Trưa ngày 30-5, ngay khi TP HCM công bố thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15 từ 0 giờ ngày 31-5 và cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 với toàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, tại một số siêu thị lớn trên địa bàn TP HCM xảy ra tình trạng nhiều người kéo đến mua sắm hàng hóa dự trữ.
Các siêu thị liên tục phát loa yêu cầu khách hàng thực hiện các quy định về phòng dịch, giữ khoảng cách an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại nhiều siêu thị, lượng khách tập trung đông đúc, tương đương với những ngày cao điểm sát Tết Nguyên đán (tăng gấp đôi so với ngày thường), nhiều kệ hàng đã được vét sạch. Khách xếp hàng chờ khách lâu mới được tính tiền.
Đến chiều, tuy chưa xảy ra tình trạng "vỡ trận" như thời điểm trước giãn cách xã hội toàn TP HCM năm 2020 nhưng một số siêu thị lo ngại tình trạng thiếu hàng cục bộ có thể xảy ra với một số nhóm hàng do hàng từ kho không kịp chuyển đến kịp. Đặc biệt, mặt hàng rau xanh chắc chắn không đủ để cung ứng dù các siêu thị đã tăng lượng dự trữ lên gấp rưỡi so với ngày thường.
Nhân viên siêu thị liên tục châm hàng trong chiều 30-5
"Đến sáng mai (31-5), tất cả các kệ hàng sẽ được chất đầy hàng hóa trở lại. Bản thân siêu thị đã chuẩn bị lưu kho lượng hàng lớn, các nhà sản xuất cũng đã có kế hoạch tổ chức sản xuất, lưu kho, điều tiết giao hàng từ trước nên rất chủ động trong việc cung ứng hàng hóa trong điều kiện dịch lây lan trên diện rộng"- ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Kinh doanh Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), khẳng định và kêu gọi người tiêu dùng không đổ xô đi mua sắm dự trữ trong hôm nay.
Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương TP HCM, ông Trần Trí Dũng, Trưởng phòng Quản lý thương mại TP, cho biết ngay trong chiều 30-5, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cường nguồn hàng theo kế hoạch đã chuẩn bị trước; các hệ thống bán lẻ sẵn nguồn hàng để đưa ra thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân, kể cả phương án đưa hàng hóa đến các khu vực đang thực hiện cách ly tập trung.
Đa số khách không mua trữ gạo, mì gói như đợt giãn cách xã hội năm 2020 mà tăng mua thực phẩm tiêu dùng hằng ngày với số lượng nhiều hơn bình thường để giảm tần suất ra khỏi nhà trong những ngày tới
Sở Công Thương cũng thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp để kịp thời điều phối, giữ ổn định thị trường. "Lượng hàng trong chương trình bình ổn thị trường của thành phố năm nay gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong cả năm. Do đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng" - ông Dũng nhấn mạnh.
Cụ thể, các doanh nghiệp đã có phương án cung ứng trong các giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch với lượng dự trữ, cung ứng ra thị trường tăng khoảng 15%-20% so với tháng thường.
Trong trường hợp nhu cầu tăng vọt, các doanh nghiệp vẫn bảo đảm khả năng cung ứng đầy đủ hàng hóa với giá bán ổn định để phục vụ người dân.
Đại diện Sở Công Thương cũng cho biết theo chỉ thị 15 của Thủ tướng, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi... vẫn mở cửa hoạt động bình thường trong thời gian giãn cách xã hội. Vì vậy, người dân không cần quá lo lắng đổ xô đi mua hàng hóa, tích trữ dẫn đến chen chúc, không tuân thủ các quy định chống dịch.
Bình luận (0)