Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2020, cả nước có tới 34.900 doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường (tạm ngưng hoạt động, giải thể, phá sản), ngoài ra còn có hơn 11.400 DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Xu hướng khó tránh
Số DN hoàn tất thủ tục giải thể nhiều nhất trong các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; kinh doanh bất động sản... Theo ghi nhận, du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề và trực tiếp nhất của dịch bệnh. Hiện gần như các DN du lịch đã "ngủ đông". Nhiều DN cầm cự bằng cách cho nhân viên nghỉ luân phiên hoặc nghỉ việc không lương, đóng cửa các chi nhánh.
Tuy chưa có con số thống kê chính thức về số lượng DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng theo báo cáo từ Hội DN các tỉnh, thành; Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), có đến 50% DN nhỏ và vừa vừa tạm ngưng hoạt động. Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký VINASME, cho biết các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ, đang rất khó khăn do mọi hoạt động đầu vào, đầu ra đều bị xáo trộn. Trong đó, nhóm DN dịch vụ, hàng hóa thiệt hại nhiều nhất. "Khả năng chịu đựng của các DN nhỏ, vốn ít rất hạn chế, nay chịu thêm yếu tố bất khả kháng là quy định giãn cách xã hội tạm thời do dịch bệnh thì càng thêm chật vật" - ông Tô Hoài Nam nói. Theo ông Nam, nhiều DN đang ở ranh giới mong manh giữa "sống" hay "chết".
Đánh giá về tình hình DN ngừng hoạt động, giải thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chuyên gia kinh tế - TS Huỳnh Trung Minh cho rằng xu hướng này là khó tránh trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Dù vậy, nhìn ở góc độ khác, lâu nay nhiều DN được thành lập khá dễ dàng; nhiều DN cũng dễ đóng cửa khi thị trường ảm đạm. Trong khi đó, những DN tổ chức bài bản hoạt động kinh doanh, có đầu tư, có tích lũy và kế hoạch dự phòng trong tình huống, kịch bản xấu nhất vẫn có thể duy trì hoạt động trong thời gian nhất định, cùng với chính sách tiếp sức, hỗ trợ của nhà nước sẽ vượt qua khó khăn. "Ở nước ngoài cũng vậy, sau mỗi đợt khủng hoảng kinh tế luôn có những DN, tập đoàn ngày càng lớn mạnh và trở thành đầu tàu kinh tế" - TS Huỳnh Trung Minh cho hay.
Nhiều cửa hàng ăn uống, dịch vụ du lịch đóng cửa do dịch Covid-19. Ảnh: TẤN THẠNH
Nếu trụ được thì sẽ phát triển
Theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, trước khi xảy ra dịch bệnh, số lượng DN giải thể, rời khỏi thị trường vẫn tăng bởi đây là quy luật sàng lọc tự nhiên. Trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, bên cạnh các chính sách tiếp sức, hỗ trợ để DN không rời thị trường, nhà nước cần thêm nhiều chính sách giúp người lao động có thu nhập, việc làm để ổn định cuộc sống, từ đó kích cầu chi tiêu, mua sắm, bảo đảm sức cầu của thị trường... "Số lượng DN phá sản, giải thể tăng đáng lo ngại ở chỗ có thể suy giảm việc làm tạo ra cho nền kinh tế nhưng không quá lo. DN nào trụ lại được sau dịch bệnh sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn" - TS Đinh Thế Hiển nói.
Cũng cho rằng không nên quá lo ngại về con số DN rời khỏi thị trường, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, phân tích: Dịch bệnh diễn biến phức tạp không chỉ trong nước mà trên quy mô toàn cầu, Việt Nam và một số quốc gia đang thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN bị ảnh hưởng. Thay vì bị động chờ đợi dịch bệnh đi qua, DN nên tận dụng thời gian này để nhìn lại mình, tái cơ cấu và tăng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, nâng cao tay nghề lao động thông qua đào tạo từ xa... chuẩn bị sẵn sàng để phục hồi, bứt phá thời kỳ hậu dịch bệnh. "Dịch Covid-19 làm thay đổi phương thức sản xuất - kinh doanh, DN dù muốn dù không cũng phải theo sự thay đổi đó. Những DN chậm thay đổi, chậm thích nghi và chậm ứng dụng công nghệ vào sản xuất, vận hành thì sẽ có ít cơ hội, nhiều rủi ro hơn" - TS Ngân nhận định.
Đại diện các DN nhỏ và vừa, VINASME nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, DN nào tiệm cận công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ, tin học, công nghệ số vào sản xuất thì ít chịu ảnh hưởng, thậm chí có cơ hội bứt phá. DN nhận thức rõ vấn đề này nhưng trong điều kiện thực tế của các DN nhỏ và vừa hiện nay, nhiều DN chưa thể tiếp cận nền tảng số hóa nên việc thực hiện là không dễ và cần có thời gian. "Lúc này, hầu hết DN đang nỗ lực trụ lại, chống dịch và cần có giai đoạn quá độ để tiếp cận, làm chủ nên rất cần Chính phủ hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể" - Tổng Thư ký VINASME nói.
Doanh nghiệp du lịch muốn sớm được hỗ trợ
Sở Du lịch TP HCM vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM về việc phối hợp hỗ trợ người dân, DN khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong văn bản, Sở Du lịch TP cho biết đã tổng hợp danh sách các đơn vị có thiệt hại do dịch bệnh gửi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP nhưng đến nay, các DN vẫn chưa nhận được thông tin hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, sở đề xuất Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP sớm hướng dẫn các ngân hàng về hình thức cho vay, lãi suất, ngành nghề được vay, quy định mức trần lãi suất kỳ hạn (ngắn hạn và dài hạn) áp dụng cho các DN và người lao động. Bên cạnh đó, kiến nghị kéo dài thời gian ân hạn, giảm lãi vay và cho DN nộp chậm nợ gốc trong 12-24 tháng, không chuyển nhóm nợ xấu...
T.Phương
Bình luận (0)