Ngày 4-1, Văn phòng Chính phủ đã họp báo thông tin về Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Trong Nghị quyết 01, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển" với 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành và 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Văn phòng Chính phủ họp báo về Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02
Chính phủ khẳng định năm 2021 tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp, đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.
Bên cạnh đó, thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Dự báo năm 2021 tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, Chính phủ đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đó là tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Chính phủ yêu cầu công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá điện, xăng dầu cũng như các hàng hoá, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả thị trường, nhất là trong dịp Lễ, Tết.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường và hàng giả; có các giải pháp đồng bộ, kịp thời để đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, không để ảnh hưởng tới thương mại quốc gia, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Nghị quyết của Chính phủ cũng nhấn mạnh đến yêu cầu mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn.
Triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để khai thác và tận dụng các ưu đãi. Đồng thời, chú trọng phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam.
Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch, triển khai các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm. Trong đó, chú trọng một số dự án quan trọng như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Biên Hòa - Vũng Tàu, một số công trình trọng điểm, giao thông liên vùng ở phía Bắc, nhất là ở vùng Tây Bắc; giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư, mở rộng các cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.
Trong năm 2021, Chính phủ đặc biệt chú trọng đến giải pháp nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ; Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ:
1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%).
2. GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD
3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân: Khoảng 4%
4. Tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng: Khoảng 45-47%
5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội: Khoảng 4,8%
6. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: Khoảng 66% (trong đó: Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%)
7. Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế: Khoảng 91%
8. Mức giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều: 1 - 1,5 điểm %
9. Tỉ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: Trên 90%
10. Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Trên 87%
11. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: Khoảng 91%
12. Tỉ lệ che phủ rừng : Khoảng 42%.
Bình luận (0)