Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt tốc độ phát triển ấn tượng. Giai đoạn 2020 - 2022, dù đại dịch và xung đột thương mại, địa chính trị diễn biến gay gắt nhưng Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mỹ cũng trở thành đối tác thương mại thứ hai có kim ngạch thương mại vượt mốc 100 tỉ USD với Việt Nam. Trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Với TP HCM, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết thời gian qua Mỹ vẫn luôn là một trong những đối tác trọng điểm, chiến lược của TP HCM trong thương mại và đầu tư, quan hệ giữa TP HCM và Mỹ ngày một phát triển. Về đầu tư, hiện trên địa bàn thành phố có 533 dự án đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Mỹ với tổng giá trị vốn đầu tư đạt hơn 1,36 tỉ USD và 1.109 nhà đầu tư gián tiếp qua hình thức góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt gần 635 triệu USD.
"Nguồn vốn của các nhà đầu tư Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực trong hoạt động phát triển khoa học, công nghệ cao..." - bà Phan Thị Thắng nói.
Đại diện Bộ Thương mại Mỹ, bà Pamela Phan, Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách khu vực châu Á, nhất trí rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại đóng vai trò trung tâm. Cả khu vực công và tư của Mỹ đều sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các sáng kiến mới, lĩnh vực tiềm năng và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay như kinh tế số, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính...
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh các lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai bên cần hướng tới những lĩnh vực hợp tác của tương lai, đó là chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng, đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường. Xác định rõ đổi mới công nghệ, chuyển đổi số sẽ là động lực chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực đón đầu xu thế lớn về chuyển đổi số để bứt phá, thu hẹp khoảng cách phát triển. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện dựa trên 3 trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bình luận (0)