Cục Thuế TP HCM vừa công bố rộng rãi 16 doanh nghiệp (DN) còn nợ thuế gần 220 tỉ đồng. Đây là cách làm mới, chưa từng có tiền lệ. Nội dung công bố bao gồm: Tên công ty, địa chỉ, tên người đại diện pháp luật, số tiền thuế còn nợ. Theo danh sách đã công bố, có DN nợ thuế lên tới hàng chục tỉ đồng.
Số nợ ngày càng tăng
Để thu hồi nợ, trước đây, cơ quan thuế thường thông báo đến DN rồi đôn đốc, thực hiện các bước cưỡng chế bằng cách phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, xóa mã số thuế... để DN phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Thế nhưng, vẫn còn không ít DN chây ì hoặc bỏ trốn khiến số tiền nợ thuế lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, đầu năm 2014, con số nợ thuế ước khoảng 45.000 tỉ đồng. Trong đó, số nợ thuế khó đòi chiếm tới 14%, tương đương 6.180 tỉ đồng. Trong khi đó, một quan chức của Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế - Tổng cục Thuế cho biết nhiều DN tự giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn nợ tiền thuế, chiếm trên 50% tổng số nợ khó thu.
Số liệu của Cục Thuế TP HCM tính đến ngày 30-6 cho thấy tổng số tiền thuế, tiền phạt còn nợ trên 18.100 tỉ đồng, tăng 10,3% so với đầu năm 2014. Trong đó, nợ khó thu tăng trên 5%, nợ chờ xử lý tăng gần 37%, nợ có khả năng thu là 14.536 tỉ đồng - tăng gần 11%, tương đương tăng 1.425 tỉ đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu chiếm 50% tổng nợ thuế.
Cục Thuế TP HCM cho rằng việc thu nợ thuế rất khó bởi DN còn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; DN xin dừng hoạt động, bỏ trốn hoặc thua lỗ ngày càng nhiều. Trong khi đó, một số DN nợ thuế hoặc bị truy thu với số tiền lớn không có khả năng thanh toán. Tương tự, theo Cục Thuế TP Hà Nội, DN gặp khó khăn về tài chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ thuế.
Sáu tháng đầu năm 2014, Cục Thuế TP HCM thu hồi được trên 12.100 tỉ đồng tiền nợ thuế, trong đó thu bằng biện pháp cưỡng chế hơn 5.170 tỉ đồng. Cục Thuế TP Hà Nội thu được 4.307 tỉ đồng tiền nợ thuế.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm 2014, ngành thuế đã thu và xử lý được 22.604 tỉ đồng tiền nợ thuế năm 2013 chuyển sang. Trong đó, thu và xử lý nợ thuế bằng biện pháp cưỡng chế thu hồi 3.548 tỉ đồng.
Hạ sách?
Sau khi công bố 16 DN còn nợ tiền thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cục Thuế TP HCM kỳ vọng các DN đang chây ì nợ thuế sẽ nghiêm túc nộp thuế. Cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục công bố hàng loạt DN còn nợ tiền thuế trong thời gian tới.
Theo một số DN, việc công bố danh sách nợ thuế là một biện pháp mới, trước nay chưa có tiền lệ và không được quy định trong Luật Quản lý thuế nên cơ quan thuế cần thận trọng. Khi thực hiện, cần xác định và công khai, minh bạch các tiêu chí để xét đưa DN vào danh sách cần công bố rộng rãi, phổ biến những tiêu chí đó cho DN biết. Ngoài ra, phải xác định chính xác số thuế DN đang nợ và phải xét trên cơ sở khách quan tình hình tài chính của DN, không để xảy ra trường hợp oan sai.
Giám đốc một DN thuốc bảo vệ thực vật tại TP HCM cho biết từng bị oan 1,6 tỉ đồng tiền thuế. Nguyên nhân là do cơ quan thuế cho rằng chi phí mà DN này kê khai không hợp lý. “Bằng lý lẽ và viện dẫn các quy định về thuế, chúng tôi đã tranh đấu thành công cho việc công ty không nợ tiền thuế” - vị giám đốc này nhớ lại.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng Phòng Pháp chế Cục Thuế TP HCM, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn - cách làm trên là lợi bất cập hại. Bởi lẽ, một khi cơ quan thuế đã áp dụng tất cả biện pháp cưỡng chế mà vẫn chưa thu đủ tiền nợ thuế, nghĩa là DN đó đang thoi thóp hoặc “chết” rồi thì việc công bố tên tuổi không có tác dụng giúp ngành thuế tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà ngược lại, càng làm DN ác cảm hơn với ngành thuế.
Gọi cách làm mới của Cục Thuế TP HCM là “hạ sách”, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, bày tỏ: Xét ở quyền lợi tổng thể DN, cách khôn ngoan là làm sao ngành thuế có thể thu thuế về cho ngân sách chứ không phải bêu rếu, làm giảm giá trị thương hiệu DN. Việc làm này có thể không sai luật nhưng thể hiện trình độ quản trị thấp của cơ quan thuế.
Lẽ ra, công việc của ngành thuế là làm sao cho DN có ý chí trả nợ thuế (giãn nợ, hỗ trợ nguồn lực giúp DN làm ăn tốt hơn để có tiền nộp, trả nợ thuế…) nhưng cách làm này thì ngược lại và góp phần thủ tiêu ý chí nộp thuế của DN.
Dồn DN vào đường chết!
Theo luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, pháp luật hiện có rất nhiều chế tài xử lý, cưỡng chế thuế như phạt chậm nộp, cấm lãnh đạo DN xuất cảnh, xử lý hình sự… Cần thiết, nếu DN nợ thuế quá cao, cơ quan thuế có quyền yêu cầu phá sản DN. Vì vậy, việc công bố thông tin DN nợ thuế không giải quyết được vấn đề gì, chỉ gây thêm nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP HCM, nhận định cách làm mới của Cục Thuế TP HCM là không cần thiết, chỉ mang tính hăm dọa và quan trọng là sẽ dồn thêm khó khăn cho DN.
“Việc công bố rộng rãi danh tính DN đang nợ thuế sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của DN. Nếu DN có đóng đủ số thuế đang nợ cũng sẽ mất uy tín dẫn đến việc làm ăn kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Chưa kể, hiện Chính phủ và Bộ Tài chính đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN bằng cách tăng các hỗ trợ về thuế, chính sách… thì việc làm này của Cục Thuế TP HCM có vẻ như đi ngược lại chủ trương trên” - ông Hưng nói.
Theo TS Lê Thẩm Dương, giá trị thương hiệu là tài sản vô hình mà một DN phải dày công mới xây dựng được. Việc công khai danh tính DN nợ thuế sẽ làm DN đó mất mát rất lớn thứ tài sản vô hình này. “Làm giảm giá trị thương hiệu, mất thương hiệu là vô tình vùi dập DN, dồn DN vào đường chết” - ông Dương thẳng thắn.
Tăng cường thu hồi nợ
Để đạt chỉ tiêu số tiền nợ thuế không vượt quá 5% tổng số thu ngân sách năm 2014, Cục Thuế TP HCM đã tăng cường công tác quản lý nợ. Theo đó, ngành thuế tập trung rà soát, phân tích các khoản nợ để ban hành 100% thông báo tiền thuế nợ, tiền chậm nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế đối với những khoản thuế nợ trên 90 ngày. Các bộ phận chức năng còn đôn đốc những khoản nợ do thực hiện gia hạn nộp thuế theo các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đến hạn nộp; các khoản thuế và thu khác theo kết luận của thanh tra và kiến nghị của kiểm toán nhà nước.
Các biện pháp cưỡng chế thuế
Theo Quyết định 1395/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế, tiền thuế nợ khó thu bao gồm: Tiền thuế nợ của DN không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc có văn bản gửi đến cơ quan thuế đề nghị chấm dứt hoạt động nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; cơ quan thuế đã kiểm tra, xác định DN không còn hoạt động (kể cả trường hợp DN giải thể không theo trình tự của Luật DN). Tiền thuế nợ của DN đã giải thể là số tiền đã thông qua quyết định giải thể DN nhưng chưa thanh toán đầy đủ theo quy định của pháp luật...
Các khoản nợ khó thu khác là tiền thuế nợ trên 90 ngày mà cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng - thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề - nhưng vẫn không thu hồi được.
DN nợ tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ khi hết thời hạn nộp thuế, hết thời hạn gia hạn nộp thuế, có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn sẽ bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng các biện pháp: Trích tiền từ tài khoản của DN tại ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong tỏa tài khoản; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng...
Bình luận (0)