Hơn 1 tuần qua, trong bối cảnh nhiều điểm thu mua thanh long để xuất khẩu bằng đường bộ phải đóng cửa, Công ty Xuất khẩu thanh long Hồng Đào mỗi ngày duy trì xuất khoảng 10-15 container thanh long bằng đường biển. "Chúng tôi đóng hàng và giao cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Yuelaimei chuyển đi bằng đường biển sang thị trường Trung Quốc. Nhờ có kênh bán hàng ổn định, chúng tôi có thể thu mua ổn định cho bà con" - ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc công ty, cho biết.
Công nhân vận chuyển thanh long đã đóng thùng vào kho lạnh để xuất khẩu
Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, trong bối cảnh các cửa khẩu phía Bắc lần lượt ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp thu mua đang tìm hướng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển. Ngoài Công ty Hồng Đào, hiện có 6 doanh nghiệp khác thu mua lượng lớn thanh long để xuất khẩu bằng đường biển.
Tuy vậy, ông Huỳnh Cảnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng khan hiếm container và chi phí vận chuyển đường biển tăng cao. Chưa kể, tàu hàng cập cảng cũng thường bị trễ. Bởi vậy, Hiệp hội Thanh long Bình Thuận kiến nghị cơ quan chức năng sớm có giải pháp tăng năng lực xuất khẩu bằng đường biển để giải quyết số lượng thanh long chín còn rất lớn từ nay đến giữa tháng 1 âm lịch.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, diện tích thanh long toàn tỉnh hiện khoảng 33.500 ha, sản lượng trung bình 650.000 tấn/năm. Giai đoạn 2016-2020, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch 31.939 tấn thanh long tươi, tương đương 37,1 triệu USD. Hiện, ngoài thị trường Trung Quốc, trái thanh long còn được xuất khẩu chính ngạch sang hơn 20 thị trường khác trong khu vực châu Á.
Chỉ riêng thị trường khó tính Nhật Bản cũng tiếp nhận khoảng 6 container thanh long Bình Thuận mỗi tuần qua đường biển. Tuy nhiên, lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch vẫn còn rất khiêm tốn. Với dư địa xuất khẩu chính ngạch còn lớn, tỉnh Bình Thuận đang khuyến khích nông dân, doanh nghiệp liên kết hình thành các vùng trồng thanh long kỹ thuật cao để phục vụ xuất khẩu.
Bình luận (0)