Ngày 24-3, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần bảo đảm lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Tiêu cực từ khi nhận đơn
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu đề tài, nguy cơ tiêu cực, tham nhũng phát sinh từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng khi người dân, doanh nghiệp chính thức yêu cầu tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Thẩm phán có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để được tòa án thụ lý giải quyết vụ việc hoặc cung cấp thông tin cho bên bị đơn, cá nhân, tổ chức liên quan với mục đích “vòi vĩnh”.
Đại án tham nhũng tại Tổng Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) được đưa ra xét xử
Nghiên cứu còn chỉ ra: Khâu nhận đơn là giai đoạn dễ nảy sinh tiêu cực trong hoạt động công vụ của cán bộ tòa án. Việc quy định không chặt chẽ tạo ra nhiều “khoảng hở” cho hành vi tham nhũng. Chính việc phân công trách nhiệm không rõ ràng giữa người có trách nhiệm trong tòa án trực tiếp nhận đơn và thẩm phán dẫn đến tình trạng thẩm phán được lựa chọn vụ án để thụ lý.
PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, nhìn nhận nhiều trường hợp phải “bôi trơn” từ đầu mới được giải quyết nhanh. Việc chánh án phân công thẩm phán trong công tác xét xử là kẽ hở cho tham nhũng bởi chánh án sẽ chọn người “dễ bảo” mà đằng sau đó là có “vấn đề”.
Theo ông Độ, muốn giải quyết vấn đề trên, cần tạo điều kiện cho cán bộ được liêm chính. Nghề khác như bác sĩ, giáo viên có thể làm thêm để tăng thu nhập, chứ thẩm phán mà “làm thêm” thì không bảo đảm khách quan.
Do đó, cần công khai quy trình thủ tục tiếp nhận để còn giám sát, đồng thời công khai bản án, tăng cường trách nhiệm, quy chế xử lý trách nhiệm nhất là án hủy, án sửa. “Lương thẩm phán 4-5 triệu đồng/tháng, nộp tiền học cho con đã hết. Gặp đương sự vân vê nhẫn kim cương thì sao kìm lòng nổi” - ông Độ nêu thực tế.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho rằng cần có cơ chế nhằm bảo đảm tuân thủ bộ quy tắc ứng xử của tòa án bởi hiện chưa gắn việc thực hiện bộ quy tắc với giám sát.
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy bên cạnh xử lý kỷ luật cán bộ làm sai, cần hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử của tòa án, các chức danh tư pháp để ngăn chặn tham nhũng. Cần hướng tới các chức danh tư pháp phải bảo đảm tính độc lập, thu nhập của họ đủ trang trải cuộc sống.
“Chạy” được do còn kẽ hở
Ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, khẳng định hoạt động phòng chống tham nhũng trong ngành tòa án là hết sức quan trọng vì sai sót có thể làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh.
GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận định tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư.
Từng là đại biểu Quốc hội, ông Đường nhắc lại tại nghị trường, ông đã đề cập tình trạng “chạy án” và đã “chạy án” được thì không có gì không “chạy” được. Theo ông, “chạy án” được là do thủ tục chưa chặt chẽ, còn kẽ hở nên mới có thể “chạy”.
Bên cạnh đó còn do người dân chưa tin bản án bảo đảm công bằng. Muốn giảm tham nhũng trong hoạt động tư pháp, cần thực hiện nguyên tắc chế ước lẫn nhau giữa điều tra, truy tố và xét xử để tránh tình trạng xuê xoa, nể nang như hiện nay.
Bình luận (0)