Sáng 30-6, hàng trăm tiểu thương kinh doanh buôn bán ở chợ Tam Kỳ, (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã kéo lên trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh Quảng Nam để phản ứng trước việc Ban quản lý chợ Tam Kỳ yêu cầu các hộ kinh doanh mặt hàng hải sản dời lên chợ tạm An Sơn.
Các tiểu thương mang cả xe cùng sọt đựng cá vào trụ sở tiếp công dân tỉnh Quảng Nam để đòi quyền lợi
Theo các tiểu thương, 3 ngày gần đây, cho rằng việc buôn bán gây ô nhiễm môi trường, Ban quản lý chợ Tam Kỳ yêu cầu các tiểu thương buôn bán mặt hàng hải sản như tôm, cua, mực, cá ở đường Bạch Đằng về lại chợ tạm An Sơn để buôn bán. Tuy nhiên, do chợ tạm An Sơn có ít người kinh doanh buôn bán nên các tiểu thương không bán được, hàng hóa hư hỏng phải đổ đi. Việc di dời mặt hàng hải sản lên chợ tạm An Sơn cũng gián tiếp ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các mặt hàng khác.
Các tiểu thương yêu cầu phải sắp xếp thế nào cho đồng đều giữa các mặt hàng để việc kinh doanh buôn bán của họ được thuận lợi. Nếu không, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND TP Tam Kỳ trả lại tiền cho thuê mặt bằng mà các tiểu thương đã nộp trước đó.
Hàng trăm tiểu thương cùng có chung bức xúc nêu ý kiến phản ánh và cầu cứu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam
Các tiểu thương cho biết đã không biết bao nhiêu lần họ kéo lên UBND TP Tam Kỳ nhưng không được giải quyết hợp tình hợp lý. Vào thứ năm tuần trước, họ đã từng kéo lên UBND TP Tam Kỳ nhưng lãnh đạo TP và Ban quản lý chợ hứa nhưng không thực hiện nên hôm nay họ phải “cầu cứu” lên lãnh đạo tỉnh.
Những tiểu thương này thừa nhận có tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa điểm kinh doanh mặt hàng tôm cua, cá nhưng theo họ nguyên nhân chính là do ban quản lý chợ không làm đường ống xả thải khiến nước ứ đọng lại gây mùi hôi thối.
Các tiểu thương cho biết chợ được xây dựng rất hoành tráng nhưng việc buôn bán của họ thì ngược lại
Ông Nguyễn Văn Duyên, Phó Ban quản lý chợ Tam Kỳ, hứa sẽ miễn tiền phí 1 tháng cho những hộ kinh doanh lên chợ tạm An Sơn. Tuy nhiên, các tiểu thương không đồng tình vì cho rằng tiền phí mỗi ngày chỉ 5.000 đồng trong khi kinh doanh buôn bán không được thiệt hại đến tiền triệu. Họ tỏ ra quyết tâm, yêu cầu bằng mọi giá phải sắp xếp cho các hộ kinh doanh cùng ở lại chợ Tam Kỳ hoặc tất cả cùng đi.
Do không có lãnh đạo TP Tam Kỳ tại buổi tiếp dân, ông Trương Bốn, Trưởng ban tiếp công dân tỉnh Quảng Nam, cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của các tiểu thương và sẽ báo cáo tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đề nghị UBND TP Tam Kỳ mở một cuộc họp cùng với bà con tìm giải pháp.
Buổi tiếp dân kết thúc nhưng nhiều tiểu thương vẫn nán lại nêu ý kiến của mình với ông Nguyễn Văn Duyên
Buổi tiếp dân kết thúc nhưng nhiều tiểu thương vẫn chưa đồng tình, nán lại bày tỏ bức xúc và những ý kiến của mình với ông Nguyễn Văn Duyên.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã thông tin, bức xúc trước việc buôn bán ế ẩm khi bị yêu cầu chuyển lên chợ tạm An Sơn, chiều 29-6, hàng chục tiểu thương chợ Tam Kỳ đã kéo lên trước cửa Ban quản lý chợ phản ứng và đổ cá ươn trước cửa phòng.
Tiểu thương đổ cá, mực ươn trước cửa ban quản lý chợ Tam Kỳ vào chiều 29-6
Đây không phải là lần đầu tiểu thương chợ Tam Kỳ có phản ứng vì việc sắp xếp các mặt hàng kinh doanh buôn bán trong chợ. Hồi tháng 11-2014, các tiểu thương cũng nhiều lần kéo lên UBND TP Tam Kỳ yêu cầu chuyển các mặt hàng rau củ quả từ chợ tạm An Sơn về chợ Tam Kỳ vì cho rằng do không đầy đủ các mặt hàng nên việc kinh doanh buôn bán khó khăn. Yêu cầu trên sau đó đã được UBND TP Tam Kỳ đáp ứng.
Tháng 7-2012, TP Tam Kỳ thực hiện cải tạo, nâng cấp chợ Tam Kỳ, các tiểu thương được đưa lên kinh doanh buôn bán ở chợ tạm An Sơn.
Tháng 10-2014, chợ Tam Kỳ xây xong với kinh phí gần 80 tỉ đồng, tiểu thương được di chuyển về lại đây và phải đóng phí thuê mặt bằng với giá cao gấp 3-4 lần.
Cũng từ đó, nhiều mâu thuẫn phát sinh và các tiểu thương cũng đã nhiều lần đi “cầu cứu” chính quyền.
Bình luận (0)