xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗ lực khai thác EVFTA

Phương Nhung - Thy Thơ

Cải thiện môi trường kinh doanh, chính sách, pháp luật minh bạch, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế để khai thác được lợi ích từ thị trường EU

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) đặt ra nhiều thiết chế bắt buộc các nước thành viên phải thực thi, trong đó, quan trọng nhất là việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với cam kết.

Tránh vi phạm cam kết

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hai hiệp định với phạm vi bao quát rộng lớn, bao gồm những lĩnh vực phi truyền thống nên việc sửa đổi pháp luật trong nước không chỉ dừng ở hệ thống luật liên quan đến mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ mà cả các lĩnh vực về đấu thầu mua sắm công, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… "Việc sửa đổi pháp luật đòi hỏi nhiều thời gian, nếu không thực hiện kịp thời, ta rất dễ rơi vào tình trạng vi phạm cam kết" - Bộ trưởng nói.

Thời gian qua, Quốc hội đã đưa ra lộ trình sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Bộ Luật Lao động, Luật Sở hữu trí tuệ… như là các bước đi chủ động để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA.

"Việc chấp nhận các nguyên tắc quốc tế trong đấu thầu, tuy không dễ nhưng nếu làm tốt, có thể giúp chúng ta cải thiện đáng kể hiệu quả của mua sắm công. Các cam kết sâu rộng về dịch vụ và đầu tư cũng sẽ góp phần thúc đẩy cải cách theo hướng tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực có tiềm năng phát triển trong tương lai để hướng đến chuỗi cung ứng mới hình thành khi hiệp định được đưa vào thực thi" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá.

Ông cũng cho rằng việc sửa đổi pháp luật tuy cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong công tác chuẩn bị cho thực thi các cam kết ở các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhưng như vậy vẫn chưa đủ. "Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc, an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường… phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng thực tế, một số doanh nghiệp (DN) chưa tuân thủ nghiêm. Khi đó, có thể dẫn tới rủi ro là cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi từ vi phạm của số ít DN" - Bộ trưởng phân tích để cho thấy việc thực thi pháp luật từ phía DN là rất quan trọng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá các FTA thế hệ mới là động lực thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế và đi vào thực thi những cải cách một cách nghiêm túc. "Nhiều nghị quyết, nghị định… đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua nhưng cần thực thi nghiêm túc hơn. Nếu không làm được, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng cam kết mà không thực thi được. Điều này tước đoạt các cơ hội mà Việt Nam có thể có được từ hiệp định bởi không thực hiện cam kết thì không có lý do gì để đối tác ưu đãi cho chúng ta" - bà Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng góp ý một số vấn đề mà Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn, đó là chưa minh bạch về thuế, phí, thủ tục đầu tư - kinh doanh rườm rà, pháp luật có nhưng thiếu minh bạch và dễ thay đổi, khiến DN khó tiên liệu… "Hiệp định được thông qua với tỉ lệ phiếu cao nhưng nên nhớ vẫn có một tỉ lệ đáng kể phiếu phản đối và phiếu trống, cho thấy còn có những băn khoăn từ phía đối tác. Không nên để tỉ lệ đó tăng lên qua việc thực thi kém của Việt Nam mà phải bằng cải cách thể chế, pháp luật, nâng cao năng lực thực thi để thuyết phục được họ" - chuyên gia này nói.

Nỗ lực khai thác EVFTA - Ảnh 1.

Người trồng xoài ở ĐBSCL hy vọng sẽ được hưởng lợi từ EVFTA. Ảnh: NGỌC TRINH

Chưa được hưởng lợi ngay

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, dẫn số liệu thị trường EU bao gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỉ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu qua thị trường này.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU 41,7 tỉ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, ngành dệt may, da giày… sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, có thể tăng trưởng mỗi năm 20% kéo các ngành khác như tài chính - ngân hàng, du lịch, vận chuyển hàng không… phát triển theo.

Thế nhưng, do EU có thu nhập đầu người 36.000 USD/năm, cao hơn 3 lần thu nhập đầu người của Trung Quốc là 10.000 USD nên thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia EU mới tận dụng được thời cơ của EVFTA.

"Ngay tại thời điểm này, các bộ, ngành có thể soạn thảo, triển khai các văn bản pháp luật phù hợp, hướng dẫn cho DN thấy đâu là lợi thế có được từ EVFTA. Nếu DN có kế hoạch đầu tư dài hơi về công nghệ, sản xuất theo quy mô lớn, bảo đảm chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã sản phẩm thân thiện với môi trường… thì người tiêu dùng tại EU sẽ chấp nhận nông sản của nước ta" - ông Trần Hoàng Ngân khuyến nghị.

TS Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM) cho hay sau khi Quốc hội nước ta thông qua EVFTA vào kỳ họp tháng 5 sắp tới, hiệp định sẽ có hiệu lực trong vòng 1 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, phải chờ đợi thêm một thời gian để Quốc hội tiếp tục thông qua các bộ luật sửa đổi liên quan đến EVFTA nên DN Việt Nam chưa được hưởng ngay lợi thế của hiệp định.

Ông Tín góp ý để thực hiện được các thỏa thuận với đối tác EU, Việt Nam phải được sửa đổi nhiều văn bản pháp luật, nhất là các văn bản về thuế, thương mại… Cụ thể, với Luật Thương mại năm 2005, các văn bản dưới luật về xuất nhập khẩu hiện còn khắt khe và chưa theo kịp các quy định của EVFTA. Sau khi EVFTA có hiệu lực sớm nhất vào khoảng tháng 7-2020, DN muốn nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ EU trong khi chưa thay đổi quy định pháp luật liên quan thì chưa hưởng được lợi thế này. Ngược lại, do thị trường EU hết sức khó tính nên DN muốn xuất khẩu hàng hóa sang EU để được hưởng thuế suất 0% phải mất nhiều thời gian mới đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm của thị trường này.

"DN phải cố gắng rất nhiều, nhất là trong bối cảnh chúng ta gặp khó với thị trường khác thì EU là hy vọng lớn. Tình hình Covid-19 với các tác động đến kinh tế là bài học thấm thía để DN vượt lên, hướng tới thị trường khác thay vì quan hệ với các thị trường rủi ro và kìm hãm trong vòng lạc hậu" - chuyên gia Phạm Chi Lan đúc kết. 

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham:

Cần bảo đảm EVFTA triển khai suôn sẻ

Nghị viện châu Âu hôm 12-2 đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu - Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai phía. Các hiệp định này sẽ cho phép DN châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu. Tương tự như vậy, các công ty châu Âu cũng có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam.

Cuộc bỏ phiếu này là kết tinh của gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ, song mới chỉ là khởi đầu. Ngay bây giờ, chúng ta cần bảo đảm việc triển khai Hiệp định EVFTA diễn ra suôn sẻ để các DN và người tiêu dùng ở Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà hiệp định này mang lại. EuroCham sẽ luôn đồng hành và tiếp tục thúc đẩy quá trình này. Chúng tôi cam kết sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các đối tác để bảo đảm lợi ích mà hiệp định mang lại sẽ đạt được như kỳ vọng.

T.Nhân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo