Mỗi năm, cứ khoảng trước Tết âm lịch một tháng, chị Hoàng Anh (nhân viên văn phòng tại TP HCM) lại "đánh" hàng đặc sản từ miền Bắc vào bán để tăng thêm thu nhập. Năm nay, chị tập trung bán các món như thịt trâu, bò, heo gác bếp, miến dong, măng Tây Bắc, nấm hương, gạo Séng Cù… Kênh bán hàng chính của chị là trang Facebook và Zalo cá nhân.
"Có năm tôi bán được đến 100 kg thịt trâu, bò gác bếp và nhiều thực phẩm khác. Những mặt hàng này nếu tiêu thụ trong năm thì rất chậm nhưng bán dịp Tết lại khá đắt khách. Năm nay, nhiều khả năng sức mua còn tốt hơn năm trước do người tiêu dùng ngày càng bận rộn và thích mua sắm online hơn" - chị Hoàng Anh cho biết.
Trên các sàn thương mại điện tử, không khí Tết rộn ràng từ rất sớm thông qua việc thay đổi giao diện trên ứng dụng, tung chương trình giảm giá, khuyến mãi, săn quà… do nhận định sức mua sắm sẽ tăng trong năm nay. Chị Hải Lan (quận 6, TP HCM) tỏ ra bất ngờ khi dạo một vòng trên chợ mạng Tiki và thấy năm nay, các loại hàng hóa Tết, giỏ quà Tết phong phú hơn trước rất nhiều.
"Tiki không phải là sàn có hàng hóa thật sự phong phú như những nơi khác nhưng năm nay đã thay đổi không nhỏ. Giỏ quà Tết chất lượng với nhiều loại bánh, mứt, kẹo cao cấp, sâm, yến, đông trùng hạ thảo, rượu có thương hiệu rõ ràng, sản phẩm organic... Hàng tươi sống TikiNgon cũng khá đa dạng về chủng loại từ cá, thịt, tôm, cua, rau củ, trái cây… tới những món ăn nấu sẵn. Không khác gì siêu thị mà thời gian giao hàng lại khá nhanh" - chị Lan nhận xét.
Dù chưa có thống kê chính thức nhưng lượng người mua sắm hàng Tết trên các sàn thương mại điện tử đã tăng nhiều lần so với trước. Ảnh: QUANG LIÊM
Đại diện Tiki cho biết để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu mua sắm đa dạng và tăng cao trong dịp Tết âm lịch, sàn đã tăng ít nhất 30% lượng cung hàng hóa tiêu dùng so với Tết năm trước, tập trung vào nhóm sản phẩm thiết yếu như thực phẩm khô, thức uống, sản phẩm dinh dưỡng, sữa, gia vị… Đồng thời, Tiki cũng đã phối hợp với nhiều đối tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ 3 tháng trước, từ việc sản xuất, nhập khẩu đến thiết kế và sản xuất bao bì mới mang đậm không khí Tết.
Với ngành hàng điện tử - điện lạnh, những sản phẩm được Tiki chú trọng không chỉ ở phân khúc bình dân mà còn cao cấp, đặc biệt phối hợp cùng những thương hiệu lớn trên thị trường như Samsung, Electrolux, Sony… để chạy nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. "Chúng tôi kỳ vọng doanh số của mùa mua sắm Tết âm lịch năm nay tại Tiki sẽ tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm ngoái" - ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc phát triển doanh nghiệp tại Tiki, nói.
Đại diện sàn thương mại điện tử hiện dẫn đầu tại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, thông tin dịp Tết này, Shopee đã gia tăng số lượng hàng hóa cung ứng tại các nhóm hàng tạp hóa, đồ gia dụng, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp…
"Để chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm mua sắm dịp Tết, chúng tôi đã liên tục cải tiến những tính năng, dịch vụ trên nền tảng, nâng cấp hệ thống vận hành và hậu cần, làm việc chặt chẽ với các đối tác để tăng cường khả năng cung ứng sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng, bảo đảm mang lại trải nghiệm tối ưu và an toàn cho người dùng trong hệ sinh thái của mình" - ông Tuấn Anh nói thêm đồng thời giới thiệu một số chương trình ưu đãi của sàn này như: "Shopee Tết Sale - Tết vẫn giao hàng" diễn ra từ ngày 11-2 đến hết ngày 16-2 (tức ngày 30 Tết đến hết mùng 5 Tết); bộ sưu tập voucher dịch vụ ăn uống, làm đẹp, mua vé xem phim với giá ưu đãi chỉ từ 1.000 đồng; chương trình lì xì đầu năm dành cho người dùng AirPay…
Sàn Lazada cho biết chỉ sau 6 ngày đầu tiên của chương trình mua sắm Tết trên sàn này kể từ ngày 19-1, hệ thống gian hàng chính hãng LazMall đã ghi nhận số lượng khách hàng tăng hơn 3 lần và số đơn hàng tăng hơn 4 lần. Tốp 5 nhóm sản phẩm bán chạy tính theo doanh thu là sữa và bánh, điện thoại thông minh, dụng cụ nấu nướng, nước giải khát và thời trang nam.
Kênh online của siêu thị vắng khách
Để chuẩn bị cho các kịch bản thị trường dịp Tết này, bao gồm tình huống dịch Covid-19 bùng phát trở lại, một số hệ thống bán lẻ lớn đã đẩy mạnh kênh bán hàng online và qua điện thoại để duy trì sự nhận diện đối với khách hàng. Các siêu thị còn lên kế hoạch luân chuyển nhân viên tại các kho, siêu thị sang bộ phận bán hàng online nếu cần. Đồng thời, đẩy mạnh khuyến mãi giảm giá, giao hàng miễn phí... trên các kênh này.
Mặc dù vậy, một số hệ thống cho hay lượng đặt hàng trên các kênh online đang rất thấp. "Chỉ những mặt hàng giảm giá thật mạnh, giá bán thấp hơn nhiều so với giá bán tại trung tâm, siêu thị mới thu hút nhiều đơn đặt hàng; còn lại sức mua hàng online giảm mạnh so với những thời điểm bùng phát dịch Covid-19" - đại diện một số hệ thống siêu thị tiết lộ.
Bình luận (0)