Ngày 13-6, tại TP HCM, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP (HAWA) và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức hội thảo "Đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vào thị trường EU".
Doanh nghiệp tìm mua sản phẩm gỗ để xuất khẩuẢnh: Tấn Thạnh
Gỗ và các sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ nhiều năm qua với kim ngạch tăng trưởng liên tục qua các năm. Trong vòng 10 năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ đã tăng từ 1,9 tỉ USD lên mức 7,3 tỉ USD vào năm ngoái.
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng khả quan với 3,03 tỉ USD. Trong đó, EU là một trong 5 thị trường xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất của Việt Nam. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy năm 2016, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU đạt kim ngạch 741,8 triệu USD.
Bà Jana Herceg - Phó trưởng Ban Kinh tế thương mại, đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam - cho biết dù thị phần xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào EU giảm đáng kể trong vài năm gần đây nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng, chủ yếu là các sản phẩm gỗ có giá trị cao.
Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực từ năm 2018, mức thuế quan từ 0%-10% đối với gỗ và các sản phẩm gỗ được xóa bỏ sẽ giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Nicolas Audier, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), nhấn mạnh với DN Việt Nam khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào EU là phải hiểu rõ từng thị trường, từng thành viên trong EU. Trong vòng 7 năm tới, các mặt hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ sẽ có mức thuế về 0% giúp DN Việt Nam hưởng lợi khi xuất khẩu vào EU. Mức thuế áp dụng cho hệ thống máy móc, thiết bị ngành chế biến gỗ nhập khẩu từ các quốc gia EU cũng sẽ giảm về 0% theo lộ trình. Khi đó, DN Việt sẽ có cơ hội tiếp cận thiết bị, máy móc hiện đại với mức giá rẻ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Tuy vậy, ông Nicolas Audier cũng lưu ý đang có một khoảng cách rất lớn giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong ngành xuất khẩu gỗ tại Việt Nam, khi có tới khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu vào EU đến từ khu vực FDI, không dễ để DN Việt gia tăng xuất khẩu, đẩy mạnh làm ăn ở EU.
Một vấn đề khác, để tận dụng mức thuế suất ưu đãi các DN xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu hợp pháp. Theo bà Bùi Thị Việt Anh, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đây là một thách thức đối với các DN. Bởi hiện Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu chủ yếu từ Lào, Campuchia, Trung Quốc, châu Phi… nên gặp rủi ro không nhỏ về nguồn gốc gỗ nguyên liệu hợp pháp. Các chuyên gia khuyến cáo DN xuất khẩu khi nhập khẩu gỗ hoặc mua từ nguồn nguyên liệu trong nước cần lưu giữ chứng từ không chỉ vài tháng mà từ vài năm, đồng thời khuyến khích DN nhập gỗ nguyên liệu từ các nguồn hợp pháp dù chi phí sẽ cao hơn.
Bình luận (0)