Ngày 29-9, Thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 63 đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành.
Không cố hình sự hóa
Tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH đã gửi đến người đứng đầu NH Nhà nước sự lo lắng về hàng loạt sai phạm của các NH thương mại trong thời gian qua. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) hỏi: “Quan điểm của Thống đốc như thế nào đối với những sai phạm của NH mà gần đây nhất là NH Xây dựng và những giải pháp nhằm hạn chế là gì?”.
“Tư lệnh” ngành NH cho biết tiền thân của NH Xây dựng là NH Đại Tín, trong hoạt động có sai phạm, nhờ thanh tra của NH Nhà nước nên đã phát hiện được. Số vốn ban đầu đã được khóa, không cho sử dụng nên giờ vẫn giữ được khoản đó.
Để giải quyết các “khối u”, ông Bình cho biết đã triển khai rất quyết liệt hoạt động thanh tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật. “Song phương châm là không hình sự hóa các quan hệ dân sự mà chỉ mong muốn phát hiện sớm và tạo điều kiện cho các bên khắc phục hậu quả” - Thống đốc khẳng định và cho biết biện pháp mạnh chỉ được thực thi khi không thể khắc phục sai phạm, gây nên sự thất thoát tiền bạc của đất nước.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích thời gian qua, NH Nhà nước đã phối hợp với công an điều tra và đưa ra xét xử nhiều vụ lớn như Huỳnh Thị Huyền Như, bầu Kiên, ALC II... “Không chỉ NH Xây dựng mà tất cả sai phạm của NH xảy ra ở đâu, khi nào, kể cả trước khi tôi nhậm chức thì cũng vẫn là trách nhiệm của thống đốc và tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm. Tôi đã kiểm điểm hết sức sâu sắc trong báo cáo kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4. Bản kiểm điểm đó tôi có mang theo đây…” - ông Bình bộc bạch.
“Thuốc” trị nợ xấu chưa đúng liều
Đề cập đến 47% nợ xấu đang tồn, vẫn chưa xử lý được, ĐB Đỗ Văn Đương (TP HCM) chất vấn: “Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới mua nhỏ giọt trong tổng số nợ xấu. Vướng mắc do năng lực của VAMC hay do cơ chế?”.
Ủng hộ việc khẩn cấp giải quyết “cục máu đông” nhưng Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, ông Phùng Văn Hùng, bày tỏ sự “không lạc quan” đối với mục tiêu đến cuối 2015 có thể giải quyết cơ bản được nợ xấu. “Phải chăng do bắt bệnh chưa chuẩn, kê thuốc chưa đúng hoặc do cả hai?". Ông Hùng còn đặt vấn đề: Cơ sở nào để NH Nhà nước đưa ra và rút về Thông tư 02, vốn được các chuyên gia dự báo nếu áp dụng sẽ như “liều thuốc” mạnh trị nợ xấu?...
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết VAMC là mô hình chấp nhận được. Nhiều nước có luật riêng về hoạt động của VAMC nhưng nếu chờ xây dựng luật sẽ quá lâu, vì vậy NH Nhà nước vừa phải tiến hành thực tế vừa xây dựng cơ chế.
Làm rõ hoài nghi về năng lực tài chính của VAMC, ông Bình thừa nhận từ 500.000 tỉ đồng nợ xấu ban đầu so với 86.000 tỉ đồng VAMC đã mua cho thấy năng lực đúng là rất yếu. Theo ông Bình, Chính phủ vừa đồng ý tăng thêm 2.000 tỉ đồng cho VAMC nhưng so với 200.000 tỉ đồng cần xử lý trong năm 2015 thì chẳng thấm vào đâu. “Ngân sách để lo cho nhiều việc quan trọng vì thế chúng tôi không nghĩ đến việc dùng vốn ngân sách mà kỳ vọng vào những tháo gỡ về cơ chế chính sách, pháp luật đặc thù cho VAMC” - ông Bình khẳng định.
Để trấn an các ĐBQH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đến tháng 9-2014, số nợ VAMC mua vào là 47.000 tỉ đồng và dự kiến cả năm là 70.000 tỉ đồng. “Cộng với 78.000 tỉ đồng quỹ trích lập, việc xử lý nợ xấu về cơ bản sẽ giải quyết khá căn cơ. Nợ xấu của toàn hệ thống hiện tại sẽ ở mức hơn 3% một chút, còn báo cáo của NH Nhà nước là xung quanh mốc 6% trong năm nay" - ông Bình lý giải.
Về “liều thuốc” mạnh - Thông tư 02, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Chúng ta bắt bệnh đúng, chữa bệnh cũng trúng nhưng đôi khi liều lượng sử dụng phải phụ thuộc sức khỏe người bệnh. Đúng thuốc, đúng cách chữa nhưng cho uống liều cao quá thì người bệnh lại chết vì thuốc; còn liều thấp sẽ không đủ khỏi bệnh”. Từ đó, ông khẳng định việc áp dụng “liều thuốc” Thông tư 02 theo tinh thần “đúng liều, đúng lúc” và nợ xấu được xử lý trên tinh thần lành mạnh hóa, tiến dần áp dụng các thông lệ quốc tế. “Nợ xấu không thể hốt hoảng nhưng không thể chủ quan mà giữ độ bình tĩnh cần thiết để đưa ra giải pháp phù hợp, trị được hết bệnh” - Thống đốc NH Nhà nước quả quyết.
Khó giảm thêm lãi suất
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết năm 2015, Chính phủ quyết tâm kiềm chế lạm phát dưới 6%, mốc bắt buộc dưới mức tăng trưởng dự kiến là 6%-6,2%. Thế nhưng, kiểm soát lạm phát vẫn chưa thể chắc chắn, do vậy việc giảm lãi suất chỉ còn duy nhất mức lãi suất trần 6 tháng là 6%. Nếu đưa mức lãi suất trần này xuống 5% thì trong bối cảnh nguy cơ lạm phát còn ở mức cao sẽ tạo ra sự chấp chới và mất lòng tin của người dân.
Bình luận (0)