Quyết định số 300/QĐ-UBND của UBND TP HCM vừa ban hành cuối tháng 1-2019 vạch rõ lộ trình đóng cửa các cơ sở giết mổ thủ công và đưa vào hoạt động các nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn trong năm 2019. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa chủ trương này còn nhiều vướng mắc
Quyết "xóa sổ" lò mổ
Theo kế hoạch, đến ngày 30-9, TP sẽ đưa vào hoạt động 6 nhà máy giết mổ công nghiệp với tổng công suất 13.000 con/ngày. Cùng thời điểm này, ngoại trừ cơ sở giết mổ Trung Tuyến (huyện Cần Giờ, TP HCM) được duy trì hoạt động để cung cấp sản phẩm cho người dân huyện Cần Giờ, tất cả cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu sẽ phải đóng cửa. Toàn bộ hoạt động giết mổ heo được đưa vào 6 nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn. Dự kiến đến năm 2020, tổng công suất giết mổ của các nhà máy khoảng 15.530 con heo/ngày (tương ứng 1.052 tấn heo/ngày), có thể đáp ứng 100% nhu cầu tiêu dùng thịt heo của người dân TP.
Giết mổ heo tại cơ sở An Hạ (huyện Củ Chi, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Quy hoạch giết mổ hướng tới xóa sổ giết mổ thủ công, chuyển hoàn toàn sang giết mổ công nghiệp đã được chính quyền TP HCM triển khai từ hơn 10 năm nay; các lò mổ nhiều lần được gia hạn hoạt động và đến nay vẫn còn 11 cơ sở hoạt động trên địa bàn với công suất bình quân hằng đêm khoảng 6.330 con heo, 82.000 con gà.
Theo UBND TP HCM, việc đóng cửa các cơ sở, chuyển sang giết mổ công nghiệp 100% giúp kiểm soát an toàn thực phẩm chặt chẽ hơn. Tuy nhiên thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) đầu tư nhà máy giết mổ gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, đến nay chỉ mới một nhà máy đi vào hoạt động. Do các dự án chưa hoàn thành nên các cơ sở giết mổ thủ công vẫn hoạt động cầm chừng, gây khó khăn trong công tác quản lý. Song song đó, có hiện tượng dịch chuyển hoạt động giết mổ từ TP HCM về các tỉnh lân cận nên hoạt động giết mổ tại TP không tăng so với kế hoạch quy hoạch đề ra.
Trước thông tin chỉ được hoạt động đến ngày 30-9, các DN đang ráo riết hình thành nhà máy để đưa vào hoạt động theo tiến độ.
Phải chuyển đổi mô hình kinh doanh thịt
Ông Phạm Thành Hiệp, chủ cơ sở giết mổ Trung tâm Bình Tân (công suất hơn 1.500 con/ngày), cho rằng "dân trong nghề" đều muốn kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm để người dân có miếng thịt sạch nhưng không dễ thực hiện. "Cơ sở của tôi có 15 hộ đang gia công thì 8 hộ dự định sẽ chuyển về các cơ sở giết mổ ở Long An, 7 hộ về các nhà máy giết mổ công nghiệp của TP. Hiện tại, đầu ra của các lò mổ phần lớn là chợ đầu mối với "giờ vàng" là khoảng 2-4 giờ sáng.
Trong khi giết mổ thủ công có thể sắp xếp lượng heo ra lò của từng chủ hàng theo giờ bán thì giết mổ công nghiệp chưa đáp ứng được. Do đó, chủ trương chuyển đổi từ giết mổ thủ công sang công nghiệp muốn thành công cần chuyển đổi mô hình kinh doanh thịt sao cho phù hợp. Nếu không, thương lái sẽ tiếp tục tìm nơi giết mổ thủ công thay vì chuyển vào các nhà máy công nghiệp" - ông Hiệp nhìn nhận.
Ông Văn Đức Mười - nguyên Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) - cho rằng Quyết định số 300 là sự tiếp diễn của một quá trình dài TP HCM cố gắng vượt qua những bất cập trong quản lý và kinh doanh ngành hàng thịt. Thế nhưng, vẫn còn nhiều điều chưa ổn trong thực thi quyết định này.
Theo ông Mười, Quyết định số 300 đã đúc kết và minh bạch các thủ tục, tiến độ thời gian nhưng lại thiếu các giải pháp hỗ trợ để đồng bộ quá trình triển khai xây dựng nhà máy cũng như quản lý vận chuyển thịt tươi sống tại các địa điểm kinh doanh sỉ và lẻ. Ngoài ra, thiếu kết hợp về quản lý môi trường, quy hoạch đô thị, kiểm soát liên vùng và nhất là chế tài chưa đủ mạnh đối với vi phạm trong kinh doanh.
Từ giờ đến cuối năm là thời gian quá ngắn để các nhà máy hoàn thành việc đáp ứng nhu cầu giết mổ, chưa nói đến hàng mớ thủ tục hành chính, giấy phép liên quan vẫn còn vướng mắc. "Không loại trừ khả năng TP đóng cửa các cơ sở giết mổ có phép sẽ tạo lỗ hổng cho các lò mổ không phép hoặc thương lái đem heo về các tỉnh giết mổ rồi đưa đến TP HCM tiêu thụ" - đại diện một DN lo ngại.
Theo các DN, đóng cửa cơ sở giết mổ để chuyển sang giết mổ công nghiệp là cần thiết nhưng chưa đủ mà đòi hỏi nhiều biện pháp đồng bộ trong quản lý, nhất là cần một môi trường chặt chẽ từ nhận thức cộng đồng, quản lý nhà nước các mặt cùng với tính nghiêm minh và trách nhiệm của địa phương cũng như phối hợp liên tỉnh trong thú y, kiểm soát an toàn thực phẩm, liên kết vùng trong chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc.
Trước mắt, cần hỗ trợ thúc đẩy các nhà máy giết mổ ở TP HCM nhanh chóng hoạt động, đồng thời vận động tuyên truyền về tiêu chuẩn thịt và khuyến khích sử dụng thịt mát, siết chặt quản lý, chế tài nghiêm các vi phạm. Cần có lộ trình hợp lý về thời gian trong quy hoạch xây dựng, vận động nhận thức tiêu dùng lẫn cần ban hành những tiêu chuẩn về thịt để định hướng nhận thức tiêu dùng cộng với sự liên kết trong sản xuất công nghiệp - giết mổ - kinh doanh tiêu thụ thịt.
Chỉ giao dịch thịt giết mổ công nghiệp
Một lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM cho biết TP đã giao Sở Công Thương nghiên cứu thành lập sàn giao dịch heo hơi. Nếu sàn này đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ rất nhiều cho chủ trương giết mổ công nghiệp lẫn kiểm soát an toàn thực phẩm. "Sàn chỉ chấp nhận cho giao dịch đối với thịt heo được giết mổ công nghiệp, đạt chuẩn VietGAP và đã thực hiện truy xuất nguồn gốc từ giai đoạn chăn nuôi, phân phối lưu thông trên thị trường.
Các đối tượng tham gia sàn gồm các DN chăn nuôi lớn; 2 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn... cam kết chỉ giao dịch heo giết mổ công nghiệp thì thịt heo giết mổ thủ công sẽ không tiêu thụ được qua sàn. Khi đó, không cần mệnh lệnh hành chính cũng không lo khó kiểm soát bởi thị trường sẽ tự điều tiết" - vị đại diện này nói.
P.An
Bình luận (0)