Tình trạng thiếu nhân lực nhất là phi công, kỹ thuật viên máy bay cản trở phát triển của hàng không đồng thời dẫn đến cuộc chiến tuyển dụng, lôi kéo nhân lực hàng không giữa các hãng.
Khan hiếm phi công
Tình trạng thiếu phi công, kỹ thuật viên máy bay không phải mới xảy ra gần đây. Mỗi khi có hãng hàng không mới ra đời hoặc ký hợp đồng mua thêm máy bay lại xảy ra cuộc chiến tuyển dụng, lôi kéo nhân lực căng thẳng giữa các hãng. Gần đây nhất là câu chuyện các phi công của Vietnam Airlines (VNA) chuyển sang làm việc cho Bamboo Airways.
Cơ trưởng đang nhập liệu sau khi hoàn tất chuyến bay bên trong buồng lái máy bay A321 neo thế hệ mới Ảnh: DƯƠNG NGỌC
Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VNA, cho biết để đào tạo được 1 phi công lái chính cho dòng máy bay A321 mất 4 năm, trong khi phi công lái dòng máy bay A350 cần đến 7-8 năm. Chi phí đầu tư nhân lực hàng không, nhất là phi công và kỹ thuật viên có chứng chỉ, rất cao. Dù vậy, trong quá trình phát triển, sự bùng nổ của ngành hàng không làm thiếu hụt cả về hạ tầng sân bay và nguồn nhân lực, dẫn đến cạnh tranh trong nước và quốc tế trong thu hút phi công, kỹ thuật viên có tay nghề cao. Mức lương hiện tại của phi công người Việt tại VNA bằng khoảng 75% phi công nước ngoài. "Một số doanh nghiệp (DN) mới tham gia thị trường sẵn sàng bỏ ra những khoản thu nhập cao hơn để thu hút nguồn nhân lực. Hãng đang bị "chảy máu chất xám" và việc bị lôi kéo đến 30% đội bay là điều bất hợp lý" - ông Dương Trí Thành nói.
Chủ tịch HĐQT VNA Phạm Ngọc Minh cho rằng trong điều kiện thị trường thiếu lao động chuyên ngành, VNA bị vướng trần về lương bổng liên quan đến quy định của nhà nước và đang kiến nghị phương án để chủ động về tiền lương đối với lực lượng lao động kỹ thuật cao. VNA cũng kiến nghị cơ quan chức năng hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hãng hàng không khi có sự chuyển dịch lao động mà chưa hoàn thành nghĩa vụ với hãng hàng không cũ; bảo đảm kiểm soát cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực nguồn nhân lực hàng không, có thể xem xét phương án chuyển nhượng phi công giữa các hãng hàng không khi thu hút nguồn lực giàu kinh nghiệm của các hãng đi trước...
Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực hàng không nhìn nhận chuyện "chảy máu chất xám" đang diễn ra là hệ quả của sự bùng nổ đi lại bằng đường hàng không, gia tăng nhanh chóng lượng máy bay của các hãng Việt Nam thời gian qua. Một hãng hàng không thường phải lên kế hoạch, lộ trình rõ ràng cho một máy bay, lịch trình bảo dưỡng... Máy bay đưa vào buổi sáng, buổi chiều đã phải khai thác, nguồn nhân lực cũng vậy. "Để đào tạo một kỹ thuật viên có chứng chỉ để kiểm tra, giám sát máy bay đủ điều kiện cất cánh mất nhiều năm nên việc bị lôi kéo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác của hãng. Phi công có thể thuê của nước ngoài, nhưng kỹ thuật viên, nhân viên chất lượng cao liên quan là không dễ. Do là ngành đặc thù nên trong ngành này, nhân lực muốn xin nghỉ phải báo trước 120 ngày" - vị chuyên gia này nói.
Vấn đề nan giải
Thiếu nhân lực hiện được xem là 1 trong 2 nút thắt của ngành hàng không hiện nay (bên cạnh cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế). Theo các chuyên gia, bức tranh cạnh tranh nguồn nhân lực sẽ còn gay gắt trong thời gian tới, khi thị trường hàng không có thêm hãng mới và các hãng hàng không ngừng đầu tư mới đội máy bay.
Một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) khẳng định vấn đề nguồn nhân lực là một trong các yếu tố để cân nhắc khi có đơn vị muốn đăng ký thành lập hãng hàng không mới. Bên cạnh đó, Cục HKVN cũng giám sát chặt chẽ tăng trưởng của các hãng. Khi một hãng hàng không tăng máy bay, mở đường bay đều phải có đề án, chứng minh với nhà chức trách về số lượng người bổ sung, nhân viên vận hành, giám sát; từ đội ngũ tiếp viên, phi công, nhân viên kỹ thuật, lực lượng khai thác, điều độ… phải được báo cáo và kiểm soát chặt.
Nguồn lao động cũng là vấn đề nan giải của Cục HKVN. Hiện nay cục chỉ có gần 30 giám sát viên bay, đáp ứng 30%, còn lại là thuê phi công kỳ cựu của các hãng. Lực lượng nhân viên kỹ thuật cao cũng khó tuyển dụng. Trong khi đó, lượng máy bay quốc tịch Việt Nam thời gian qua tăng nhanh, hiện có hơn 240 chiếc. Khi số máy bay quốc tịch Việt Nam tăng lên, số lượng giám sát viên cũng phải tăng thêm tương ứng. Sắp tới, cần sự đầu tư lớn của nhà nước mới duy trì được.
Trong văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây về việc Bamboo Airways xin tăng đội máy bay lên 40 chiếc (tăng 30 chiếc so với giấy phép trước đó), Cục HKVN cho biết nếu tính cả số nhân lực kế hoạch năm 2019, lực lượng giám sát viên an toàn hàng không đã ký hợp đồng với cơ quan này chỉ bảo đảm quản lý tối đa 256 máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam. Do đó, nếu tính số máy bay các hãng đang có, số máy bay sắp nhận, thêm 30 máy bay xin bổ sung này, tổng số máy bay của Việt Nam tính tới hết năm nay sẽ lên tới 277 chiếc, vượt 21 máy bay so với năng lực nhân sự giám sát của Cục HKVN trong năm 2019.
Trước những phản ánh về tình trạng thiếu nhân lực, cản trở phát triển ngành hàng không, nhất là phi công, kỹ thuật viên máy bay... Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không, gửi Thủ tướng trong tháng 6-2019.
Sớm có quy hoạch phát triển đội máy bay
Các hãng ồ ạt đầu tư mới đội máy bay, nhưng bất cập hiện nay là các quy định hiện tại của cơ quan quản lý chỉ quy hoạch về sân đỗ máy bay mà không có quy định quy hoạch về đội máy bay của các hãng. Trong khi máy bay là loại phương tiện đặc thù, chỉ có thể đặt ở sân bay. Do đó, một số chuyên gia cho rằng nhà nước cần sớm có quy hoạch phát triển đội máy bay của các hãng, tránh tình trạng máy bay về nhiều nhưng thiếu sân đỗ như hiện nay...
Đề xuất giao VNA tự lập kế hoạch tuyển dụng, trả lương lao động
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động và người quản lý một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong đó có VNA. Theo đó, bộ đề xuất về lao động và thang, bảng lương, giao quyền tự chủ cho DN lập kế hoạch, tuyển dụng, sử dụng lao động, xây dựng thang bảng lương (kể cả đối với người quản lý), thời gian thực hiện thí điểm từ năm 2019 đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng áp dụng đối với các DN nhà nước.
Bình luận (0)