Việc cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua được đánh giá chỉ đạt yêu cầu về số lượng, chưa có chuyển biến về chất.
Lãnh đạo sợ thất nghiệp
Hai trường hợp đáng chú ý là ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), bị điều chuyển về làm phó trưởng Ban Phòng chống lụt bão của Bộ Giao thông Vận tải và ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), bị điều chuyển về công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Đặng Quyết Tiến cho biết đây là 2 trường hợp điển hình lãnh đạo DNNN bị cách chức do không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu DN, trong đó có việc chậm thực hiện CPH.
Giai đoạn 2011-2015, cả nước sắp xếp được 588 DNNN. Trong đó, 508 DN được CPH và 80 DN sắp xếp theo các hình thức khác. Đáng lưu ý, trong giai đoạn này, việc CPH DNNN chỉ đạt yêu cầu về số lượng trong khi chưa có chuyển biến về chất vì tỉ lệ bán vốn trung bình chỉ đạt 8%, nhà nước vẫn nắm hơn 90% vốn tại các DN đã CPH.
Ông Tiến đánh giá một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ bán vốn nhà nước thấp là do lãnh đạo DN không muốn CPH, không muốn bán nhiều cổ phần. “Dư âm của Bộ Giao thông Vận tải là sau khi bán vốn nhà nước cho tư nhân, lãnh đạo DN không có việc làm, phải về bộ nên nhiều DN co cụm lại. Tư tưởng không thông thì không thể CPH tốt được” - ông Tiến nói.
Nhiều DN xin điều chỉnh tỉ lệ bán vốn thấp hơn, kỹ thuật bán kém nên ế, tỉ lệ nhà nước nắm vốn tại các DN sau cổ phần vẫn ở mức hơn 90%. Một hạn chế khác là nhiều DN sau khi bán cổ phần vẫn không chịu niêm yết trên sàn chứng khoán. Điển hình như Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Bộ Tài chính đốc thúc nhưng 9 năm sau vẫn chưa niêm yết và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là 7 năm. Cho nên mới có chuyện khuất tất trong bổ nhiệm cán bộ gây phản ứng trong dư luận tại Sabeco như thời gian qua.
Thoái vốn 5 lĩnh vực nhạy cảm đều lỗ
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, năm 2015 là hạn chót các DNNN phải thoái vốn đầu tư tại 5 lĩnh vực nhạy cảm, gồm: chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Tuy nhiên, từ năm 2011-2015, cả nước mới thoái được 11.036 tỉ đồng vốn nhà nước nhưng chỉ thu về 10.742 tỉ đồng. Nguyên nhân lỗ khi thoái vốn là do khoản đầu tư vào ngân hàng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - đầu tư 800 tỉ đồng vào Ngân hàng Đại Dương) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2 - đầu tư 1,3 tỉ đồng vào Ngân hàng Xây dựng), sau đó 2 ngân hàng này bị mua lại với giá 0 đồng theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2016, các DNNN tiếp tục thoái vốn 490 tỉ đồng nhưng thu về được 450 tỉ đồng. Khoản lỗ 40 tỉ đồng là do có sự “đóng góp” của Công ty Thanh Lễ vì đầu tư vào bất động sản tại khu biệt thự vườn Chánh Mỹ hơn 100 tỉ đồng nhưng thu về chỉ hơn 18 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm của người đứng đầu DN tại các thương vụ thoái vốn dưới giá trị sổ sách nói trên, ông Đặng Quyết Tiến cho biết đối với 2 trường hợp thoái vốn ở ngân hàng, người đứng đầu đã bị xử lý trách nhiệm. Cụ thể, vụ đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương đã khởi tố vụ án và truy tố chủ tịch HĐQT cùng hàng loạt giám đốc; còn vụ việc tại Vinafood 2 thì nhiều cá nhân bị khởi tố, trong đó có phó tổng giám đốc.
Năm 2016, cả nước CPH được 56 DN. Đề cập tới vấn đề bảo đảm chất lượng CPH trong thời gian tới, ông Tiến khẳng định từ năm 2017, có chuyển biến đáng kể vì Chính phủ sẽ sửa đổi hàng loạt nghị định nhằm tháo gỡ khó khăn về kỹ thuật bán vốn, chế tài mạnh với DN chậm niêm yết…
Vinamilk là bài học quốc gia về thoái vốn
Ông Đặng Quyết Tiến nhìn nhận việc bán 9% vốn nhà nước tại Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện vừa qua, dù không bán hết cổ phần nhưng được đánh giá là thành công bởi có nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận mua giá cao. Đây là thương vụ lớn, chúng ta chưa có kinh nghiệm trong khi thời gian thực hiện rất gấp, quá trình chào bán lại không thuận lợi. Trước đây, khi Bộ Tài chính ra nước ngoài giới thiệu phát hành trái phiếu Chính phủ của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam thì trong nước có thông tin một tập đoàn nhà nước khác thua lỗ khiến nhà đầu tư nước ngoài hoang mang, kế hoạch phát hành trái phiếu này “vỡ trận” dù lúc đó ngành than làm ăn rất tốt. Do đó, việc tuyên truyền trước, trong và sau khi bán vốn phải thực hiện tốt, kết hợp với chọn thời điểm bán thuận lợi. “Trường hợp bán vốn VNM là bài học quốc gia về thoái vốn DNNN” - ông Tiến khẳng định.
Bình luận (0)