Ngày 19-2, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt, cho biết sáng cùng ngày, công ty ông đón cùng lúc 2 tàu Crystal Symphony chở 900 khách và tàu Silver Spirit chở 400 khách cập cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Du khách trên tàu - chủ yếu đến từ châu Âu, Mỹ - sẽ bắt đầu hành trình tham quan các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam.
Theo ông Phan Xuân Anh, do ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra, lịch trình tour của đoàn khách phải điều chỉnh cho phù hợp. Theo kế hoạch, đoàn sẽ có một chương trình tiệc trong Hoàng Cung để du khách (thường là đoàn du thuyền cao cấp) xem nhã nhạc Cung đình Huế… nhưng cuối cùng phải hủy do lo ngại tập trung đông người.
Ông Phan Xuân Anh cho biết những ngày qua, nhiều du thuyền cao cấp đến từ các nước có lịch trình cập cảng ở Việt Nam đã phải hủy do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tàu Silver Spirit cập cảng Chân Mây ngày 19-2. Ảnh: Lam Giang
Để phòng tránh dịch Covid-19, các du thuyền từng cập cảng ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan sẽ bị từ chối khi tới điểm đến du lịch ở Việt Nam. Các du thuyền khác vẫn có thể cập cảng để du khách đi tham quan bình thường nếu không có trường hợp khách có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19, bị ho, sốt hoặc trước khi cập cảng ở Việt Nam đã qua giai đoạn 14 ngày…
"Khách du thuyền là dòng khách cao cấp, chi tiêu cao và các hãng tàu thường có kế hoạch trước 1-2 năm nên việc không được cập cảng theo lịch trình ở một vài điểm đến tại Việt Nam thời gian qua sẽ tác động không nhỏ đến kế hoạch trở lại của hãng tàu trong tương lai" - ông Phan Xuân Anh nói.
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, dù bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn đang nỗ lực ứng phó, trong đó có việc tiếp tục quảng bá, đón khách quốc tế từ nhiều thị trường khác.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel (chuyên thị trường khách châu Âu), cho hay trong tháng 2, lịch đón tour của doanh nghiệp có bị tác động nhưng không quá lớn. Khoảng 10% lượng khách đặt tour đã hủy nhưng tình hình chưa quá nghiêm trọng khi Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh và hãng lữ hành liên tục thông tin về tình hình dịch bệnh cho du khách.
Theo ông Toản, ước tính hơn 50 tour khách châu Âu, trong đó 80% là khách đến từ Pháp, vẫn tiếp tục đến Việt Nam. Trong tháng 2, Images Travel vẫn đón hơn 1.000 khách và theo kế hoạch trong vài tháng tới, khách từ các thị trường châu Âu vẫn khá ổn định.
Công ty TST Tourist cho biết trong tháng 2 và tháng 4, khách từ thị trường Thái Lan của công ty vẫn giữ nguyên kế hoạch du lịch Việt Nam, trong đó điểm đến tập trung là Hà Nội, Hạ Long, Sapa… với trên 305 khách.
Các thị trường khách từ Ấn Độ, Malaysia đang trong quá trình kết hợp cùng đối tác xúc tiến và đẩy mạng các đoàn khách dưới 20 khách. Sau đợt khảo sát thị trường Ấn Độ vào tháng 2 của TST tourist, chắc chắn lượng khách từ Ấn Độ sẽ sớm gia tăng về số lượng từ cuối năm 2020 và 2021. "Năm 2020 dù rất khó khăn cho ngành lữ hành thế giới nhưng hướng tiếp cận, khai thác thị trường khách mới sẽ là cơ hội nhằm thúc đậy tính chủ động trong phát triển thị trường tour, thu hút du khách đến Việt Nam" - đại diện TST Tourist nhận xét.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết dù đang bị ảnh hưởng từ dịch nhưng thị trường khách quốc tế, đặc biệt là châu Âu, của công ty vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định. Trong quý I/2020, công ty đã phối hợp khá tốt với các đối tác để du khách yên tâm, duy trì kế hoạch đưa khách đến Việt Nam theo đúng hợp đồng đã được ký kết và chuẩn bị từ đầu năm 2019 đến nay.
"Từ những ngày cuối năm và Tết Nguyên đán 2020, chúng tôi đã đón nhiều đoàn khách du lịch xuyên Việt, mở đầu cho mùa khách châu Âu hằng năm của doanh nghiệp. Trong tháng 2-2020, công ty vẫn tiếp tục đón khoảng 10 đoàn khách châu Âu vào tham quan Việt Nam, ở 2 đầu cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và Mộc Bài. Mỗi đoàn dao động từ 30 - 80 khách" – ông Trần Thế Dũng nói.
Bình luận (0)