xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chưa nên thông qua Luật Đặc khu! (*): Chỉ cần thông qua một nghị quyết về cơ chế

PHƯƠNG NHUNG thực hiện

Xây dựng "Luật Đặc khu" để mở cửa đón "phượng hoàng" vào nhưng không thấy bóng dáng "phượng hoàng" cả trong dự luật lẫn bên ngoài. Vậy, có cần thiết thông qua dự luật khi các điều khoản còn nhiều kẽ hở?

Phóng viên: Thế giới đã có các bài học thất bại khi làm đặc khu kinh tế (ĐKKT) và thời điểm này, đặc khu đã "hết thời". Ông từng có thời gian dài ủng hộ làm ĐKKT, vậy ông có thể giải thích?

- GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới: Chúng ta đã từng định hình được mô hình ban đầu về đặc khu khi đưa ra kiến nghị xây dựng ĐKKT ở TP HCM giai đoạn 1989-1991. Tuy nhiên, đặc khu khi đó mới là dạng khu chế xuất. Sau khi Khu Chế xuất Tân Thuận thành công và được xếp vào danh sách một trong những khu tốt nhất của khu vực, TP HCM còn nhân rộng thêm nhiều khu chế xuất khác, như Linh Trung… 

Sau đấy, vì nhiều lý do, chúng ta muốn kéo hướng phát triển đặc khu về Chu Lai. Thời đó, khi thảo luận về hướng phát triển, do không muốn dùng chữ "đặc khu" giống Trung Quốc nên chúng ta đổi thành Khu Kinh tế mở Chu Lai. Song, khi tổng kết lại thì đây vẫn chỉ là khu công nghiệp thu hút nguồn lực trong nước là chính.

Chưa nên thông qua Luật Đặc khu! (*): Chỉ cần thông qua một nghị quyết về cơ chế - Ảnh 1.

Trước khi dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ra đời, chúng ta đã có 2 cơ hội làm đặc khu nhưng đều bỏ lỡ bởi nhiều lý do. Đó là đề án ở Phú Yên với nhà đầu tư Dubai và đặc khu ở Bắc Vân Phong với tham vọng của một tập đoàn tài chính Mỹ muốn xây dựng trung tâm tài chính thế giới tại đây.

Chưa nên thông qua Luật Đặc khu! (*): Chỉ cần thông qua một nghị quyết về cơ chế - Ảnh 2.

Huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) có vị trí chiến lược án ngữ cửa ngõ phía Đông Bắc nhìn ra vịnh Bắc Bộ. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Như vậy, từ những đề xuất đầu tiên cách đây gần 30 năm đến nay, chúng ta vẫn chưa có ĐKKT do chưa có nghiên cứu thật đầy đủ.

Tôi ủng hộ việc xây dựng các ĐKKT để hình thành đô thị hiện đại, tạo cú hích cho phát triển đất nước. Nhưng, tôi không tán thành cách làm như trong dự Luật Đặc khu mà Quốc hội sẽ đưa ra quyết định vào ngày 15-6 tới. Mỗi ĐKKT có đặc điểm riêng, không thể áp dụng ưu đãi chi tiết cho tất cả. Luật chỉ nên nêu những vấn đề chung về mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, định hướng. Mỗi đặc khu cần hướng riêng tùy theo điều kiện của mình, ví dụ Vân Đồn, Phú Quốc chuyên du lịch, dịch vụ, đô thị; Bắc Vân Phong có thể phát triển tài chính, đô thị, thương mại.

Những kẽ hở nào trong dự án Luật Đặc khu mà ông cho rằng cần phải cẩn trọng xem xét lại?

- Luật Đặc khu cần 3 nội dung cơ bản, mà cả 3 đều không được thể hiện trong dự luật này.

Thứ nhất, luật dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam mà lại không thấy bóng dáng các nhà đầu tư đâu, không thấy quyền của họ ở đâu. Như thế, khác nào nói mở cửa đón "phượng hoàng" mà không thấy "phượng hoàng".

Thứ hai, đó là việc quy định cơ quan quản lý ĐKKT xếp ngang cấp huyện thì sẽ khó lãnh đạo, nhất là trong ứng xử đối với nhà đầu tư lớn của nước ngoài. Muốn thu hút đầu tư, phải cho họ thể chế thật sự cạnh tranh, chẳng hạn như giao quyền quyết định về kinh doanh cho họ, còn chúng ta chỉ nắm chính trị, an ninh, đối ngoại… Quy định này còn trái Luật Tổ chức chính quyền địa phương khi luật đã quy định một cấp lãnh đạo riêng cho đặc khu, không phải cấp huyện. Nếu không làm được điều này thì không có nhà đầu tư nước ngoài đến mà chỉ có nhà đầu tư Việt Nam với những phát sinh về xin - cho, tham nhũng.

Thứ ba, cả dự luật không có điều khoản nào về việc xây dựng các cơ sở hạ tầng văn hóa - xã hội, tín ngưỡng tại ĐKKT. Đặc khu mà muốn xây dựng để các "đại gia" có thể vào ở 1-2 tháng thì phải là thành phố hiện đại để sống, phải có nhà thờ, có chùa. Nội dung này được Hàn Quốc dành hẳn một chương trong quy định về đặc khu Incheon.

Tóm lại, dự án Luật Đặc khu còn mù mờ ở chỗ không định hướng rõ được mục tiêu thu hút nguồn lực nước ngoài với công nghệ cao và dịch vụ hiện đại. Như thế, có hình thành ĐKKT thì Vân Đồn cũng chỉ có khả năng trở thành khu kinh tế ven biển, còn Bắc Vân Phong chỉ là khu kinh tế mở hoặc khu công nghiệp!

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho biết có khả năng dự thảo Luật Đặc khu sẽ được chỉnh sửa thời hạn cho thuê đất cao nhất chỉ còn 70 năm, ông bình luận gì về việc này?

- Tôi cho rằng thời hạn thuê đất dài không phải là vấn đề lớn khi chúng ta bảo đảm chắc chắn rằng đất chỉ cho thuê chứ không được sở hữu. Chưa kể Luật Đất đai đã quy định rõ là đất thuộc sở hữu toàn dân, không có quyền sở hữu tư nhân. Người nước ngoài cũng chỉ được phép mua nhà chứ không được mua đất.

Theo tôi, dự luật chỉ nên ghi chung chung là "thời hạn cho thuê đất sẽ do Chính phủ, Quốc hội quyết định trong từng trường hợp". Như thế, luật sẽ rất linh hoạt. Ngoài ra, nên bổ sung quy định hết thời hạn thuê đất thì những tài sản trên đất sẽ thuộc sở hữu nhà nước.

Tôi cũng muốn bày tỏ lo ngại, nhất là với Vân Đồn, bởi vị trí chiến lược của nó. Việc cho thuê đất bao nhiêu năm không quan trọng bằng việc phải có quy định khống chế nhà đầu tư từ một quốc gia vào chỉ được chiếm bao nhiêu %. Như thế, vẫn bảo đảm bình đẳng giữa các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia mà vẫn có thể chặn được kẽ hở trong luật tạo điều kiện cho một nước chiếm lĩnh toàn bộ.

Vẫn còn nhiều lo ngại như vậy, ông có kiến nghị gì đến Quốc hội?

- Nếu không thật sự cần thiết thì Quốc hội chưa nên thông qua dự án Luật Đặc khu ngay kỳ họp này. Có thể chỉ cần thông qua một quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế, mục đích, phương hướng, nguyên tắc ngắn gọn cho việc hình thành đặc khu. Phần còn lại, địa phương nào kiếm được nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, có thể được xem xét, nếu thấy ổn thì làm, không ổn thì không làm. Và, cũng không nên cấm TP HCM hay các địa phương khác làm đặc khu nếu họ có nhà đầu tư chất lượng. 

Ý KIẾN

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN LÂN HIẾU (An Giang):

Nhiều điều quan trọng phải bàn kỹ

Tôi rất băn khoăn về dự án Luật Đặc khu. Suốt mấy ngày qua, tôi nhận rất nhiều ý kiến góp ý qua thư điện tử, tin nhắn và cả gọi điện thoại trực tiếp của cử tri là các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, bày tỏ lo lắng về dự luật này.

11-lan-hieu

Việc Quốc hội bình tĩnh lắng nghe ý kiến cử tri, dư luận là rất quan trọng. Tôi đề xuất Quốc hội cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi; thảo luận, tranh luận với các nhà chuyên môn cũng như cử tri, để thấy được những ưu - nhược điểm, khắc phục những điều mà dư luận lo lắng, để an lòng cử tri.

Trong dự án Luật Đặc khu có rất nhiều điều quan trọng chứ không chỉ điều khoản về thời gian cho thuê đất. Vì vậy, ban soạn thảo - đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư - phải lắng nghe ý kiến cử tri để sửa chữa.

Tôi rất mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lấy ý kiến các đại biểu rằng có nên thông qua dự án luật tại kỳ họp này hay không, trước khi Quốc hội chính thức bấm nút vào ngày 15-6.

TS - chuyên gia kinh tế NGÔ TRÍ LONG:

Động lực phát triển còn chung chung

11-ngo-tri-long

ĐKKT là động lực để kinh tế phát triển nhưng cả 3 đặc khu hiện nay chưa thể hiện rõ hướng phát triển chủ đạo, vẫn còn chung chung. Nhiều quốc gia đã xây dựng đặc khu, nhiều quốc gia cũng đã bỏ đặc khu sau thời gian hoạt động. Việt Nam giờ mới xây dựng cơ chế cho ĐKKT có nghĩa là đi sau và lặp lại cách làm của nhiều quốc gia, do đó phải đúc kết để tạo nên sự khác biệt.

Đúng như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, phải coi đây là "phòng thí nghiệm" về thể chế. Thể chế không phải là ưu đãi về thời gian cho thuê đất mà là mô hình tổ chức, vận hành của cơ chế, chính sách vừa thông thoáng vừa hấp dẫn. Đối tượng thu hút đến các ĐKKT phải là công nghệ cao, thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ.

V.DUẨN - K.NAM ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo