"Việt Nam và Anh có mối quan hệ ngày càng gắn kết. Hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa bởi cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh với nhau".
Ông Chris Milliken, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham), cho biết như vậy trong hội thảo "Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA" do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam tổ chức ngày 23-6 ở TP HCM.
Triển vọng xuất khẩu
Ông Chris Milliken đánh giá kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đang dần có dấu hiệu phục hồi tích cực sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về lợi ích mà Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) mang lại cho sự phát triển kinh tế, thương mại Việt Nam - Anh.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại Việt Nam - Anh trong năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sau khi UKVFTA có liệu lực, với 6,6 tỉ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỉ USD, tăng 16,4%; xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, dù còn chịu các tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới dẫn đến đứt gãy trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh vẫn đạt 2,68 tỉ USD, tương đương cùng kỳ năm 2021.
Ông Oliver Todd - Tổng lãnh sự Anh tại TP HCM, Giám đốc Thương mại và Đầu tư Anh tại Việt Nam - đánh giá cao vị thế đối tác thương mại của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Ông tin tưởng rằng Việt Nam có thể thay thế các nước Ấn Độ, Indonesia để trở thành nhà cung ứng mới trong lĩnh vực nông thủy sản cho Anh.
"Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giao thương 2 nước đã phục hồi nhưng tiềm năng vẫn còn rất lớn. Anh nằm trong tốp 5 thị trường xuất khẩu thủy hải sản và tốp 3 xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Trong UKVFTA, chúng ta đang nỗ lực giảm thuế và các bên có cơ hội tối ưu hóa thuận lợi" - ông Oliver Todd thông tin.
Đại diện các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN Việt Nam cũng phản ánh gỗ, hạt điều và gạo là những mặt hàng truyền thống, có thế mạnh của Việt Nam. Cơ hội cho các sản phẩm này thâm nhập thị trường Anh đang rộng mở sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực với rất nhiều ưu đãi.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, đánh giá Anh là thị trường hấp dẫn đối với DN xuất khẩu điều Việt Nam dù kim ngạch năm 2021 chỉ mới đạt 100 triệu USD, khá khiêm tốn so với tổng giá trị xuất khẩu 3,6 tỉ USD của toàn ngành.
"Câu hỏi đặt ra là tại sao các DN chưa xuất nhiều vào Anh được trong khi đã có UKVFTA, thuế đối với sản phẩm điều chế biến sâu của Việt Nam vào Anh bằng 0%. Nguyên nhân là do DN Việt chưa có nhiều thông tin về thị trường, bạn hàng, đối tác Anh, cũng chưa quan tâm UKVFTA" - ông Giang nêu vấn đề và cho rằng DN xuất khẩu điều cần phải tập trung cho thị trường Anh nhiều hơn theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".
Nông sản là một trong những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang Anh. Trong ảnh: Chế biến nha đam xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm Cánh Đồng Việt (tỉnh Ninh Thuận) thuộc GCFOOD. Ảnh: AN NA
Cần sớm vượt qua "rào cản"
Thực tế, nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam còn vướng mắc trong các khâu tìm kiếm đối tác, nắm bắt nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh, các rủi ro về hợp đồng, thanh toán và cách phòng tránh.
Theo bà Nguyễn Ngọc Đài Trang, Giám đốc Điều hành Viện Tiêu chuẩn Anh Quốc (BSI Group), thị trường Anh có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao, thường xuyên câp nhật các tiêu chuẩn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Do đó, các DN Việt Nam cần nắm bắt thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật nhanh chóng để có thể cải tiến, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính này.
Cũng thừa nhận tiêu chuẩn xuất khẩu vào Anh rất khó khăn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời, cho biết trung bình mỗi năm, Lộc Trời xuất khẩu khoảng 20.000 tấn gạo vào EU và Anh, chiếm 15%-20% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của tập đoàn. Tuy nhiên, để bán được nông sản vào Anh, DN bắt buộc phải xây dựng vùng trồng, kiểm soát dư lượng đạt trên 800 hoạt chất…
"Từ năm 2020, Lộc Trời triển khai theo hướng bền vững và nhờ có nền tảng sẵn từ công ty giống, dịch vụ nông nghiệp, hệ thống nhà máy xuất khẩu gạo và kiểm soát được chất lượng nên tự xuất khẩu vào EU lẫn Anh. Khi đã có chất lượng ổn định, tập đoàn mới bắt đầu đẩy mạnh quảng bá và được các thị trường chấp nhận" - ông Hiếu nói.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, nhìn nhận sản phẩm nông, lâm, thủy sản Việt Nam đang có lợi thế hơn các nước trong khu vực khi xuất khẩu sang Anh do được hưởng ưu đãi thuế suất 0% theo UKVFTA. Một số DN Việt đã tận dụng tốt lợi thế này để gia tăng xuất khẩu vào Anh. Đơn cử là xuất khẩu cà phê sang Anh 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng ngoạn mục tới 180% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, sắp tới, Anh sẽ triển khai một loạt ký kết hiệp định thương mại tự do với 19 quốc gia đồng thời chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Khi các hiệp định này được ký kết, lợi thế UKVFTA của DN Việt không còn nữa, vì vậy đòi hỏi DN phải nỗ lực nhiều trong khâu sản xuất, gia tăng tiếp cận để tham gia thị trường Anh cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Riêng Bộ Công Thương cũng đã triển khai một số biện pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các DN Việt trong các khâu tìm kiếm, kết nối với đối tác, cũng như những lưu ý để có thể tiến tới xuất đơn hàng thành công sang thị trường Anh nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến tháng 5-2022, Anh có tổng cộng 462 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực đạt 4,15 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 0,97% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tại Việt Nam.
Theo các diễn giả, Anh có nền công nghiệp công nghệ cao phát triển, đặc biệt là công nghệ về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), tiết kiệm năng lượng. Các DN Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để hợp tác, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ Anh, đồng thời tham gia chuỗi cung ứng ngành công nghiệp, năng lượng của Anh, cũng như xuất khẩu sản phẩm công nghiệp phụ trợ sang Anh, tận dụng lợi thế sẵn có của Hiệp định UKVFTA.
Ông Chris Milliken cho rằng những biến động thời kỳ hậu Covid-19 đã dẫn đến cấu trúc kinh tế thế giới có những thay đổi căn bản, định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nhà đầu tư, DN Anh hướng sự quan tâm của mình tới những nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng khá ổn định và bền vững, trong đó có Việt Nam.
Bình luận (0)