Việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Công văn số 4202 quy định thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa bằng mắt thường và các thiết bị tại hiện trường không quá 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ hàng hóa, trường hợp hàng hóa có số lượng lớn, nhiều chủng loại hoặc việc kiểm tra phức tạp thì thời gian kiểm tra thực tế không quá 2 ngày làm việc.
Đối với trường hợp phải phân tích, đánh giá các tiêu chí để xác định phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường tại phòng thí nghiệm, Cục Kiểm định hải quan/Chi cục Kiểm định hải quan có thể trưng cầu các tổ chức chứng nhận phù hợp được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định đối với các tiêu chí chưa đủ năng lực để làm cơ sở thông báo kết quả kiểm tra.
Ngoài ra, nếu kiểm tra tại hiện trường không xác định được lô hàng phế liệu nhập khẩu đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường thì chi cục hải quan cửa khẩu và Chi cục Kiểm định hải quan phối hợp thực hiện lấy mẫu đại diện của lô hàng để phân tích đánh giá.
Trường hợp kiểm tra trực tiếp bằng mắt thường và các thiết bị phân tích tại hiện trường, nếu có đủ cơ sở xác định lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng quy định của pháp luật hải quan và pháp luật bảo vệ môi trường thì xử lý theo quy định…
Hàng hóa tồn ở cảng Cát Lái. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Quy định này của Tổng cục Hải quan nhằm siết lại tình trạng rác phế liệu nhập khẩu từ các nơi đổ dồn về Việt Nam sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu phế liệu. Hiện có trên 5.000 container phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng.
Trước Công văn số 4202, Tổng cục Hải quan đã ban hành 2 công văn số 3438 ngày 18-6 và số 3738 ngày 26-6 yêu cầu hàng hóa nhập khẩu là phế liệu phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định hải quan để thực hiện phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng không quy định thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quả giám định khiến các doanh nghiệp ngành giấy và thép có sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất và tốn thêm chi phí lưu hàng ở cảng.
Đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội Thép có văn bản gửi Tổng cục Hải quan kiến nghị loại trừ sắt thép vụn ra khỏi đối tượng phải lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã có văn bản "cầu cứu" Bộ Công Thương xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bình luận (0)