Các nhà vườn, HTX, doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh nông sản sạch có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho TP HCM có thêm kênh bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng và tìm kiếm những đơn hàng sỉ.
Quảng bá sản phẩm
Chợ phiên nông sản an toàn do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM) tổ chức lần đầu tiên vào cuối tháng 8-2016 tại nhà hàng Đông Hồ (quận 10), họp vào sáng thứ bảy hằng tuần. Đến nay, chợ có thêm 2 địa điểm mới và hoạt động ổn định tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1) và Công viên Lê Thị Riêng (quận 10) - đều họp vào sáng chủ nhật hằng tuần.
Mỗi phiên chợ có khoảng 20 gian hàng bày bán các mặt hàng phục vụ bữa ăn gia đình, từ gạo, trứng, thịt gà, thịt heo đến rau củ quả, nấm… được nhà sản xuất bán trực tiếp. Theo thống kê từ ban tổ chức, mỗi phiên chợ có khoảng 500-1.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Doanh thu mỗi phiên chợ đạt từ 175-265 triệu đồng, chưa kể các đơn hàng sỉ, khoảng 10 tỉ đồng/tháng.
Người tiêu dùng mua sắm tại chợ phiên Đông Hồ (quận 10, TP HCM)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, ngoài 3 địa điểm trên, có 4 địa điểm khác tại quận Tân Bình, quận Bình Tân, quận 2, quận 7 để nhân rộng trong thời gian tới.
Là giám đốc Công ty CP Công nghệ Nấm Việt, Giám đốc HTX Sản xuất - Thương mại nông sản Nấm Việt nhưng bà Lê Hà Mộng Ngọc thường xuyên đứng bán hàng tại các chợ phiên. Theo bà Ngọc, sản phẩm của công ty đã có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn tại TP HCM nhưng chợ phiên là nơi rất tốt để người làm nông nghiệp nắm bắt thị trường.
"Trước đây chúng tôi chỉ bán nấm nhưng nay phát triển thêm các sản phẩm sau nấm. Từ các phôi nấm đã trồng, trước đây chỉ đổ bỏ thì nay được ủ để làm giá thể trồng rau. Rau này tuy hình thức không được đẹp, giá cao nhưng được người tiêu dùng chấp nhận. Khách đi chợ phiên là những người rất quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi họ tìm được nguồn thực phẩm tốt đã giới thiệu cho bạn bè, người quen nên chúng tôi có thêm lượng khách trung thành. Khi đã có niềm tin, họ không cần đến chợ, chỉ cần gọi điện thoại là chúng tôi giao hàng tận nơi" - bà Ngọc cho biết.
Theo bà Mai Thị Thùy Trang, chủ Cơ sở Tài Thịnh Phát (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) - chuyên sản phẩm cua, tôm cá, sinh thái Cà Mau trước đây chuyên cung cấp nguyên liệu cho các DN chế biến xuất khẩu, dù nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khó tính nhất thế giới nhưng việc bán hàng ra thị trường nội địa lại gặp nhiều rào cản do người tiêu dùng hồ nghi về chất lượng. "Còn nay, nhờ sản phẩm vào chợ phiên đã được ban tổ chức kiểm soát rất chặt nên người tiêu dùng đã có niềm tin một phần. Chúng tôi bán hàng cũng dễ thuyết phục người tiêu dùng hơn. Quan trọng là mình bán hàng đúng như giới thiệu thì họ sẽ quay lại ủng hộ" - bà Trang nói.
Giữ uy tín
Theo ghi nhận của phóng viên, sức hút của chợ phiên đầu tiên phải kể đến đó là mặt bằng đắc địa. Những địa điểm được chọn để tổ chức đều thuận tiện giao thông, có chỗ gửi xe dễ dàng, nơi tập trung dân cư đông đúc. Do đó, các chợ phiên đều có nhóm khách hàng trung thành là những cư dân lân cận mua hàng từ rất sớm. Họ là những người đi tập thể dục sáng, sẵn tiện kết hợp đi chợ. Sự sạch sẽ của chợ phiên cũng là điểm cộng đáng kể để người tiêu dùng ưa thích.
Thực tế cũng ghi nhận nhiều HTX, DN nông nghiệp có tên tuổi bán hàng tại chợ phiên chỉ sau vài phiên là ngưng. Theo ông Bùi Văn My, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP HCM, chợ phiên là nơi phù hợp cho những đơn vị mới đang phát triển sản phẩm, phát triển thị trường hơn là những đơn vị đã sành sỏi trên thương trường.
"Họ có đủ đơn hàng so với năng lực cung cấp nên không tham gia chợ phiên là điều dễ hiểu. Hiện chúng tôi nhận rất nhiều đăng ký tham gia chợ phiên nhưng do vẫn giữ tiêu chí là sản phẩm phải có chứng nhận nên nhiều đơn vị không đạt. Có đơn vị đã tham gia nhưng chứng nhận hết hạn, chúng tôi buộc ngưng kinh doanh cho đến khi được tái cấp chứng nhận để giữ uy tín cho chợ phiên" - ông My nhấn mạnh.
Cũng theo ông My, dự kiến trong thời gian tới, khi các chợ phiên hoạt động ổn định sẽ được xã hội hóa, các đơn vị quản lý nhà nước chủ yếu hỗ trợ công tác giám sát, kiểm tra chất lượng.
Lấy mẫu kiểm tra liên tục
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, từ ngày 22-7 đến 29-10, ban đã phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp tổ chức lấy 540 mẫu rau củ quả kinh doanh tại chợ phiên nông sản an toàn để kiểm tra nhanh thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả phân tích đã phát hiện 5/540 mẫu (tỉ lệ gần 0,93%) có dư lượng thuốc gốc lân hữu cơ và carbamate vượt giới hạn cho phép. Theo quy chế chợ, các gian hàng buộc phải ngưng kinh doanh mặt hàng vi phạm, nếu muốn tham gia tiếp phải tự kiểm tra dư lượng thuốc và báo cáo lại để ban tổ chức quyết định.
Chính sự kiểm tra, giám sát liên tục buộc các gian hàng phải tự chủ động kiểm soát chất lượng từ khâu nuôi trồng, chấn chỉnh sản xuất khi xảy ra sự cố. Một đơn vị có sản phẩm bị cảnh báo cho biết khi truy nguyên thì phát hiện luống rau thu hoạch giáp ranh vườn bên cạnh xịt thuốc nhưng không báo và thực hiện giải pháp khắc phục (giăng bạt cách ly).
Bình luận (0)