Ngày 18-5, gần 300 nhà nhập khẩu nước ngoài đã tham gia hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Hải Dương tổ chức thông qua 5 điểm cầu trong nước, 31 điểm cầu nước ngoài ở 12 quốc gia.
Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết vùng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đang vào mùa thu hoạch, nhờ sản xuất chuyên nghiệp nên chất lượng, mã vải ngày càng được nâng cao. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, TP trong cả nước và được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Trung Quốc...
Trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản phù hợp, vừa thúc đẩy sản xuất tiêu thụ nông sản vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Năm nay, việc kết nối và tiêu thụ nông sản trên nền tảng số được tỉnh đặc biệt quan tâm. "Hội nghị này chính là dịp gắn kết các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN), người dân cùng đồng hành trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh. Chúng tôi đang tăng cường kết nối trực tuyến, giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện cho các DN tổ chức thu mua, xuất khẩu vải thiều thuận lợi" - ông Thái nhấn mạnh.
Tại điểm cầu Côn Minh (Trung Quốc), bà Lý Dự, Phó Giám đốc Sở Thương mại Vân Nam, khẳng định thời gian qua luôn coi trọng phát triển hợp tác thương mại với Việt Nam. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập cảnh, các bên đã chủ động hợp tác, tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện cho việc xuất nhập khẩu nông sản vào mỗi bên đều được thuận lợi. Đại diện nước bạn cũng bày tỏ những băn khoăn khi dịch Covid-19 đã hạn chế phần nào giao thương giữa hai nước. "Thời gian tới, các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây và Việt Nam sẽ hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến nông sản, tạo môi trường hợp tác thương mại thuận lợi hơn, đặc biệt là mặt hàng vải thiều của Hải Dương" - bà Lý Dự nói.
Cắt băng xuất khẩu vải thiều đi Nhật Bản. Ảnh: MINH PHONG
Về phía DN trong nước, ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam, cho rằng vải thiều Thanh Hà với những đặc trưng nổi trội về chất lượng, mẫu mã, được canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế là sản phẩm mũi nhọn, tạo ra giá trị cao so với các quốc gia trồng vải khác. Theo ông, Hải Dương cần chú trọng trong việc tổ chức sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để có thể đáp ứng được nhiều thị trường khó tính. Ông Tiến cam kết sẽ đồng hành để đầu tư về nguồn lực, vật lực cùng nông dân đưa nông sản đến các thị trường quốc tế; áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại nhất để cho ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất tới các thị trường lớn, khó tính nhưng mang lại giá trị cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khi tham gia hội nghị cũng cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm quả vải thiều. Đồng thời hỗ trợ DN thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng triển khai hỗ trợ kết nối cho các DN, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace 247 cho quả vải thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh; giao dịch trực tuyến với khoảng 200 nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với quả vải thiều Thanh Hà như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hà Lan... vào các ngày từ 18 đến 20-5.
Để chủ động kế hoạch tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều, khi có những biến động lớn như dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị Hải Dương cần định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Tỉnh cần có giải pháp tích hợp đa giá trị trong xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, quan tâm việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên những nông sản thế mạnh. "Hải Dương cũng cần quan tâm tới khâu chế biến nhằm tránh rủi ro mùa vụ, đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp thị hiếu người tiêu dùng" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói và cho rằng với những lợi thế về phát triển cây ăn quả, tỉnh Hải Dương nghiên cứu quy hoạch cùng du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị của ngành.
Đã lên phương án thu mua
Cũng liên quan đến xuất khẩu vải thiều, trao đổi riêng với phóng viên, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho biết đã có kế hoạch thu mua và xuất khẩu quả vải tươi sang Nhật Bản, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU). "Công ty đang làm việc với đối tác lớn ở EU có hệ thống phân phối lên đến gần 6.000 siêu thị nên sản lượng mua dự kiến rất lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh đang ảnh hưởng khó cho khâu logistics, vận chuyển đường biển sang EU chưa bình thường trở lại còn trong nước, vùng nguyên liệu chính là Bắc Giang đang có dịch nên cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất, thu mua hàng cho nông dân. Hy vọng từ nay đến chính vụ thu hoạch vải, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, DN cũng đã tính đến phương án mà nhân sự của công ty không đến trực tiếp vùng nguyên liệu được thì nhờ lao động địa phương hỗ trợ" - bà Vy chia sẻ.
Cũng theo bà Vy, sau năm đầu tiên quả vải tươi Việt Nam tạo được tiếng vang ở thị trường Nhật Bản đã tạo hiệu ứng rất tốt, nhiều khách hàng từ Mỹ, EU đã chủ động liên hệ mua hàng. "Điều quan trọng nhất là các DN phải đồng lòng giữ chất lượng, bảo đảm sản phẩm đẹp, ngon, an toàn để giữ thị trường, không cạnh tranh giảm giá, không hạ giá thu mua của nông dân. Có như vậy, nông dân mới có niềm tin tuân thủ quy trình canh tác vì chỉ cần một DN bị phát hiện có vi phạm về dư lượng thuốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều DN khác và thương hiệu vải tươi của Việt Nam" - bà Vy bày tỏ.
Bình luận (0)