Việc công khai được thực hiện trong bối cảnh giải ngân vốn nước ngoài trong 9 tháng năm 2019 chỉ hơn 10.543 tỉ đồng, mới đạt 18,8% kế hoạch Quốc hội giao và 23,09% kế hoạch Thủ tướng giao.
Công bố 15 ngày/lần
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, cho biết vừa ký công văn gửi các bộ, cơ quan trung ương chủ quản chương trình, dự án và UBND tỉnh, TP sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính phủ về việc công khai số liệu giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương xác nhận số liệu giải ngân vốn nước ngoài của Chính phủ tính đến ngày 15-9-2019 nhằm thực hiện công khai số liệu giải ngân.
Bộ Tài chính sẽ công khai các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn vay nước ngoài Ảnh: NGÔ NHUNG
Từ ngày 15-10 tới đây, Bộ Tài chính sẽ công bố số liệu giải ngân các nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trên website của bộ với tần suất 15 ngày/lần. Trong đó sẽ công khai danh sách 3 bộ, ngành và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân chậm nhất trong kỳ. Các bộ và địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp bị "bêu tên" sẽ phải giải trình về lý do và đề xuất biện pháp thúc đẩy giải ngân. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện chế độ báo cáo nhanh 15 ngày về giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ chi tiết đến từng bộ, ngành chủ quản và từng tỉnh, TP kèm theo đánh giá và phân tích một số trường hợp điển hình giải ngân kém để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Nguyên nhân chậm giải ngân vốn vay nước ngoài đã được các bộ, ngành có liên quan như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) chỉ rõ nhưng chưa có chuyển biến đáng kể. Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, một số dự án phải thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn hiệp định vay nên dù đã lựa chọn xong nhà thầu vẫn chưa thể giải ngân hoặc không đủ căn cứ pháp lý để bố trí hay bổ sung kế hoạch vốn. "Đối với nhóm các dự án đường sắt đô thị (tổng vốn vay đã ký kết gần 4,5 tỉ USD), có 4/7 dự án đang trong giai đoạn điều chỉnh tổng mức đầu tư dẫn đến việc bố trí vốn giải ngân bị đình trệ" - ông Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, cho rằng công khai, minh bạch luôn là giải pháp tốt để quản lý, thúc đẩy các công việc, trong đó có đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài. Ba bộ, ngành và 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp bị "bêu tên" sẽ phải tự nhìn nhận lại, dư luận xã hội cũng sẽ có những đánh giá về các cơ quan này cũng như tính hiệu quả công việc của họ.
Ông Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: Việc công khai với tần suất 15 ngày/lần phải thực hiện từ sớm, không phải đến bây giờ mới triển khai. "Trước đây, chúng ta có báo cáo tổng kết định kỳ theo tháng/quý/năm nhưng chưa công khai hoàn toàn mà chỉ mang tính tổng quan. Sắp tới, khi công khai từng bộ, ngành, từng địa phương sẽ biết rõ số tiền họ được giao bao nhiêu, giải ngân đạt bao nhiêu phần trăm". Ông đề xuất từ kết quả công khai số liệu cần quy trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đó để nâng cao vai trò của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Chính phủ có thể sử dụng kết quả công khai của Bộ Tài chính để xử lý trách nhiệm các đơn vị chậm giải ngân vốn.
Bình luận (0)