Tại Diễn đàn M&A (mua bán, sáp nhập) Việt Nam 2015 với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ” diễn ra ngày 6-8 ở TP HCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết hàng loạt chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư trong nước, chủ động hội nhập quốc tế... đang tạo ra cú hích cho thị trường M&A ở Việt Nam.
Trong năm 2014, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt khoảng 4,2 tỉ USD và con số này không ngừng gia tăng từ đầu năm đến nay. Dự đoán của giới chuyên gia, dòng vốn mới chạy vào thị trường Việt Nam qua các thương vụ M&A giai đoạn 2014-2018 có thể lên tới 20 tỉ USD.
Nóng bỏng thị trường bán lẻ
TS Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho rằng hoạt động M&A đã sôi động và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Sự phục hồi kinh tế vĩ mô, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp (DN) nhà nước và ngành ngân hàng (NH) đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Với thị trường chứng khoán, việc chính thức nới tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài bằng Nghị định số 60/2015/NĐ-CP là minh chứng thể hiện cam kết cải cách của Chính phủ trong hội nhập quốc tế.
“Đơn cử, ở diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Mỹ mới đây, các nhà đầu tư, tỉ phú Mỹ rất hào hứng và đưa ra kế hoạch quay trở lại đầu tư vào Việt Nam, nhất là các ngành xi măng, sắt thép, đặc biệt lĩnh vực bán lẻ” - TS Vũ Bằng kể.
Trong dòng chảy của những yếu tố kích cầu, các nhà đầu tư nước ngoài đang coi Việt Nam là thị trường hoàn hảo để họ nắm cơ hội và khai thác. Nhiều đơn vị môi giới, tư vấn cho biết họ nhìn thấy một lượng khách hàng có dư tiền mặt và sẵn sàng rót vốn để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn, Kiểm toán KPMG Việt Nam, ông John Ditty, tại Việt Nam, cả xu hướng lẫn giá trị gia tăng các thương vụ M&A trong nửa đầu năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. “Những gì Chính phủ Việt Nam đã làm trong vài năm qua về cải cách là tạo ra xu hướng bền vững. Một khi nhà đầu tư nhìn thấy sự chắc chắn, bền vững và có sự tin tưởng, họ sẽ gia tăng đầu tư” - ông nhận xét.
Và M&A trong lĩnh vực bán lẻ đang bùng nổ cũng được các diễn giả đề cập nhiều trong các phiên thảo luận. Ông John Ditty nói rằng những lĩnh vực liên quan đến người tiêu dùng đang thật sự hấp dẫn với hàng loạt thương vụ diễn ra. Trong làn sóng này, giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư Nhật đang trở thành “điểm sáng” khi liên tục đổ vốn nhằm nắm bắt cơ hội ở Việt Nam.
Ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Công ty Tư vấn Recof Corporation, lý giải trong năm nay, nhiều nhà đầu tư Nhật có mối quan tâm đặc biệt hơn với lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam. Như tập đoàn bán lẻ khổng lồ Aeon đã góp vốn vào 2 chuỗi siêu thị của Việt Nam là Fivimart và Citimart, mang theo hàng loạt sản phẩm của Nhật bán tại các siêu thị này. Một số tên tuổi lớn của Nhật còn đầu tư vào hoạt động tài chính NH cho thấy làn sóng đầu tư rất mạnh mẽ. Chỉ trong năm ngoái, đã có 15 thương vụ M&A giữa Việt Nam và Nhật, con số này có thể tăng gấp đôi vào năm nay.
Cơ hội từ cổ phần hóa DN nhà nước
Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, một yếu tố khác đang thúc đẩy hoạt động M&A là quá trình cổ phần hóa DN nhà nước. Dù tiến trình còn chậm và chưa đạt như yêu cầu (mới có 176/432 DN nhà nước cổ phần hóa xong) nhưng các đợt IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) của DN lớn trong ngành giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm... đang tạo nguồn hàng mới hấp dẫn trên thị trường. Chẳng hạn, theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt, quá trình cổ phần hóa Tổng Công ty Xi măng hay MobiFone sắp tới sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.
Có nhiều DN quan tâm mua cổ phần của DN nhà nước nhưng còn băn khoăn về việc định giá, khả năng tăng trưởng, lợi nhuận và doanh thu của các DN. Ông Đặng Quốc Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, lý giải thực ra trong quá trình cổ phần hóa, dù Chính phủ rất quyết liệt nhưng nguyên tắc là phải nâng cao hiệu quả và theo thị trường. Giá trị phải sát thị trường chứ không hẳn nâng giá trị vốn lên để bán thu tiền về bởi cần để nhà đầu tư tin tưởng.
“Minh bạch hóa tài chính và yêu cầu công khai hóa thông tin là điều kiện cần thiết khi cổ phần hóa DN nhà nước. Chính phủ đang giao bộ xem xét lại quy định về tỉ lệ sở hữu ở những lĩnh vực nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối và sẽ sửa đổi theo hướng mở rộng hơn nữa phần bán ra thị trường. Ở đâu nhà đầu tư quan tâm thì sẽ bán với điều kiện chất lượng cải thiện, giá không tăng đang là cơ hội cho M&A” - ông Đông nhấn mạnh.
Khuyến khích mua lại NH yếu kém
NH cũng là một ngành được đánh giá sẽ “nóng” bởi những thương vụ sáp nhập. Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NH Nhà nước, cho biết sau hơn 3 năm đẩy mạnh tái cơ cấu đã giảm được 12 tổ chức tín dụng yếu kém và làm lành mạnh hóa hệ thống NH, thị trường vàng. NH Nhà nước chủ động xử lý những yếu kém trong hệ thống, kể cả việc dùng biện pháp mạnh như mua lại NH thương mại giá 0 đồng với đơn vị hoạt động thua lỗ, bị âm vốn. Thời gian tới, nếu các NH yếu kém không thể tự tái cơ cấu, NH Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư ngoại có tiềm lực, kinh nghiệm tham gia, kể cả mua lại 100% vốn của NH thương mại.
Bình luận (0)