Sau khi đăng ký mở thẻ tín dụng VPBank - Shopee, chị Mai Quỳnh, nhân viên văn phòng tại quận 1, TP HCM tỏ ra hào hứng khi được hưởng các chương trình ưu đãi, hoàn tiền nhiều hơn so với một chiếc thẻ tín dụng thông thường. "Quy trình mở thẻ được số hóa 100%, người dùng có thể đăng ký mở thẻ ngay trên ứng dụng Shopee và được cung cấp một thẻ ảo để chi tiêu chỉ sau 1-2 giờ mà không phải chờ đợi thêm" - chị Quỳnh cho hay.
Giảm thanh toán tiền mặt
Theo tìm hiểu của phóng viên, thẻ tín dụng VPBank - Shopee của 3 đối tác liên kết là Shopee, VPBank và Visa ra mắt vào ngày 28-9, được kỳ vọng là phương thức thanh toán phù hợp với xu hướng phát triển dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. "Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn mua sắm trực tuyến trên các sàn TMĐT bởi tính tiện ích và khả năng đáp ứng tất cả nhu cầu thiết yếu chỉ trong một nền tảng. Các phương thức thanh toán không tiền mặt cũng dần phổ biến hơn vì người dùng ưu tiên cho sự nhanh chóng và an toàn" - đại diện Shopee giải thích lý do liên kết với các đối tác cho ra đời thẻ tín dụng và cho rằng việc thanh toán liền mạch, an toàn, tiết kiệm chi phí sẽ khuyến khích hơn nữa việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam.
Trước đó, Tiki cũng ra mắt thẻ tín dụng liên kết Sacombank Tiki Platinum vào tháng 5 với những ưu đãi được cho là lớn nhất thị trường thẻ tín dụng hiện nay. "TMĐT và thanh toán trực tuyến cần đi đôi với nhau. Tức là khi khách hàng thực hiện mua sắm trực tuyến thì khâu thanh toán cũng nên diễn ra trực tuyến, từ đó mới tạo ra được một trải nghiệm trọn vẹn trên nền tảng online cho người tiêu dùng" - đại diện Tiki nhìn nhận.
Sự hợp tác giữa các sàn thương mại điện tử và ngân hàng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không tiền mặt Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sau 5 tháng ra mắt, thẻ tín dụng liên kết Sacombank Tiki Platinum đã có gần 26.000 khách hàng đăng ký mở thẻ, 75% số lượng thẻ đăng ký thành công được kích hoạt và sử dụng. Đây là tín hiệu rất tốt trong bối cảnh dịch chuyển thói quen của người dùng trả tiền mặt sang thanh toán online là một chặng đường dài. "Chúng tôi tin sản phẩm thẻ tín dụng giữa ngân hàng và nhà bán lẻ trực tuyến sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không tiền mặt tại Việt Nam. Hiện nay, tỉ lệ thanh toán online trên các trang web bán hàng trực tuyến, kể cả các sàn TMĐT, vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ dưới 10%. Trong khi đó, tỉ lệ này tại Tiki lại rất tích cực, đạt trên 40%" - đại diện sàn thương mại này chia sẻ thêm.
Tăng cường bảo mật hơn nữa
Thẻ tín dụng đồng thương hiệu không phải là xu hướng mới. Không ít nhà bán lẻ, kênh phân phối, nhà mạng, phòng tập thể thao… đã liên kết với nhiều hệ thống ngân hàng để phát hành thẻ với ưu đãi lớn cho khách hàng tham gia mở thẻ. Tuy nhiên, việc sàn TMĐT triển khai ra mắt dòng thẻ này cho thấy các nhà bán lẻ trực tuyến đang rất nỗ lực để lôi kéo khách hàng thông qua việc mang đến nhiều sự lựa chọn hơn khi thanh toán. Theo các chuyên gia, hiệu ứng của việc tạo thêm phương thức thanh toán số tới các nhà bán lẻ trực tuyến sẽ lớn hơn rất nhiều so với những nhà bán lẻ khác bởi nó hình thành được một chuỗi mua - bán - thanh toán nhanh chóng trên cùng một nền tảng.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc tạo một hệ sinh thái liên kết giữa thị trường tiền tệ và thị trường hàng hóa là xu hướng phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế, nhất là khi mua sắm online lên ngôi và có sự tăng trưởng tốt. "Về nguyên lý chung, thị trường hàng hóa chỉ có thể vận động tốt nếu có mối quan hệ với thị trường tiền tệ, thể hiện ở sự kết nối với ngân hàng. Trong lĩnh vực TMĐT, điều này càng cần thiết bởi khách hàng luôn có xu hướng muốn có nhiều lựa chọn khi thanh toán. Sự liên kết không chỉ hỗ trợ tốt cho các nhà bán lẻ trực tuyến nâng cao doanh thu trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển mà còn hỗ trợ thực hiện định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế số, hạn chế dùng tiền mặt" - ông Hiếu bình luận.
Chuyên gia này cũng lưu ý kết nối 2 thị trường cũng đồng nghĩa với tăng rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh, bảo mật khi khách hàng kết nối thẻ với các dịch vụ trao đổi, mua bán trên sàn hoặc tại các điểm giao dịch. Do đó, ngân hàng nên cải thiện tốt hơn nền tảng công nghệ, hệ thống an ninh mạng với nhiều lớp bảo mật chặt chẽ để hạn chế thấp nhất rủi ro cho khách hàng, dù điều này có thể khiến ngân hàng tăng thêm chi phí.
Bình luận (0)