Tổng cục Thuế xác định Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm về kê khai thuế dẫn đến bị truy thu và xử phạt số tiền lên tới 821 tỉ đồng. Heineken Việt Nam bị truy thu hơn 916 tỉ đồng với vi phạm được xác định trong thương vụ chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam vào năm 2018, trị giá hơn 4.800 tỉ đồng.
Nhiều chiêu thức
Cơ quan thuế nêu rõ Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã nộp thay tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) với số thuế gần 823 tỉ đồng. Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd sau đó có văn bản gửi Cục Thuế TP Hà Nội đề nghị miễn giảm số thuế trên theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Chính phủ Việt Nam - Singapore. Tuy nhiên, cũng theo hiệp định này cùng với quy định tại Luật Dân sự, trường hợp giá trị bất động sản chiếm từ 50% giá trị tổng tài sản chuyển nhượng thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng (kê khai và nộp thuế) ở nước sở tại. Như vậy, Heineken phải nộp thuế tại Việt Nam do vượt quá 50% giá trị bất động sản.
Coca-Cola Việt Nam bị truy thu và xử phạt số tiền lên tới 821 tỉ đồng do vi phạm về kê khai thuế Ảnh: HOÀNG TRIỀU
PGS-TS Nguyễn Hữu Ánh (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho biết trong hơn 20 năm đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, Công ty Coca-Cola Việt Nam liên tục báo lỗ. Trong khi lẽ ra Coca-Cola Việt Nam phải đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động thì trái lại, DN này tiếp tục đầu tư thêm để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. "Thời gian qua, rất nhiều DN nước ngoài đầu tư ở Việt Nam báo lỗ nhiều năm nhưng lại có tiền mở rộng sản xuất, kinh doanh, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Đó là điều bất thường. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, song chuyển giá là một trong những nguyên nhân" - PGS-TS Nguyễn Hữu Ánh nhận định.
TS Đoàn Thanh Nga (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng các động cơ dẫn tới hành vi chuyển giá của các DN nước ngoài có thể phát xuất từ chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập DN, thuế suất nhập khẩu giữa các quốc gia; sự biến động về tiền tệ và lạm phát; chênh lệch tỉ giá hối đoái; quy định của chính phủ các nước về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài... Chuyển giá có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức như mua bán tài sản hữu hình (hàng tồn kho, máy móc, thiết bị...) và chuyển giao tài sản vô hình; tính chi phí quản lý cho các đơn vị thành viên nhưng thực chất không mang lại lợi ích tương đương cho đơn vị thành viên... "Hoạt động này ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế như thất thu về thuế, khó khăn trong vấn đề thanh tra, kiểm tra và đánh giá DN, thị trường bị độc quyền" - TS Nga nhận xét.
Cần ngăn chặn
Chuyên gia thuế Chung Thành Tiến nhận định tình trạng chuyển giá, trốn thuế tồn tại ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó phổ biến nhất là tại các quốc gia có trình độ phát triển thấp. Khi đó, các nhà đầu tư đa quốc gia với lực lượng pháp chế và đội ngũ tư vấn có trình độ cao sẽ nghiên cứu kỹ quy định pháp luật của nước sở tại, từ đó tìm ra kẽ hở để tận dụng. "Cần có cái nhìn khách quan về hiện tượng này. Bất cứ công ty, tập đoàn nào khi đầu tư vào một nước đều quan tâm nhất đến chuyện tìm kiếm lợi nhuận. Thuế cũng được coi là một loại chi phí để tính vào bài toán kinh doanh. Do đó, quốc gia nào có hệ thống pháp luật còn yếu thì sẽ bị lợi dụng, khi phát hiện cũng không có đủ quy định để xử lý. Để khắc phục, phải bít được lỗ hổng pháp luật để kiểm soát được hoạt động của các nhà đầu tư" - ông Tiến nêu rõ.
Tương tự, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng giải pháp khắc phục tình trạng trên là phải xây dựng được hệ thống pháp luật theo kịp các nước đi trước, tức là phải có đủ công cụ để chống lại các tập đoàn xuyên quốc gia có hành vi chuyển giá. "Xử lý được tình trạng này là câu chuyện dài hạn. Trong đó, vừa hoàn thiện hệ thống luật vừa có cách tìm hiểu, ghi nhận thông tin và chứng minh được vi phạm của DN đa quốc gia. Hiện nay, có trường hợp nhà nước xử phạt nhưng DN nước ngoài không tâm phục khẩu phục, họ cho rằng họ bị "ép". Đó là bởi nhà quản lý đã đưa ra những quy định khiên cưỡng ngoài pháp luật buộc DN phải chấp hành. Việc này là tối kỵ với một môi trường mở cửa hội nhập" - đại diện VCCI nói.
Cũng theo đại diện VCCI, trong một thời gian dài, với mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đã có nhiều chính sách khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia. Đây là mục tiêu đúng đắn bởi chính các tập đoàn này đã thúc đẩy cạnh tranh trong nước, góp phần vào phát triển kinh tế. Tất nhiên, ở bất cứ giai đoạn nào, Chính phủ cũng đều yêu cầu DN nước ngoài tuân thủ pháp luật nhưng chưa có nhiều giải pháp nặng tay được đưa ra. Hiện nay, trong bối cảnh Bộ Chính trị, Chính phủ đưa ra mục tiêu loại bỏ các dự án FDI chất lượng thấp, lựa chọn FDI tốt, chắc chắn hệ thống quy định pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của DN, ngăn chặn gian lận thuế… sẽ sớm được hoàn thiện.
"Khi trình độ quản lý của nhà nước đã tăng lên, nền kinh tế đã giải quyết được những mục tiêu về việc làm, thu nhập bình quân đầu người… thì việc quản chặt hoạt động của DN đa quốc gia sẽ được tăng cường. Thông tin truy thu thuế vừa rồi có thể coi là một trong những động thái khởi đầu" - đại diện VCCI nói thêm.
Công cụ ngoài pháp luật
Đại diện VCCI cũng nhìn nhận trong ứng xử với DN nước ngoài, không chỉ cần quy định pháp luật đủ mạnh mà còn nên khéo léo sử dụng sức ép ngoài pháp luật. Chẳng hạn, Chính phủ khi thu hút FDI, có thể phát ra thông điệp Việt Nam cần bắt tay với những DN có văn hóa kinh doanh tốt, ngoài tuân thủ pháp luật thì phải có đạo đức kinh doanh, kiên quyết không tiếp nhận FDI từ những DN có dấu hiệu "gian lận". "Đánh vào hình ảnh của DN trong mắt quốc tế cũng là một trong những cách hiệu quả" - vị này đúc kết.
Bình luận (0)