Phiên giao dịch ngày 16-6, thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước khởi sắc cùng với đà hồi phục của nhiều thị trường khác trên thế giới. Trong phiên, có thời điểm VN-Index tăng mạnh tới hơn 32 điểm trước khi hạ độ cao còn 22,7 điểm (1,87%) vào cuối giờ và đóng cửa ở mốc 1.236,63 điểm. Diễn biến tương tự trên các sàn tại Hà Nội, HNX-Index thu hẹp đà tăng còn 4,52 điểm (1,6%) đạt 287,77 điểm; UPCoM-Index chỉ còn tăng 0,68% đạt 89,25 điểm.
Thị trường khởi sắc nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa thấy an tâm khi số lượng cổ phiếu giảm giá trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCoM vẫn chiếm tỉ lệ khá cao, các chỉ số vẫn bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những cổ phiếu trụ và đặc biệt là thanh khoản của thị trường sụt giảm tới hơn 15%, chỉ còn khoảng 17.000 tỉ đồng, trong đó sàn HoSE chiếm hơn 14.700 tỉ đồng.
Theo báo cáo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ còn hơn 14.951 tỉ đồng, giảm 32,4% so tháng 4. Còn nếu tính chung trên cả 3 sàn những phiên vừa qua, giá trị giao dịch trung bình cũng ở mức 15.000 - 18.000 tỉ đồng/phiên, giảm tương ứng 30% so tháng 4. Con số này nếu so với năm 2021 còn thấp hơn rất nhiều, bởi thanh khoản trung bình mỗi phiên trong năm ngoái tới gần 22.000 tỉ đồng. Riêng 2 tháng cuối năm 2021, thanh khoản nhiều phiên đạt 30.000 - 40.000 tỉ đồng, thậm chí có ngày tới hơn 56.000 tỉ đồng, cho thấy lượng tiền đổ vào TTCK thời điểm đó rất lớn.
Giao dịch trên thị trường chứng khoán ngày càng thấp bất kể thị trường xanh hay đỏ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một chuyên gia cho rằng sau hàng loạt "cú sốc" liên quan tới TTCK như vụ ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, bán chui cổ phiếu sau đó bị bắt và khởi tố vì thao túng cổ phiếu; ông Đỗ Thành Nhân của Tập đoàn Louis và đồng phạm cũng bị bắt với tội danh tương tự; rồi những vụ việc dính tới tập đoàn Tân Hoàng Minh; tin đồn bắt những lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết, chứng khoán toàn cầu bất ổn, lạm phát... khiến cơ hội kiếm tiền trên TTCK ngày càng ít nên dòng tiền rút lui, thanh khoản sụt giảm là điều dễ hiểu...
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc cơ quan chức năng mạnh tay xử lý những vi phạm đã chấn chỉnh lại TTCK, các "đội lái", các nhà đầu tư "cá mập" đã dè dặt hơn, không còn tung hoành như trước có thể là nguyên nhân chính khiến giá trị giao dịch trên thị trường ngày càng giảm. Ngoài ra, việc các ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng, thị trường bất động sản hạ nhiệt cũng khiến dòng tiền đổ vào TTCK ngày càng ít. Bởi, từ trước đến nay, dòng vốn trên thị trường bất động sản thường có mối liên hệ chặt chẽ với TTCK, nên chỉ cần một bên gặp khó thì bên còn lại cũng khó theo.
Ông Lê Quang Minh, Trưởng bộ phận phân tích tại Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MAS Việt Nam), cho rằng chỉ khi nào nhà đầu tư mạnh dạn dùng đòn bẩy tài chính (margin) cao thì dòng tiền mới mạnh trở lại. Còn giai đoạn hiện tại, khi thị trường có nhiều bất ổn, hiếm nhà đầu tư nào dám dùng margin mà chủ yếu dùng tiền "tươi" hay tiền túi của mình để giao dịch nên khó đòi hỏi thanh khoản thị trường cao như trước.
Ngoài ra, lý do lớn nhất là nhà đầu tư lớn hay tạm gọi là "cá mập" vẫn đang đứng ngoài, họ dùng tiền vào các việc khác, như trả nợ, bù đắp cho hoạt động kinh doanh... nên dù thị trường có tăng giảm điểm thì thanh khoản của thị trường cũng không mấy khởi sắc.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận ở bất cứ thị trường nào, nếu nhà đầu tư nhận thấy nó tốt, họ kỳ vọng tăng thì họ sẽ tìm mọi cách "xoay tiền" để đầu tư, còn với TTCK hiện tại, nhà đầu tư chưa nhìn thấy cơ hội nên họ rút vốn về.
Bình luận (0)