xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần ứng phó cú sốc thương mại bên ngoài

Dương Ngọc

Việt Nam cần khai thác nhiều hơn tiềm năng nội tại, nuôi dưỡng nhiều hơn sự tăng trưởng của khu vực tư nhân trong nước để duy trì sự mạnh mẽ của nền kinh tế

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2018 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố sáng 11-4 tại Hà Nội cho thấy Việt Nam sẽ tiếp tục đạt kết quả tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 7,1% trong năm nay, trước khi giảm xuống 6,8% trong năm 2019. Lạm phát sẽ đạt mức trung bình 3,7% trong năm nay, tăng so với mức 3,5% của năm 2017 và đạt 4% trong năm 2019, do sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hóa toàn cầu.

Để mọi người được hưởng lợi

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nhận định: "Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp".

Cần ứng phó cú sốc thương mại bên ngoài - Ảnh 1.

Lạm phát tuy chưa quá cao nhưng có chiều hướng tăng trong 2 năm tới Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy nhiên, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng lưu ý Việt Nam hiện ở đỉnh cao, ở độ chín tăng trưởng, do đó áp lực càng cao. "Phải nhớ Việt Nam cần gì, tăng trưởng cao nhưng phải duy trì ổn định lâu dài, tốt nhất là tăng trưởng cần được san sẻ một cách đồng đều, để mọi người cùng hưởng lợi. Nếu tăng trưởng nóng sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Hiện nay, lạm phát tuy chưa quá cao nhưng có chiều hướng tăng trong 2 năm tới, điều quan trọng là kiểm soát lạm phát" - ông Eric Sidgwick nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo tăng trưởng quan trọng, song chất lượng tăng trưởng còn quan trọng hơn và nhất là tăng trưởng có bền vững hay không. Không nên cố gắng chạy theo tăng trưởng cao, như tăng trưởng tín dụng phải không để nợ xấu gia tăng, chất lượng tín dụng cần theo dõi hết sức sát sao.

Những nguy cơ lớn

Trong khi nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng vững chắc của Việt Nam, ông Aaron Batten, chuyên gia cao cấp kinh tế quốc gia ADB tại Việt Nam, cũng lưu ý một số nguy cơ lớn đối với triển vọng này, trong đó có sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.

Kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GPD, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Mức độ phụ thuộc thương mại, phụ thuộc tăng trưởng vào xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam khá cao, nếu có sự đứt gãy trong xuất khẩu sẽ ảnh hưởng lớn. Một sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - Mỹ và Trung Quốc - sẽ có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế. "Việt Nam không chỉ phụ thuộc về thương mại mà còn có tính liên kết cao với các thị trường Mỹ và Trung Quốc. Việc tăng các loại thuế giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng tạo ra tác động lan tỏa, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Việt Nam" - ông Aaron nêu rõ.

Đồng thời, mọi động thái tăng cường bảo hộ thương mại - như Mỹ có thể tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm - sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Việc phụ thuộc đáng kể vào vốn FDI và thương mại với Hàn Quốc làm cho Việt Nam rủi ro hơn đối với các căng thẳng địa chính trị. Biến động trên thị trường tài chính quốc tế gia tăng hoặc luồng vốn gián đoạn sẽ có ảnh hưởng lan tỏa đáng kể đến thị trường nội địa.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho rằng: "Bên cạnh việc giảm lệ thuộc của nền kinh tế vào hoạt động xuất khẩu và DN FDI, Việt Nam cần khai thác nhiều hơn tiềm năng nội tại của nền kinh tế, nuôi dưỡng nhiều hơn sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước để duy trì sự mạnh mẽ của nền kinh tế, có thể ứng phó với những cú sốc có thể đến từ bên ngoài".

Rào cản về nhân lực

ADB đánh giá sự thiếu hụt kỹ năng lao động nổi lên như một rào cản quan trọng trong kinh doanh ở Việt Nam. Không đủ lực lượng lao động được đào tạo bài bản khi có chưa đầy 20% người lao động được đào tạo sau THCS một cách chính thức. Các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng việc tuyển dụng lao động vào những công việc đòi hỏi kỹ năng cao là thách thức lớn nhất cho hầu hết DN, trong đó 70%-80% ứng viên vào các vị trí quản lý và kỹ thuật được cho là không đủ trình độ.

Xếp hạng của Việt Nam về cảm nhận chất lượng hệ thống giáo dục đại học trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017-2018 đã tụt 1 bậc xuống vị trí 84 trong gần 140 quốc gia được khảo sát. Trong khi đó, Việt Nam chỉ xếp thứ 120 về chất lượng các trường quản lý, đây là điểm xếp hạng thấp nhất trong tất cả cấu phần nội dung của chỉ số. Kết quả này bộc lộ nhu cầu cấp bách phải khớp nối được chương trình đào tạo với nhu cầu của DN. Cần bắt tay vào công tác hiện đại hóa trường đại học và đào tạo nghề từ bây giờ để bảo đảm vấn đề lao động thiếu hụt tay nghề sẽ không cản trở tăng trưởng của đất nước.

Nguy cơ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho rằng nếu chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc xảy ra thì Việt Nam sẽ là nước bị cả 2 phía hoài nghi. Mỹ sẽ lo ngại hàng Việt Nam xuất sang đây có nguồn gốc Trung Quốc, ngược lại Trung Quốc cũng hoài nghi như vậy. Vừa rồi Trung Quốc ra sắc lệnh tất cả nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc phải có CO (chứng nhận xuất xứ) bởi họ nghi ngờ có hàm lượng chất xám của Mỹ và vì độ lệch thuế nhập khẩu hàng từ Việt Nam và Mỹ sang Trung Quốc đang khá cao. Với Mỹ thì không riêng Trung Quốc mà ngay cả Việt Nam, những gì bất lợi cho DN nội địa thì họ đều áp dụng chính sách, hàng rào khắc nghiệt. Cá basa nhập khẩu vào Mỹ là một dẫn chứng. Tương lai sẽ còn nhiều mặt hàng khác vào Mỹ sẽ bị nước này dựng rào để bảo hộ sản xuất nội địa.

Theo ông Viên, Vinamit đã bàn với khách hàng Mỹ là sẽ nhập hành tây từ Mỹ về để sản xuất hàng xuất khẩu sang nước này, thay vì dùng hành Việt Nam như lâu nay để tránh nguy cơ cơ quan quản lý của Mỹ nghi ngờ sử dụng hành tây Trung Quốc. "Chúng tôi chưa tính toán cụ thể nhưng chắc chắn chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Những DN làm ăn với 2 thị trường này cần chọn những sản phẩm đặc thù của Việt Nam để xuất bán cho từng thị trường", ông Viên nói. Những DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang gia công tại Việt Nam để xuất sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng. DN FDI thường chọn Việt Nam vì đưa linh kiện từ Trung Quốc sang cho gần, từ Việt Nam lắp ráp xong bán cho Mỹ.

Ông Phạm Đức Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi - nhận định cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu bắp, đậu nành từ Mỹ lên 25% như dự kiến thay cho 15% như hiện nay thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ hưởng lợi. Lý do là chính sách này sẽ khiến giá thành chăn nuôi của Trung Quốc tăng cao, đặc biệt là heo, kéo giãn khoảng cách chênh lệch với giá heo Việt Nam, thúc đẩy thương nhân tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc chủ yếu nhờ thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là 0%, còn trình độ, công nghệ chăn nuôi tương đương. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa mở cửa chính thức để nhập khẩu heo chính ngạch từ Việt Nam nên việc trông chờ vào xuất khẩu tiểu ngạch là hết sức rủi ro.

TH.NHÂN-NG.ÁNH

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo