Sụt giảm nghiêm trọng trong 13 tháng liên tiếp, du lịch Việt Nam sẽ phát triển thế nào? Đó là vấn đề được mổ xẻ tại hội thảo “Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” được Ban Kinh tế trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 7-7 tại Hà Nội.
Nhiều tài nguyên vẫn ít khách
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, nhấn mạnh tài nguyên du lịch Việt Nam là phong phú, đặc sắc. Nhiều nơi được báo chí quốc tế bình chọn là những điểm đến thú vị nhưng so với các nước ASEAN, lượng khách du lịch quốc tế và doanh thu từ du lịch của Việt Nam rất thấp.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thừa nhận Việt Nam nằm trong nhóm 5 điểm đến hàng đầu Đông Nam Á nhưng khoảng cách giữa Việt Nam và 3 nước đứng đầu là Malaysia, Thái Lan, Singapore khá xa. Theo ông Tuấn, thời gian tới, sức ép cạnh tranh với 3 nước trên cũng như các đối thủ mới nổi như Campuchia, Lào, Myanmar sẽ là thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân thua kém của du lịch Việt Nam, ông Tuấn cho rằng kinh phí xúc tiến, quảng bá của du lịch nước ta rất hạn chế; cơ chế hoạt động kém linh hoạt; không có văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài nên việc thông tin và hỗ trợ du khách không thực hiện đầy đủ khiến khách du lịch lựa chọn các điểm đến khác thuận lợi hơn. Ngoài ra, thủ tục nhập cảnh Việt Nam khó khăn khiến cho lợi thế cạnh tranh bị hạn chế.
Phải định vị thương hiệu du lịch
Tìm hướng đi cho du lịch Việt Nam, bên cạnh những giải pháp như bỏ visa cho một số thị trường, tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, bảo đảm môi trường an ninh an toàn cho du khách, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhấn mạnh cần định vị được thương hiệu du lịch Việt Nam.
Đồng tình việc này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, đặt vấn đề: “Trong các văn bản chỉ đạo đều muốn du lịch Việt Nam có thương hiệu, vậy thương hiệu của du lịch Việt Nam là gì, liệu Việt Nam có nên tự định vị thành cái bếp của thế giới?”.
Phân tích thêm, bà Ninh cho rằng đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ, phải xác định xem làm sao để “cái bếp” Việt Nam nổi bật, khác biệt. Bà Ninh kể khi tham gia chương trình “Chiếc thìa vàng” đã từng chất vấn tại sao không có các nhà hàng cao cấp ở các khách sạn 5 sao.
“Ẩm thực đường phố là lợi thế khác biệt của Việt Nam nhưng ở phân khúc cao cấp thì lại vắng bóng ẩm thực Việt. Trên sân nhà mà không tận dụng các khách sạn 5 sao thì cơm ta ở đâu? Theo tôi, Tổng cục Du lịch nên khuyến khích phát triển mô hình này” - bà Ninh đề nghị.
Không có chỗ cho chụp giật, “chặt chém”
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới phải gắn với xây dựng môi trường xã hội thân thiện. “Làm du lịch không bao giờ thành công nếu chỉ đào tạo đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp mà quan trọng hơn là người dân địa phương phải có cái tâm của một người chủ hiếu khách” - ông Lịch nhận định.
Theo ông, kinh nghiệm của những nước thành công trong phát triển du lịch là ở đó không có kiểu làm ăn chụp giật, “chặt chém”. “Chính quyền phải bảo đảm không có loại hình kinh doanh như thế tồn tại trong hoạt động du lịch. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong mục tiêu thu hút đầu tư du lịch” - ông Lịch lưu ý.
Năm 2014, trong khi Malaysia, Thái Lan đón lần lượt 27,4 triệu và 24,7 triệu lượng khách quốc tế thì Việt Nam chỉ đón 7,8 triệu khách.
Bình luận (0)