Hôm nay, 6-6, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP HCM tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 51 với chủ đề "Hiệu quả kinh tế và tác động có thể có của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA)". Dự kiến, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cùng lãnh đạo bộ sẽ là diễn giả của chương trình.
Cơ hội lớn
Theo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường EU rộng lớn, cũng là động lực quan trọng để các bộ ngành, địa phương và cộng đồng DN Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm xuất sang EU, đặc biệt những mặt hàng chủ lực như điện tử và linh kiện điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản, rau quả, nông sản chế biến… "Trong khi đó, các nước EU có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao và tương đối đồng đều, đã định hình một thị trường chung với hạ tầng thương mại phát triển nên những sự kiện xúc tiến thương mại diễn ra tại EU luôn có quy mô hàng đầu thế giới, thu hút được lượng lớn khách giao dịch từ châu lục khác. Do vậy, chúng ta thực hiện ở một nước nhưng có thể dễ dàng tiếp cận với đối tác ở nhiều khu vực khác…" - Cục Xúc tiến thương mại đánh giá.
Cũng theo Cục Xúc tiến thương mại, EU còn cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng có tiềm năng xuất khẩu cao như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận… đều là mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, do đó DN Việt Nam nên tiếp tục tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá nhãn hiệu, marketing… với những mặt hàng này để có thể tận dụng được ưu đãi từ EVFTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang EU.
Xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành được hưởng lợi lớn khi EVFTA được thực thi Ảnh: NGỌC TRINH
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, ông Lê Huỳnh Minh Tú, nhận định EU hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất siêu truyền thống của TP HCM, đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Mỹ, Trung Quốc) và là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của TP (sau Trung Quốc). "Với tinh thần đón chờ EVFTA sớm có hiệu lực, TP luôn chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn. TP HCM đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan triển khai nhiều buổi tập huấn chuyên sâu để giúp DN nắm bắt và tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ hiệp định, đặc biệt là quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O)" - ông Tú nói.
Ông Tú cho biết TP đang tập trung xây dựng Đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030 để định hướng hoạt động xuất khẩu theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao như: phần mềm, sản phẩm nội dung số; nông sản được canh tác - tinh chế bằng công nghệ cao...
Khó khăn không ít
Trong một hội nghị tương tự diễn ra vào ngày 5-6 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng những hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có EVFTA được coi là công cụ và nền tảng quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục cải cách và thực thi các biện pháp mở cửa thị trường, hoàn thiện thể chế pháp luật nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Cụ thể, trong quá trình thực thi đã bộc lộ một số bất cập và tồn tại, đặc biệt là đối với cộng đồng DN nhỏ và vừa về khả năng tiếp cận, nắm bắt về thông tin pháp luật, nội dung của hiệp định và đặc biệt là cam kết của các bên tham gia. "Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ DN như tập huấn về chứng nhận xuất xứ, quy tắc xuất xứ hàng hóa để khai thác ưu đãi từ hiệp định… Bên cạnh đó, cần thống nhất được kế hoạch hành động cụ thể để mang lại lợi ích thiết thực cho DN, để cộng đồng DN vừa và nhỏ thực sự trở thành chủ thể, là những người được thụ hưởng hiệp định này. Để làm được điều đó, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng phải luôn đồng hành và bám sát những đòi hỏi yêu cầu của quá trình thực thi EVFTA" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Cục Xúc tiến thương mại nhìn nhận thách thức từ EVFTA là sự cạnh tranh trên thị trường hàng hóa và dịch vụ sẽ khốc liệt hơn ngay cả tại thị trường nội địa. Do đó, DN cần nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, đẩy mạnh xúc tiến thương mại chuyên sâu như nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, để tận dụng hiệu quả cơ hội mà hiệp định mang lại. "Hiện nay, một số DN xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản đã vào thị trường EU. Tuy nhiên, còn nhiều DN nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa có sự đầu tư thích đáng cho R&D (nghiên cứu và phát triển), chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu, thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán chuyên nghiệp để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường EU" - cục này nhận xét và cho rằng DN cần nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc phối hợp với tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến, bên cạnh bệ đỡ vững chắc từ địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, thừa nhận EVFTA là một sân chơi nên không thể tránh khỏi việc sẽ có người thắng và kẻ bại. Do vậy, rất nhiều DN sẽ phải thay đổi để tồn tại, thậm chí sẽ có DN biến mất nếu không kịp thời thích ứng. "DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về rào cản kỹ thuật như: an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu vào EU, về tỉ lệ nội địa hóa. Chưa kể, khi chúng ta mở cửa thị trường cho hàng hóa của EU, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với DN EU, vốn rất bài bản, hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, có sức cạnh tranh rất cao nhờ được hưởng lợi từ việc miễn thuế của EVFTA…" - ông Thân nêu.
Kiến nghị sớm sửa đổi nhiều bộ luật
Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đề xuất Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách thủ tục hành chính; chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đề xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ Luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp với quy định của EVFTA, để DN có cơ sở pháp lý, thực thi một cách hiệu quả hiệp định. Đồng thời, tăng nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất cho vay ưu đãi để triển khai những dự án đầu tư công nghệ, cải thiện điều kiện kinh doanh, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng hàng hóa…
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai, thực thi khi hiệp định có hiệu lực để giúp DN nắm bắt thông tin và xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn chuyên sâu về Hiệp định EVFTA giúp DN vừa và nhỏ nắm bắt thông tin và tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ hiệp định.
Bình luận (0)