Chiều 20-3, chủ trì cuộc họp với các đơn vị thuộc bộ về công tác phòng chống và ứng phó với dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề cập đến vấn đề một số đối tác ở thị trường EU và Mỹ ngưng nhập hàng dệt may của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chưa có quyết định chính thức nào của các cơ quan chức năng EU và Mỹ về việc dừng nhập hàng dệt may may của Việt Nam. Theo đó, việc dừng nhập hàng chỉ là quyết định của các đối tác ở 2 thị trường này.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm các đơn hàng mới là rất khó khăn. Do đó, ông Trần Tuấn Anh cho rằng cần sớm có giải pháp để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp, đồng thời tìm ra hướng đi mới phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Bởi theo Bộ trưởng Công Thương, EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu rất quan trọng của Việt Nam, trong đó có ngành dệt may và da giày.
Một số đối tác tại EU và Mỹ ngưng nhập hàng dệt may Việt Nam
Làm rõ hơn tác động từ 2 thị trường EU và Mỹ, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết ngành dệt may, da giày vừa vượt qua khó khăn về nguồn cung nguyên liệu từ đầu tháng 3, thì đến nay lại phải đối mặt với việc huỷ đơn hàng từ đối tác. Cụ thể, các đối tác giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm thời chưa đàm phán các đơn hàng từ tháng 6 trở đi.
Theo ông Hoài, EU và Mỹ là thị trường chiếm tới 70% thị trường của ngành dệt may và da giày, do đó việc tạm ngừng nhập hàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến 2 ngành mũi nhọn này. Do đó, việc tìm kiếm thị trường thay thế, theo ông Hoài cũng không thể bù đắp được, nhưng trước mắt sẽ duy trì sản xuất tối thiểu cho doanh nghiệp. Cục trưởng Cục Công nghiệp cũng nêu ra áp lực đối với 2 ngành này trong vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Tại cuộc họp, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu - châu Mỹ, cho biết ngay khi có thông tin một số đối tác EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, cơ quan này đã làm việc với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ. Qua làm việc, Phái đoàn liên minh châu Âu khẳng định, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân. Các hàng hoá, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông.
Theo ông Linh, chính sách này không tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam – EU. Về phía Đại sứ quán Mỹ, cơ quan này cũng khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang Mỹ.
Tuy nhiên theo ông Linh, hệ thống bán lẻ tại EU và Mỹ đóng cửa do dịch sẽ ảnh hưởng đến một số ngành hàng, trong đó có dệt may, da giày. Lãnh đạo Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết sẽ làm việc với thương vụ Việt Nam tại 2 thị trường này để đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dệt may, da giày.
Bình luận (0)