN thì Ban quản lý KCX-KCN TP HCM (Hepza) lại rất tha thiết đề nghị các DN ngành lương thực thực phẩm quan tâm đưa hàng vào bán ở KCX-KCN nhiều hơn, đa dạng hơn. Đại diện Hepza cho biết hiện có khoảng 290.000 công nhân lao động ở các KCX- KCN trên địa bàn, có nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn, giá phải chăng rất lớn nhưng mới có 11 điểm bán hàng bình ổn. Hằng tháng, có hơn 20 chuyến bán hàng lưu động của các DN bình ổn thị trường đến các KCX-KCN nhưng hàng hóa chưa đa dạng, chủ yếu là thực phẩm khô, nước mắm, nước tương, gạo… trong khi công nhân rất cần mua thực phẩm tươi sống an toàn, giá phải chăng.
Trước bức xúc phản ánh của các DN, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM Nguyễn Huỳnh Trang cho biết sắp tới Sở sẽ ngồi lại với các sở ngành để tìm giải pháp và kiến nghị UBND TP HCM. Cũng theo bà Trang, trước mắt cần có biện pháp hành chánh là kiểm tra kiểm soát chặt an toàn thực phẩm tại các bếp ăn này để hạn chế việc sử dụng nguyên liệu trôi nổi, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bình luận (0)