Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 50 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Trung Quốc hơn 13 tỉ USD (chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm), nhập từ Trung Quốc gần 37 tỉ USD.
Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương đánh giá số liệu về xuất nhập khẩu nói trên phản ánh sự phụ thuộc rất lớn của kinh tế Việt Nam đối với kinh tế Trung Quốc. Đáng nói ở đây là việc nhập khẩu hoàn toàn mang tính chất phi cạnh tranh với các mặt hàng như nguyên liệu, hóa chất, thiết bị… và không làm nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế nước ta. Song song đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu ở những ngành thâm dụng lao động và tài nguyên; và trong khi Trung Quốc xuất hàng chế tạo thì Việt Nam xuất chủ yếu hàng thô.
Mức độ thâm nhập hàng hóa Trung Quốc vào thị trường nội địa Việt Nam cũng rất cao. Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập và hoạt động kinh doanh của nhiều thương gia, người buôn bán nhỏ ở nước ta phụ thuộc lớn vào hàng hóa Trung Quốc.
Ông Hồ Trung Thanh - Trưởng Phòng Quản lý Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Thương mại - cho rằng nếu xảy ra bất ổn trong quan hệ kinh tế 2 nước thì chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. “Xuất khẩu nông sản chủ yếu sang Trung Quốc, nếu bị tạm dừng thì người dân bị thiệt. Với doanh nghiệp (DN), việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về sản xuất và xuất khẩu sang thị trường khác là phổ biến, nếu đóng cửa nguồn nguyên liệu sẽ khiến Việt Nam mất mối quan hệ với bạn hàng. Ngay cả giới buôn bán nhỏ, các đại lý mà không lấy hàng Trung Quốc thì khó có hàng thay thế…” - ông Thanh phân tích.
Theo chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng, phụ thuộc là quy luật tất yếu của bất cứ nền kinh tế nhỏ nào bên cạnh một nền kinh tế khổng lồ, chưa kể đến Trung Quốc còn được coi là công xưởng của thế giới nên chắc chắn bất lợi sẽ thuộc về thị trường nhỏ hơn.
Ông Phạm Tất Thắng cho rằng một số mặt hàng của chúng ta chưa đưa được sang thị trường khác ngoài Trung Quốc, như: dưa hấu, vải, khoai lang, gần đây là gạo… thì phải tìm cách chuyển về thị trường nội địa thông qua hoạt động quảng bá, tuyên truyền người dân sử dụng hàng nội, quay lưng với hàng lậu Trung Quốc kém chất lượng.
Việc chống buôn lậu qua biên giới phải thực hiện quyết liệt hơn, đẩy mạnh hơn nữa phong trào người Việt dùng hàng Việt, đa dạng hóa nguồn cung, chuyển từ xuất thô sang chế biến nông sản, hướng tới sản xuất thay thế nhập khẩu…, đó là những vấn đề cần quan tâm để từng bước “thoát Trung” về kinh tế.
Về cải cách nội tại, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề xuất: “Cùng với những nỗ lực cải cách thể chế, cần tăng cường cơ chế thông tin, tư vấn, hướng dẫn để hỗ trợ DN chủ động hội nhập. Cần đề cao vai trò của các hiệp hội DN trong liên kết phòng vệ thương mại và vượt qua những rào cản thị trường, nâng cao năng lực để bảo đảm mọi DN có thể tiếp cận được thị trường, tận dụng được lợi ích thực chất từ những ưu đãi thuế quan, không để tình trạng có tới 80% các ưu đãi thuế quan đã bị bỏ phí do DN chưa có được sự chuẩn bị đủ mức trong những năm qua”.
Quan trọng hơn cả là phải giải bài toán tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu bằng cách thiết lập quan hệ rộng rãi với các nước trên thế giới thông qua những hiệp định thương mại tự do. Theo các chuyên gia, Việt Nam đã gần như có quan hệ với hầu hết các khu vực đối tác lớn trên thế giới. Việc làm tiếp theo là cần phải đẩy mạnh lựa chọn đối tác chiến lược, thiết lập mối quan hệ nhằm hạn chế phụ thuộc Trung Quốc.
“Tuy vậy, quan trọng nhất là hội nhập đơn phương, tức là tự thân nền kinh tế phải mạnh lên, đừng phát triển kiểu bong bóng mà phải có hướng cải cách, đổi mới, tự chuẩn bị sức mạnh nội tại để ứng phó với mọi biến động bên ngoài. Nếu không, dù có thoát khỏi phụ thuộc Trung Quốc thì Việt Nam cũng lại phải bám đuôi một “ông lớn” khác” - ông Hồ Trung Thanh nhận định.
Cần lộ trình bài bản
Một kế sách đã được bàn thảo từ rất lâu để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc là chủ động mở rộng thị trường thay thế. Tuy nhiên, điều không dễ giải quyết là nguyên phụ liệu Trung Quốc có giá bán cực kỳ cạnh tranh nên nếu chuyển sang thị trường khác hoặc tự phát triển nguồn nguyên liệu thì sẽ khiến DN Việt Nam phải tốn chi phí đầu vào lớn, dẫn tới giảm sức cạnh tranh về giá thành. Vì vậy, phải xem đây là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, phải được thực hiện theo lộ trình hết sức bài bản.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!