Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết do chưa hợp nhất giữa chứng chỉ HACCP (hệ thống quản lý chất lượng do Mỹ quy định) và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở chế biến thực phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng nên nhiều khi doanh nghiệp (DN) có chứng chỉ HACCP vẫn bị “bắt lỗi”.
Nên thừa nhận cái tốt hơn
Theo ông Phong, khi DN được cấp chứng chỉ HACCP tức là các điều kiện về ATTP đã cao hơn rất nhiều so với chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện do chưa có văn bản hợp nhất 2 chứng nhận nên về nguyên tắc, DN phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh mới đáp ứng về thủ tục.
“Cần lưu ý rằng, một DN có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP thì 6 tháng phải tự gửi mẫu kiểm nghiệm, lưu kết quả đó. Còn đối với DN có chứng chỉ HACCP hay GMP (thực hành sản xuất tốt), ISO (hệ thống quản lý chất lượng) thì 1-5 năm mới phải làm lại.
Chúng ta đang quản lý về quy trình bảo đảm ATTP nên nếu DN làm được tốt hơn, chúng ta phải thừa nhận chứ không nên lo việc trao quyền cho DN quá nhiều. Vấn đề là phải tăng cường hậu kiểm. Trường hợp phát hiện DN “chạy” giấy chứng nhận sẽ bị xử phạt nặng” - ông Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phong, Bộ Y tế đang cố gắng thực hiện lộ trình bắt buộc đạt chứng nhận GMP đối với DN sản xuất thực phẩm chức năng vào năm 2018. Đây được coi là “tấm hộ chiếu” khẳng định tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, đồng thời gia nhập thị trường thế giới. Như vậy, nếu DN có chứng nhận HACCP hay GMP sẽ được miễn luôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP”.
Ông Phong cho biết thêm trong vụ việc tạm dừng 13 sản phẩm Coca-Cola là do có sự hiểu nhầm trong việc cấp phép, trong đó có lỗi của cơ quan quản lý. Trước đây, Coca-Cola Việt Nam chỉ sản xuất nước giải khát nên theo thẩm quyền, Chi cục ATTP TP HCM cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP.
Tuy nhiên vừa qua, Coca-Cola có sản xuất thêm một số nước uống có bổ sung vitamin và theo nguyên tắc phải được Cục ATTP cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh với các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người (được khám sức khỏe, tập huấn).
Do vậy, Cục ATTP hiểu rằng nếu DN có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP được cấp thẩm quyền ở địa phương cấp thì sẽ không cần giấy chứng nhận tương tự để tránh phiền hà cho DN. Vì lý do này nên khi thanh tra yêu cầu DN phải có đủ 2 giấy chứng nhận, Cục ATTP đã cấp bổ sung cho DN ngay.
Được lợi nhờ giảm giấy phép “con”
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết là một DN trong ngành nước giải khát có chứng nhận HACCP nên ông ủng hộ đề xuất của Cục ATTP vì giảm thủ tục cho DN.
Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, dù giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP có giá trị về pháp lý nhưng nếu so các tiêu chuẩn của HACCP thì chỉ tương đương 5/10 điểm. Lý do là các tiêu chuẩn bảo đảm ATTP hiện nay của Việt Nam cũng lấy từ những chuẩn mực quốc tế như HACCP, ISO… và có phần hạ bớt để một số cơ sở sản xuất nhỏ đáp ứng được.
Qua thời gian dài áp dụng tiêu chuẩn HACCP, ông Thiện cho rằng dù tốn chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng DN thừa hưởng một quy trình quản lý chất lượng thực phẩm tiên tiến, được đối tác tin tưởng.
Hiện tại, tỉ lệ DN trong ngành thực phẩm áp dụng quy chuẩn HACCP còn thấp do không phải nơi nào cũng đáp ứng được. Chi phí để được cấp chứng nhận HACCP lần đầu từ 40-50 triệu đồng đối với một nhà máy sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ (chưa kể các khoản sửa chữa nhà xưởng, mua sắm thiết bị theo tiêu chuẩn mới).
Trong khi đó, đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại TP HCM lại cho rằng nên thận trọng. Một cán bộ quản lý thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp ở TP HCM phân tích: “HACCP chỉ kiểm soát mối nguy và được tổ chức cấp giấy đánh giá định kỳ theo năm. Quá trình kiểm tra thực tế vẫn ghi nhận nhiều cơ sở có ISO, HACCP nhưng vẫn không bảo đảm ATTP bởi ý thức chấp hành cam kết của DN còn thấp.
Có nơi được cấp chứng nhận rồi “cất tủ”, chứ không duy trì như thời điểm thẩm định. Tiêu chí đánh giá để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP của cơ quan nhà nước và ISO, HACCP (lĩnh vực nông nghiệp) là khác nhau, nếu tương đồng thì đã bỏ từ lâu” - cán bộ này phân tích.
Chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến được ưu tiên
Hiện nay, DN sản xuất thực phẩm có một trong các chứng chỉ quản lý chất lượng tiên tiến như HACCP, ISO 22000, GMP… đã được ưu tiên hơn DN khác, như giấy tiếp nhận công bố sản phẩm có hiệu lực 5 năm, trong khi DN không có các chứng nhận này thì hiệu lực chỉ 3 năm.
Bình luận (0)