Hơn 400 đại biểu, doanh nhân, trí thức người Việt Nam trên toàn thế giới đã dự và đóng góp ý kiến cho hội nghị "Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam" do Bộ Ngoại giao và UBND TP HCM tổ chức ngày 30-10.
Tới dự hội nghị còn có ông Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị (theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TP HCM); ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP HCM.
Tập trung thảo luận 4 vấn đề
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết mặt trái của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đối với nền kinh tế đất nước. Riêng tại TP HCM, lần đầu tiên tăng trưởng dưới 1,2% và cũng là lần đầu tiên có trên 29.000 doanh nghiệp (DN) giải thể, tạm ngưng hoạt động với số vốn kinh doanh giảm hơn 149.000 tỉ đồng.
Bởi vậy, TP HCM mong muốn lắng nghe nhiều ý kiến hiến kế của chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào để thực hiện thắng lợi "nhiệm vụ kép" trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, thảo luận giải pháp tận dụng lượng kiều hối hằng năm gửi về TP HCM khoảng 5 tỉ USD, phát huy sức mạnh của hơn 440.000 DN của TP, đặc biệt là hơn 44.000 DN công nghệ thông tin để đây là hạt nhân trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số của quốc gia.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu kiều bào tham quan những gian hàng triển lãm ứng dụng khoa học - công nghệ bên lề hội nghị Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh chúng ta đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho nhân loại. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của quốc gia.
"Với lợi thế của nước đi sau, đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số, Việt Nam có cơ hội tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để bứt phá từ quốc gia có thu nhập trung bình trở thành quốc gia có thu nhập cao" - Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào cùng đại diện bộ, ngành, địa phương, DN thảo luận, đóng góp ý kiến thiết thực vào một số vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi nhận thức, tư duy của toàn xã hội về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực sẽ trở nên khan hiếm, cơ hội ít đi hoặc bỏ lỡ cơ hội phát triển. Thứ hai, khuyến nghị hoàn thiện, kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới. Thứ ba, đưa ra giải pháp và trực tiếp đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Thứ tư, góp ý kiến để TP HCM đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Chuyển đổi tư duy, mô hình
Đóng góp ý kiến cho hội nghị, GS Chung Trần (kiều bào Úc) nhận định kinh tế thế giới đang đối mặt một cuộc khủng hoảng với quy mô rộng và khác biệt với cuộc khủng hoảng năm 2008 bởi nó xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 cùng một loạt tác động xấu. Để khôi phục kinh tế, thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh, những công cụ tài khóa, tiền tệ đã được các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tận dụng mạnh mẽ. Tuy nhiên, dư địa cho những biện pháp này không còn nhiều bởi trần nợ công đang cao và sức ép chi thường xuyên rất lớn. Hiện nay, nhiều ngân hàng trung ương đã giảm lãi suất cơ bản về mức tiệm cận 0% hoặc âm nên khó có thể nới lỏng hơn nữa cung tiền phi truyền thống. Do vậy, các DN phải có nhận thức mới, tư duy mới về cơ cấu, chính sách kinh tế nhằm thích ứng với thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất dưới tác động của dịch bệnh.
GS Trần Ngọc Anh (kiều bào Mỹ) chỉ ra sự thay đổi công nghệ dẫn đến tự động hóa thay thế lao động cùng với làn sóng nhà đầu tư rời Trung Quốc, sắp xếp lại chuỗi cung ứng và dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng… đang mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. Theo thống kê, khoảng 20 lĩnh vực sản xuất công nghiệp Việt Nam có thế mạnh tiếp cận, thu hút đầu tư như điện, cơ khí, thiết bị văn phòng, thiết bị vi tính… Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu dịch vụ tương đối lớn, bao gồm viễn thông, y tế…
"Với hàng trăm ngàn kiều bào là giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu đang làm chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực ở nhiều quốc gia, cơ quan quản lý của Việt Nam có thể khai thác được những ý kiến đóng góp của họ để xây dựng chiến lược cụ thể cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ chuyên gia trong nước" - GS Trần Ngọc Anh nhận xét.
Cũng nhận định Việt Nam phải trở thành nền kinh tế kỹ thuật số theo đúng xu hướng của thế giới để không ở lại đằng sau trong trạng thái bình thường mới của cả thế giới, TS Nguyễn Trí Hiếu (kiều bào Mỹ) cho rằng DN cần được cung cấp một nguồn vốn cần thiết để làm được những điều trên. "Với dư địa tín dụng không còn nhiều, cần phải có giải pháp khác là tổ chức một tổ hợp tín dụng do Ngân hàng Nhà nước đứng ra chủ trì, xây dựng. Trong đó, các ngân hàng thương mại bắt buộc tham gia với tỉ lệ 3%-3,5% tính trên dư nợ của mỗi ngân hàng; tổng hạn mức cho vay của tổ hợp là 300.000 tỉ đồng" - ông góp ý.
TS Nguyễn Hữu Lệ (kiều bào Úc), Chủ tịch HĐQT Công ty Phần mềm TMA Solutions, khẳng định tài sản lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực. Điều này đã được chứng minh trong ngành công nghệ thông tin trong 20 năm qua.
"Tôi rất mừng vì có chương trình xây dựng đô thị thông minh ở phía Đông. Nếu TP HCM chờ các start-up (khởi nghiệp) đổi mới sáng tạo để cung cấp công nghệ vận hành TP phía Đông thì sẽ còn lâu, trong khi tin vui là những công nghệ chúng ta cần đã được phát triển ở nước ngoài. Tin vui hơn nữa là những công ty ở Công viên Phần mềm Quang Trung đã đủ công nghệ, trình độ để tham gia xây dựng đô thị thông minh phía Đông" - TS Nguyễn Hữu Lệ bày tỏ.
Cần quyết liệt tận dụng cơ hội
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, nhận định dịch Covid-19 là thảm họa lớn với thế giới nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam trong việc tăng cường nội lực bởi áp lực cạnh tranh trong bối cảnh này sẽ giảm so với bình thường. "Cửa sổ thời gian cho chúng ta là khoảng 1 năm tới. Cần tận dụng cơ hội này để số hóa quyết liệt" - ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc số hóa dữ liệu của Chính phủ cần phải làm khẩn trương hơn nữa trên 2 nguyên tắc là chi phí thấp và hỗ trợ tài chính với rủi ro thấp. "Nếu mỗi đơn vị tìm 1 DN làm tư vấn số hóa thì lãng phí. Tại sao không hình thành giải pháp số hóa chi phí thấp cho tất cả DN cùng ngành nghề? Ngoài ra, cần hỗ trợ tài chính để DN có thể số hóa nhưng việc cho vay cần dựa trên đánh giá rủi ro và hỗ trợ cho vay ở từng nhóm ngành nghề nhằm giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng" - ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị các DN cung cấp giải pháp số hóa nên tận dụng thời cơ để cung cấp giải pháp về quản lý, dịch vụ cho DN. Còn DN ở những lĩnh vực khác nên dành thời gian để thiết kế lại quy trình sản xuất - kinh doanh hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, không có chất thải, giảm ô nhiễm.
TS HOÀNG MINH TRÍ, kiều bào Mỹ:
Cần xây dựng hệ sinh thái cho sản xuất
TP HCM cần xây dựng hệ sinh thái cho sản xuất. Phần nhiều chúng ta thích tìm các công ty lớn trong khi theo cá nhân tôi, khách hàng tốt cho Việt Nam là những DN vừa và nhỏ có quy mô 10 triệu USD trở xuống. Chúng ta có thể thu hút những DN đó để xây dựng hệ sinh thái, giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho các nhà sản xuất lớn, từ đó nhà sản xuất lớn sẽ tự động vào theo.
Một cơ hội lớn khác là dịch Covid-19 thúc đẩy mọi người sử dụng công nghệ, đẩy nhanh sự phát triển của ứng dụng công nghệ. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hầu hết sử dụng tự động hóa, mã hóa..., nhiều DN nước ngoài, cụ thể là Mỹ, có công nghệ đang mở rộng mời DN khác tham gia phát triển các ứng dụng đó. Đây là cơ hội cho kỹ sư, doanh nhân Việt Nam tham gia. TP HCM đang có chương trình phát triển thành phố thông minh, có thể giúp các DN start-up sử dụng cơ sở hạ tầng để phát triển.
Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:
Đưa chuyển đổi số vào chương trình kích cầu đầu tư
Dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Điều đáng mừng là với những chính sách hành động nhanh, TP HCM đã bảo đảm an toàn cho các DN, tổ hợp sản xuất vừa duy trì hoạt động vừa chống dịch. Kết quả là sau 2 làn sóng dịch Covid-19, TP chưa có ngày nào đình trệ sản xuất, thương mại; xuất khẩu 9 tháng vẫn bảo đảm tăng trưởng dương, đạt 36 tỉ USD; doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng 9,9%, thương mại điện tử tăng trên 2 con số...
Về chính sách hỗ trợ, ngoài những giải pháp do trung ương ban hành, triển khai, những giải pháp của TP đã có những tác động tích cực. Cụ thể, TP HCM đã tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa ngân hàng và DN, điều chỉnh chính sách thuế… Đến nay, những DN hoạt động tương đối thuận lợi đã tiếp cận nguồn tài chính để đưa vào sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, Hiệp hội DN TP đã triển khai chương trình hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi số. Sở Công Thương TP HCM đang tổng hợp trình UBND TP xem xét đưa nội dung đầu tư cho chuyển đổi số của DN vào chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ lãi vay.
GS HÀ TÔN VINH, kiều bào Mỹ:
Chung tay phát triển kinh tế tuần hoàn
Dịch Covid-19 đã mang lại một số áp lực về tài chính, tái phát triển kinh tế cho Việt Nam. Trong dài hạn, Chính phủ và DN nhất thiết phải tính đến chuyện chuyển hướng nền kinh tế tiêu thụ truyền thống sang nền kinh tế số và nền kinh tế tuần hoàn. Xu hướng hiện tại là kinh tế tuần hoàn đi đôi với sự phát triển công nghệ số, công nghệ sinh học và nền kinh tế số của một quốc gia. Nhìn vào tác động tiêu cực của nền kinh tế tiêu dùng truyền thống đối với vật liệu, tài nguyên thiên nhiên, ai cũng thấy kinh tế tuần hoàn là giải pháp tối ưu và cần thiết.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và bài học của các nước đã thành công trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, như các nước Bắc Âu, Canada, Nhật Bản, Singapore... Việc Chính phủ và DN Việt Nam chung tay phát triển kinh tế tuần hoàn chắc chắn sẽ giúp xã hội và DN phát triển bền vững, giảm thiểu áp lực cạnh tranh thị trường, giúp đất nước mau hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phương An - Thùy Dương ghi
Bình luận (0)