Số lượng du khách đến TP Đà Nẵng không ngừng tăng lên trong thời gian qua. Có nhiều nguyên nhân để du khách chọn TP Đà Nẵng là điểm đến nhưng có thể khẳng định chính sự hấp dẫn của biển đã tác động rất nhiều đến lựa chọn của du khách. Biển Đà Nẵng có nét riêng từ tầm nhìn thoáng đãng, bờ biển thoải mềm, nước xanh, cát trắng, con đường rộng mở, những nụ cười thân thiện… và không quá đông người.
Lo du khách phải chen nhau tắm, chen nhau ăn...
Tuyến ven biển phía Đông của TP Đà Nẵng từ bán đảo Sơn Trà đến giáp Quảng Nam được đông đảo du khách lựa chọn. Theo quy hoạch, tuyến du lịch này được chia làm hai đoạn. Đoạn thứ nhất từ chân bán đảo Sơn Trà đến đường Hồ Xuân Hương (dài khoảng 7 km) chạy sát biển, được thiết kế hoàn toàn thoáng ra biển (trừ dãy nhà hàng phía Nam công viên Biển Đông là chuyện phát sinh).
Trừ khu vực đầu tuyến dành cho ngư dân tập kết thuyền thúng thì toàn bộ chiều dài đoạn bờ biển này đều có thể là bãi tắm. Về sử dụng đất, tại khu vực này bố trí một phần cho người dân tái định cư, một phần khai thác đất chia lô, còn lại chủ yếu dành cho các dịch vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn.
Đoạn thứ hai dài khoảng 11 km kéo tới giáp ranh tỉnh Quảng Nam, chủ yếu bố trí các khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự và căn hộ cao cấp xen kẽ các bãi tắm công cộng.
Đà Nẵng đang phát triển theo định hướng TP du lịch nên rất cần các không gian dành cho du khách. Với con số khiêm tốn trên dưới 4 triệu lượt du khách/năm mà biển Đà Nẵng đã sắp chật nên khi con số này tăng lên ba, bốn lần trong tương lai thì sao? Hiện điều đáng quan ngại không chỉ là việc du khách phải chen chúc tắm biển, tắm nước ngọt, ăn uống mà còn tệ hơn nữa là cả trong đi lại. Nếu không lo từ giờ thì chỉ vài năm tới sẽ chẳng còn sự thanh thản, yên bình và chắc chắn thương hiệu du lịch Đà Nẵng sẽ tổn thương.
Hai việc cần làm ngay
Trước đây, dù chịu áp lực tái định cư và khai thác quỹ đất nhưng cũng chỉ bố trí đất chia lô tại 2 khu vực đầu và cuối đoạn từ chân bán đảo Sơn Trà đến khu vực đường Hồ Xuân Hương. Nay, nhiều nhà đầu tư nhắm tới việc phát triển nhà ở trên dải du lịch này. Có những dự án du lịch nghỉ dưỡng xin điều chỉnh công năng từ khách sạn thành căn hộ, biệt thự cho thuê thành biệt thự để ở.
Có dự án khu thể thao biển cũng đề xuất được xây công trình lưu trú. Lại có nhà đầu tư xin xây dựng một tổ hợp khách sạn, căn hộ quy mô lớn trên đường Võ Nguyên Giáp. Lô đất chỉ hơn 7.000 m2 mà gánh hơn 1.000 căn hộ, tương ứng với khoảng 4.000 người cư ngụ, thử hình dung vào giờ cao điểm hàng ngàn người túa ra thì vấn đề sẽ ra sao? Ấy là chưa kể đến việc trẻ em đi học, vui chơi.
Để phục vụ tốt cho lượng du khách đông đảo trong tương lai, có hai việc chính quyền TP Đà Nẵng cần làm ngay. Một là giữ gìn quỹ đất dịch vụ và đất công. Quỹ đất công trên tuyến này hiện chỉ còn 2 lô góc ngã ba Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt, nên để dành làm công viên, sân chơi phục vụ sinh hoạt văn hóa biển, sẽ làm cho không gian biển có chiều sâu hơn.
Hai là hạn chế tối đa việc phát triển nhà ở. Quỹ đất dịch vụ được quy hoạch chủ yếu để xây nhà hàng, khách sạn. Đây là các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách, vì vậy không nên xem xét điều chỉnh mục đích sử dụng đất thành đất ở cho bất cứ trường hợp nào.
Dải du lịch ven biển là tài sản quý báu của Đà Nẵng nên phải hết sức thận trọng trong mỗi bước đi. Để xem xét mọi chuyện một cách tổng quan và có những cơ sở vững chắc cho việc quản lý đô thị, TP cần rà soát tổng thể phát triển các dự án và đặc biệt cần triển khai thiết kế đô thị toàn tuyến du lịch ven biển.
Ông Huỳnh Việt Thành, Nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng:
Không nên xây chung cư
TP Đà Nẵng đã có quyết tâm rất lớn trong xây dựng đường ven biển. Riêng tuyến ven biển từ đường Hồ Xuân Hương về phía tỉnh Quảng Nam thì quy hoạch cộng đồng chung còn hạn chế mà chủ yếu dành đất cho các nhà đầu tư. Nhân xem xét lại các nhà đầu tư có dự án treo quá lâu để quy hoạch lại cho phù hợp hơn ở tuyến từ đường Hồ Xuân Hương về phía tỉnh Quảng Nam thì TP Đà Nẵng nên tạo một số không gian công cộng như bãi tắm, cây xanh… cho các tuyến đường bên trong có điểm kết thúc ra biển. Việc tạo không gian công cộng ở điểm cuối các con đường hướng ra bãi biển sẽ đẩy giá trị kinh tế của các khu đất bên trong, tạo hình ảnh đẹp trong mắt người dân và du khách. Không nên xây chung cư, đặc biệt là chung cư cho người thu nhập thấp ven biển; còn nếu cho làm dự án căn hộ thì phải cao cấp, sang trọng.
Kiến trúc sư Phạm Phú Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn Thiết kế Xây dựng Đà Nẵng:
Dang dở gây cảnh hoang tàn
Đà Nẵng còn có một số dự án của nhà đầu tư trong nước đầu tư chưa có hoạch định. Nhiều dự án dang dở lộ rõ trên trục biển gây cảnh hoang tàn, ảnh hưởng xấu trong mắt người dân và du khách. TP phải quyết liệt hơn, với nhà đầu tư không đáp ứng được yêu cầu phải kiên quyết thu hồi. Việc cấp phép chuyển đổi công năng các công trình ven biển phải rõ ràng, nếu thay đổi phải có sự cân nhắc kỹ. Việc xây dựng chung cư, khu lưu trú đông người sẽ phá vỡ không gian yên bình của biển. Thực tế hiện nay, một số trục đường biển của TP Đà Nẵng biít kín lối đi của dân, gây mất an toàn về an ninh quốc phòng.
B.Vân ghi
Bình luận (0)