Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, nếu do nhà nước đầu tư thì ghi rõ là UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện, còn UBND tỉnh quy định giá bán và giá thuê. Bởi theo Bộ trưởng, đất nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi nhà nước làm thì quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thảo luận tại tổ ngày 5-6
Đối với các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết dự thảo luật vẫn chưa quy định giá bán sẽ do ai duyệt. "Đã là nhà ở xã hội, tôi cho rằng, giá bán phải do nhà nước duyệt. Bởi doanh nghiệp đầu tư, nhưng chỉ đầu tư vốn, còn đất là nhà nước giao, không thu tiền sử dụng đất, giao đất sạch, thì đương nhiên nhà nước phải khống chế mức bán tối đa"- Bộ trưởng nêu quan điểm.
Người đứng đầu Bộ Tài chính nêu rõ khi nhà nước quy định giá tối đa thì nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư mới bán đúng đối tượng, cho thuê đúng đối tượng và nhà nước mới khống chế được. Nếu không quy định chặt chẽ, Bộ trưởng lo ngại sẽ rơi vào "kênh" nhà ở thương mại.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh nhà ở xã hội dù nhà nước đầu tư hay doanh nghiệp đầu tư thì nhà nước đều phải quyết định giá. "Đối với dạng nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn với doanh nghiệp đầu tư thì phải quy định giá tối đa để khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, của nguồn vốn xã hội" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Thảo luận dự án luật này tại đoàn TP HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề tại sao cơ quan soạn thảo không đưa nhà trọ vào trong phạm vi của Luật Nhà ở sửa đổi lần này.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng nhà trọ hiện đang giải quyết khá lớn nhu cầu chỗ ở của người lao động, phù hợp với túi tiền của người lao động. Tuy nhiên, nhà trọ hiện nay vẫn chủ yếu do người dân xây dựng, đầu tư và thiếu quy hoạch, định hướng, hỗ trợ của tổ chức, nhà nước.
"Cần đưa vấn đề nhà trọ vào Luật Nhà ở, để chuẩn hoá các quy định về thiết kế, kiến trúc, an toàn đối với các khu nhà trọ công nhân, gia đình công nhân. Bên cạnh đó, việc đưa nhà trọ vào Luật Nhà ở cũng sẽ giúp hỗ trợ người dân các cơ chế, chính sách xây dựng nhà trọ như lãi suất, thủ tục đền bù, giấy phép xây dựng, phòng chống cháy nổ…." - đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng hiện TP HCM có khoảng 2 - 3 triệu công nhân, nhưng trong khu công nghệ, công nghiệp chỉ khoảng 330.000 lao động, còn lại là lao động ở ngoài. Nếu dự thảo Luật Nhà ở chỉ giới hạn đối tượng mua nhà ở xã hội chỉ là công nhân khu công nghiệp, 70-80% lao động sẽ bị loại bỏ cơ hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng chính sách đề cập đến nhà ở bán cho người lao động, thuê mua. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh đến nhu cầu nhà ở cho thuê bởi hiện nay phần lớn người lao động không có khả năng mua nhà. Nếu mua thì cũng chịu gánh nặng nợ lãi vay lớn, trong khi đời sống và đồng lương con bấp bênh.
Do đó, cần chú trọng, đề cao xây dựng nhà ở cho thuê cho công nhân bởi đại đa số người dân hiện không tiếp cận được nhà ở mua. Việc tăng diện tích nhà cho thuê sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở cho người dân, người lao động, từ đó giảm áp lực nhà ở, khiến giá nhà sẽ giảm.
Bình luận (0)