“Giao thông vận tải của Việt Nam còn rất nhiều lãng phí và các tài xế còn vất vả quá!”- Đó là câu trả lời của anh Lê Duy An khi được hỏi vì sao tham gia xây dựng ứng dụng giao thông vận tải Vrada.
Lê Duy An cho biết anh và các đối tác mong muốn góp phần làm giảm lãng phí trong lĩnh vực vận tải, từ đó giảm giá thành cho khách hàng nhưng thu nhập của tài xế vẫn cao hơn hiện nay. Trên toàn quốc có hơn 2 triệu phương tiện ô tô các loại, gần 50 triệu phương tiện gắn máy. Taxi, xe ôm, xe du lịch cũng nhiều quá. Anh tính toán chỉ cần nâng được 20% hiệu suất sử dụng phương tiện thì sẽ giảm lãng phí xã hội rất nhiều. Tôi rất xót xa khi thấy các tài xế ngồi ngoài mưa, ngoài nắng hay phải chạy xe không đi tìm khách.
Là một đối tác thân thiết của VNPT, từ năm 2011 anh An đã ấp ủ kế hoạch hợp tác với tổng đài 1080 xây dựng một tổng đài Giao thông Vận tải trên toàn quốc để khách hàng chỉ phải nhớ một số điện thoại khi di chuyển ở tất cả các tỉnh trên toàn quốc. Khi anh và các đối tác bắt đầu nghiên cứu xây dựng giải pháp thì nhận ra công nghệ 3G đã phát triển mạnh, có thể xây dựng một ứng dụng Giao thông Vận tải (app) trên nền 3G.
Được sự hợp tác của Vinaphone, anh và các đối tác đã bắt tay vào viết ứng dụng từ năm 2012. Sửa đi sửa lại nhiều lần, mãi đến tháng 9-2015 mới chính thức đưa vào áp dụng lần đầu ở Phú Quốc. Giải pháp này trước mắt áp dụng cho xe taxi, xe ôm, xe du lịch và xe vận tải.
Giám đốc trẻ Lê Duy An (người đứng) giới thiệu về dịch vụ gọi xe với Hiệp hội taxi TP HCM. Ảnh: NVCC
Thừa nhận dịch vụ đặt xe qua ứng dụng trên điện thoại Vrada ra đời thời điểm này khá phù hợp, anh An cho rằng có thể có một sự trùng hợp ngẫu nhiên về ý tưởng giữa Vrada với các dịch vụ đặt xe hiện nay như Grab hay Uber. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất giữa Vrada và các dịch vụ khác là Công ty Giải pháp giao thông Việt Nam chủ yếu làm việc trực tiếp với các hãng xe và không can thiệp vào giá cước của các đơn vị vận tải nhưng các hãng phải cam kết giảm giá cho khách hàng khi tham gia Vrada. Cụ thể, các hãng taxi tham gia dịch vụ Vrada được chủ động giá cước, chúng tôi chỉ yêu cầu các hãng taxi giảm cho khách hàng 5%. Với xe du lịch thì chúng tôi yêu cầu giá cước phải rẻ hơn so với giá thông thường.
“Vrada là một kênh để các tài xế, nhà xe tìm thêm khách hàng, qua đó chi phí của tài xế và hãng xe giảm xuống nên sẽ giảm giá cho khách. Hiện công ty chỉ có nguồn thu chủ yếu từ dịch vụ này thông qua việc bán sim Vinaphone và thu phí 3G (để tài xế kết nối dịch vụ tìm xe trên ứng dụng app), dịch vụ này thu chưa đủ bù chi nên chúng tôi phải lấy lợi nhuận từ dịch vụ khác để nuôi bộ máy”– anh Lê Duy Anh cho hay.
Cũng theo “kiến trúc sư trưởng” của dịch vụ Vrada, sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động ứng dụng tại Phú Quốc và TP HCM, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này có phát triển nhưng chưa nhiều. Tại Phú Quốc, công ty hợp tác với taxi Phú Quốc. Tại TP HCM, Vrada bắt tay với Vinataxi, Hoàng Long và đang thương thảo với một số hãng khác. Hiện số lượng xe tham gia hơn 1.000 taxi cùng đội ngũ gần 2.000 xe ôm sử dụng ứng dụng của Vrada.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng gia tăng số đầu xe sử dụng ứng dụng Vrada, đồng thời kiếm thêm nhiều khách hàng cho các hãng và đề nghị họ giảm giá cho khách hàng nhiều hơn nữa. Chúng tôi có những kế hoạch cụ thể cho dịch vụ này nhưng để có kết quả tốt thì chúng tôi biết còn rất nhiều khó khăn. Kế hoạch có chặt chẽ, kỹ lưỡng thì dễ trở thành hiện thực hơn.
Tuy nhiên, thành hay bại còn tùy thuộc vào những yếu tố khách quan bên ngoài. Nhưng chúng tôi có niềm tin rằng ứng dụng của chúng tôi sẽ phát triển tốt vì mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng; mang lại thêm khách hàng cho các hãng xe. Tôi có suy nghĩ rằng việc gì cũng có thể làm được, chỉ có điều là chúng ta có đủ tâm huyết hay không và có tìm được đúng phương pháp để làm hay không mà thôi” – Lê Duy An nói.
Bình luận (0)