Bộ Công Thương sáng 15-1 tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
9 nhóm nhiệm vụ mới
Báo cáo kết quả năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận 2017 là năm đánh dấu bước chuyển khá căn bản của ngành Công Thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành. Theo đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (tăng 7,1% - 8%). Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD, tăng trưởng trên 21%, thặng dư thương mại ở mức 2,7 tỉ USD, góp phần bảo đảm cho các cân đối vĩ mô khác của nền kinh tế.
Đặc biệt, bộ đã tiến hành những bước cải cách mạnh mẽ trên quan điểm toàn diện, bao gồm: thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị còn 30 đơn vị trực thuộc bộ; thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp; xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương…
"Công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) nhà nước đã được Bộ Công Thương tập trung xử lý và đạt những kết quả cụ thể. Điển hình như việc thoái vốn rất thành công tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và đang tiến hành thoái vốn tại một số DN lớn như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dầu Việt Nam…" - Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bộ đã hoàn thiện Đề án xử lý 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành và thực hiện đạt kết quả tốt. Đến nay, 5 nhà máy đã đi vào sản xuất, khắc phục dần thua lỗ, các dự án đều có lộ trình xử lý cụ thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị của Bộ Công ThươngẢnh: Nhật Bắc
Về phương hướng trong năm 2018, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết sẽ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh gắn với tiếp tục cắt giảm các điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành; rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng; tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả; tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước; đổi mới một cách căn bản việc thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế theo hướng hiệu quả và bền vững hơn… Đặc biệt, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu DN nhà nước thuộc ngành Công Thương một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình DN.
Đừng để giả dối chiến thắng chân thực
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các kết quả Bộ Công Thương đã đạt được, nhất là trong bối cảnh có nhiều khó khăn. "Hội nghị lần trước tôi nói Bộ Công Thương có "vấp" nhưng chưa "ngã". "Vấp" thì đứng lên, đứng vững vượt qua thách thức. Uy tín ngành cũng nâng lên, đóng góp nhiều mặt cho đất nước phát triển" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2017, Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các chỉ đạo về tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh giản mạnh mẽ. "Bộ đã thực hiện với thái độ dũng cảm không sợ va chạm. Tuy là vấn đề phức tạp nhưng đã làm khá mạnh mẽ, hiệu quả" - Thủ tướng ghi nhận. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá thương vụ thoái vốn Sabeco là hình mẫu cổ phần hóa DN nhà nước. Sabeco là bài học để mọi DN nhà nước sớm đẩy nhanh cổ phần hóa và niêm yết công khai trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở ngành Công Thương còn nhiều tồn tại, bất cập cần khắc phục. Chẳng hạn, một số chiến lược, quy hoạch ngành còn chậm, tiềm ẩn tình trạng xin cho; việc chuyển dịch từ khai thác tài nguyên sang lấy công nghiệp là then chốt trên nền tảng công nghệ 4.0 còn hạn chế, việc sắp xếp đổi mới DN nhà nước còn chậm và chưa như mong muốn, chưa chú trọng nhiều hơn đến kinh tế tư nhân…
"Tôi đồng tình với những giải pháp cho năm 2018 mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu. Ngành Công Thương phải ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường. Thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các kênh phân phối hàng hóa, không để thua trên sân nhà, nâng cao uy tín hàng Việt Nam để chiếm thị trường. Với hậu quả những năm trước để lại, không vì thế mà nhụt chí, phải dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngoài ra, đổi mới tư duy, chất lượng, tầm nhìn, vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ. Phải đối thoại tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu và sản xuất trong nước, lắng nghe DN. Đừng để giả dối chiến thắng những điều chân thực…" - Thủ tướng góp ý với ngành Công Thương.
Làm rõ kinh tế phi chính thức
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT). Thủ tướng khẳng định thành tựu kinh tế năm 2017 trước hết là nhờ ý chí, chung sức của các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng DN; trong đó có sự đóng góp quan trọng của Bộ KH-ĐT. "Chúng ta đã vượt qua nhiều bất lợi, khó khăn, phát huy tinh thần đổi mới và trách nhiệm, trong đó có sự đôn đốc, chỉ đạo thường xuyên từ Chính phủ. Bộ KH-ĐT đã chủ động vào cuộc, thu được kết quả đáng ghi nhận trong việc bãi bỏ giấy phép con, điều kiện kinh doanh bất hợp lý" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Bộ KH-ĐT cần theo sát diễn biến, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đề xuất tham mưu trong xây dựng, hoàn thiện thể chế để hỗ trợ DN một cách thiết thực nhằm thúc đẩy tăng trưởng… Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh tiềm năng Việt Nam với nhà đầu tư quốc tế..., cũng như làm tốt công tác quy hoạch. Tạo điều kiện cho DN thành lập là tạo ra việc làm, an sinh xã hội.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác thống kê, tổng hợp, phân tích dự báo, hoàn thành phương pháp tính GDP với tinh thần tính đúng, tính đủ quy mô khi mà "người ta nói Việt Nam bỏ lọt GDP, không tính kinh tế phi chính thức, tới 30%".
Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ KH-ĐT trong công tác quản lý đầu tư công, tập trung giảm thiểu nguy cơ thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Thời gian tới, Bộ KH-ĐT cần phối hợp với các bộ, ngành khác trong việc nghiên cứu huy động vốn phục vụ đầu tư một số công trình quan trọng, như sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam... theo tinh thần tiết kiệm, được kiểm soát chặt chẽ, đấu thầu công tâm.
Bình luận (0)