Theo quy định, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai. Dự thảo thông tư hướng dẫn đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đưa ra mức thuế đến 5% doanh thu dành cho những đối tượng này.
Thêm quy định quản lý hộ kinh doanh
Quy định trên được giới chuyên gia cho rằng để chặn thất thoát thuế ở khu vực hộ kinh doanh không muốn lên DN, đồng thời đang được hưởng mức thuế khoán rất có lợi.
Nêu thực tế rất ít hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mô hình hoạt động lên công ty TNHH, ông Nguyễn Viết Toàn - Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú, TP HCM - thừa nhận việc vận động hộ kinh doanh cá thể lên DN đang vướng phải khó khăn. "Luật cho tồn tại loại hình hộ kinh doanh cá thể, thay vì vận động họ chuyển đổi thành DN thì chỉ cần đưa ra chính sách phù hợp để quản lý thuế và minh bạch hóa hoạt động của loại hình kinh doanh này" - ông Toàn nêu quan điểm về chính sách thuế nói trên.
Theo ông Toàn, điểm lợi và hạn chế của hình thức thu thuế khoán đang áp dụng hay thu trên thực tế phát sinh, kê khai theo dự thảo thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc về chuyên môn của ngành thuế. Cốt lõi nhất là làm sao quản lý để thành phần kinh kế này thật sự minh bạch trong nghĩa vụ tài chính, người lao động trong môi trường này được thụ hưởng những quy định của pháp luật về lương, BHXH, BHYT. Khi đó sẽ tạo được sự công bằng trong cạnh tranh lẫn trong đóng góp cho xã hội. "Tôi biết có nhiều hộ kinh doanh cá thể quy mô rất lớn, họ không có nguyện vọng lên DN nên việc điều chỉnh cách quản lý thuế đối với những hộ này là cần thiết, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế" - ông Toàn nói thêm.
Luật sư Trần Xoa, Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, cũng chỉ ra lâu nay có rất nhiều hộ kinh doanh cá thể quy mô lớn hơn DN gấp nhiều lần, đóng thuế khoán hằng năm và không chịu chuyển đổi mô hình hoạt động thành DN. Trong khi đó, khi đưa ra lấy ý kiến và biểu quyết tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đa số ý kiến tán thành không bắt buộc hộ kinh doanh cá thể "lên" DN. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế năm 2020 đã quy định rõ nếu hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên, doanh thu trên 3 tỉ đồng phải nộp thuế theo kê khai chứ không áp dụng thuế khoán như trước. Nghị định 119/2018/NĐ-CP cũng đã quy định rõ hộ kinh doanh có doanh thu từ 3 tỉ đồng/năm trở lên phải có hóa đơn điện tử để quản lý thuế.
"Câu chuyện quản lý doanh thu của cá nhân, hộ kinh doanh để tính đúng, tính đủ thuế vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Sắp tới để quản lý được doanh thu của các cá nhân, hộ kinh doanh thì một trong những điều kiện tiên quyết là yêu cầu các chủ thể này phải sử dụng máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Thực tế, hiện nay nhiều người đi mua hàng, ăn uống… chọn thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử; người mua hàng online cũng thanh toán bằng cách chuyển khoản, việc kiểm soát doanh thu của các hộ kinh doanh dễ thực hiện hơn trước; quan trọng là cần có giải pháp để kiểm tra" - luật sư Trần Xoa nhận xét.
Các hộ kinh doanh ở chợ Bình Tây, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Cần có lộ trình
Cũng theo luật sư Trần Xoa, để thực hiện việc quản lý thuế với hộ kinh doanh lớn như thế nào cho triệt để, cần nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là sự ủng hộ của các chi cục thuế và người tiêu dùng.
"Để tìm hiểu doanh thu thực của DN, hộ kinh doanh, cách dễ nhất là căn cứ vào việc xuất hóa đơn thực. Muốn vậy, phải làm sao cho người dân có quyền lợi trong việc lấy hóa đơn và nên lấy hóa đơn mỗi khi mua hàng" - ông Trần Xoa nói và đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có giải pháp khuyến khích người dân yêu cầu hóa đơn mỗi khi mua hàng. "Chẳng hạn, tổng các hóa đơn mua hàng trị giá 2 triệu đồng trở lên được quy đổi thành 1 lít xăng, 3 triệu đồng trở lên sẽ được quyền lợi khác… Quà tặng có thể không lớn nhưng sẽ tạo động lực cho người dân trong việc hỏi và nhận hóa đơn mỗi khi mua sắm, tiêu dùng. Nếu mọi người dân khi mua sắm đều yêu cầu xuất hóa đơn thì DN, hộ kinh doanh sẽ bộc lộ doanh thu thật" - ông Xoa gợi ý.
Một chuyên gia về thuế cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế, cần có cái nhìn xa hơn về việc cho phép khấu trừ thuế đối với cá nhân. "Trước nay, cá nhân nộp thuế chỉ được giảm trừ gia cảnh mà chưa có chính sách khấu trừ một phần chi tiêu hằng tháng vào tiền nộp thuế. Cơ quan thuế cần nhận thức rằng khấu trừ một phần nhỏ cho người tiêu dùng và khuyến khích họ yêu cầu xuất hóa đơn khi mua sắm, sử dụng dịch vụ sẽ lộ ra khoản thu để tính thuế lớn hơn rất nhiều lần mà hộ kinh doanh có thể đã né tránh. Như vậy, người tiêu dùng và nhà nước đều có lợi chứ không nên nghĩ việc khấu trừ thuế tiêu dùng cho cá nhân sẽ khiến thu thuế bị giảm" - chuyên gia này phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, chỉ có thể khuyến khích chứ không thể đòi hỏi hộ kinh doanh và khách hàng giao dịch qua các nền tảng online để thu thuế, bởi đây là hình thức kinh doanh tự phát, được cho phép hoạt động mà không chịu nhiều ràng buộc. Việc kiểm soát đến từng hộ kinh doanh cũng rất khó bởi cơ quan thuế không đủ nhân lực. "Trước đây, Thông tư 92 về hướng dẫn thực hiện thuế đối với hộ kinh doanh đã đưa ra hướng dẫn thành lập hội đồng phường để làm nhiệm vụ này nhưng rốt cuộc không thực hiện được. Có nhiều nguyên nhân song một phần là do nhân lực quá mỏng để kiểm soát hết được các hộ kinh doanh, do gần như không có cách gì để xác định chính xác doanh thu thực tế khi không thể ép buộc hộ kinh doanh phải có hóa đơn. Cuối cùng rơi vào tình trạng chỉ nắm người khai báo trung thực hoặc xuất hóa đơn đầy đủ mà để lọt người không trung thực hoặc không xuất hóa đơn đầy đủ" - chuyên gia này phân tích.
Ông Trần Văn Phát - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Robot, Chủ tịch Hội DN quận 3, TP HCM - cho rằng trường hợp áp dụng thu thuế theo kê khai đối với các hộ kinh doanh cá thể, ngành thuế cần có lộ trình và có tư vấn, tập huấn, hướng dẫn để họ không bỡ ngỡ. "Thực tế rất nhiều hộ kinh doanh hiện nay vẫn ghi chép thu chi bằng sổ tay, viết hóa đơn bán hàng trên giấy trắng… nên cần làm cho họ nhận thức được việc kê và nộp thuế theo doanh thu là dễ dàng, thuận lợi. Khi thấy không bị phiền phức, vướng mắc, chỉ nộp thuế khi có lợi nhuận thay vì chấp nhận khoán một khoản cố định, họ sẽ chủ động, tự nguyện tham gia" - ông Phát nêu ý kiến.
Quyết tâm chặn thất thu thuế bán hàng online
Dự thảo thông tư yêu cầu các đơn vị trung gian phải khai thông tin, thậm chí nộp thuế thay cho các cá nhân và hộ kinh doanh trên các nền tảng công nghệ. Theo đó, các sàn thương mại điện tử hoặc đơn vị giao nhận hàng hóa có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop ở Việt Nam cho cơ quan thuế. Còn với hoạt động kinh doanh trên nền tảng xã hội (như Facebook), cơ quan thuế địa phương khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, trang mạng xã hội để xác định danh tính cá nhân kinh doanh, từ đó tìm cách thu thuế. Tuy nhiên, dự thảo thông tư chưa điều chỉnh với nhà cung cấp nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, nhận xét với nội dung trên, cơ quan quản lý nhà nước đã cho thấy động thái quyết tâm chặn thất thu thuế ở hình thức kinh doanh online. Tuy nhiên, một số quy định được đề xuất chưa thực sự khả thi. Chẳng hạn, hoàn toàn có thể yêu cầu sàn thương mại điện tử và đơn vị giao nhận cung cấp thông tin của cá nhân kinh doanh, từ đó lộ ra dòng tiền để cơ quan thuế tiến hành các biện pháp thu thuế chứ không thể yêu cầu đơn vị trung gian nộp thuế thay cho chủ shop. Hoặc việc cơ quan thuế địa phương tự rà soát các trang bán hàng trên mạng xã hội có thể để sót lọt rất nhiều. Do đó, Tổng cục Thuế cần đưa ra giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ các chi cục thu thập thông tin được đầy đủ, chính xác, hạn chế bỏ lọt. "Để nắm được dòng tiền của hoạt động kinh doanh online không hề dễ dàng, việc rà soát rất mất thời gian. Các quy định cũng cần hoàn thiện từng bước theo những thay đổi trên thị trường, không nhất thiết áp dụng quy định "cứng" trong thời gian dài vì đây là lĩnh vực có đặc thù riêng" - ông Được nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-4
Bình luận (0)