Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, khi các thương vụ mua bán sáp nhập giữa doanh nghiệp (DN) Thái Lan và Việt Nam trong các lĩnh vực bán lẻ, xây dựng, nhựa... rầm rộ diễn ra, không ít người đã chủ quan cho rằng không nên có cái nhìn quá bi quan về cơn lốc tấn công của người Thái bởi hàng Thái và hàng Việt đã cạnh tranh sòng phẳng hơn 10 năm nay.
Trước đó, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chuẩn bị thành lập, hàng Thái đến sát biên giới Việt Nam chờ tới thời điểm là tiến vào thì các cơ quan chức năng và DN Việt còn lúng túng bàn thảo xem chúng ta được và mất gì. Hội chợ hàng Thái thì vẫn tổ chức liên tục ở 2 thành phố lớn, âm thầm lấn mặt bằng tại các trung tâm thương mại do người Thái làm chủ và cả những trung tâm, siêu thị 100% vốn Việt Nam.
Doanh nghiệp Thái liên tục tổ chức những hội chợ hàng Thái để tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một cách âm thầm và bền bỉ, hàng Thái len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống người Việt, chiếm được tình cảm của người tiêu dùng, từng bước lấn át hàng Trung Quốc và chiếm lĩnh thị trường. Chủ tịch HĐQT một công ty thực phẩm có tiếng trong nước từng cho biết ông giận run người khi cầm trên tay bịch trái cây sấy có in dòng chữ Việt "Trái cây Thái càng ăn càng khoái".
Theo vị chủ tịch này, người Thái làm thị trường rất chuyên nghiệp, có cả chiến dịch bài bản để quảng bá sản phẩm. Bằng nhiều cách khác nhau, người Thái khiến dân Việt tin rằng thương hiệu Thái Lan đi liền với tiêu chuẩn chất lượng. Và thực tế là rất nhiều người tiêu dùng Việt có niềm tin rằng hàng Thái chất lượng hơn hàng Việt Nam, Trung Quốc, giá cả phù hợp. Trong khi đó, rất nhiều hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là bánh kẹo, đồ hộp, nhựa gia dụng... chất lượng không thua kém gì nhưng vẫn bị người tiêu dùng chê không bằng hàng Thái.
Và kết quả tất yếu là 8 tháng của năm 2017, nhập siêu từ Thái Lan lên tới 3,5 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong 36 mặt hàng nhập khẩu nhiều từ Thái Lan, có đến 22 mặt hàng trong nước có thể sản xuất được. Bộ Công Thương "giật mình" đã tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan nhằm tìm ra nguyên nhân nhập siêu từ Thái Lan, khắc phục thực trạng này và hướng tới mục tiêu cân bằng hơn trao đổi thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, khi cơ quan quản lý nhận ra thì mạng lưới DN Thái, hàng Thái đã được tổ chức dày đặc, ngày càng chặt chẽ nên "bắt" gọn khách hàng Việt. Thậm chí, đã có một số DN Việt cho biết bị làm khó, cản trở đưa hàng vào các hệ thống bán lẻ của Thái tại Việt Nam. Tại một số tỉnh, thành như: Vĩnh Phúc, Hà Nội, thị phần của DN Thái chiếm trên 40%. Sự gia tăng này đến từ việc các DN Thái mua lại DN nội địa Việt Nam.
Vấn đề ở thời điểm "muộn còn hơn không" là Chính phủ và DN Việt làm gì để vực dậy sức cạnh tranh của DN trên sân nhà. Không thể dựng lên rào cản kỹ thuật một cách cực đoan mà phải làm sao nâng được chất lượng hàng Việt. Động thái gần đây nhất khi đề nghị cắt giảm tới 675 điều kiện kinh doanh dù chưa thật đầy đủ nhưng đã cho thấy quyết tâm của Bộ Công Thương nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng. Việc còn lại thuộc trách nhiệm chính của các DN nội.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, Chính phủ đang khuyến khích khởi nghiệp, lập nghiệp và có chính sách cho hoạt động này. Trong khi đó, phần lớn DN trong lĩnh vực sản xuất đang rất èo uột và cần hỗ trợ để tái khởi nghiệp, dốc toàn lực đầu tư vào đổi mới công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm và tái cấu trúc lại hoạt động quản trị, kinh doanh. Bản thân DN phải mạnh lên thì mới cạnh tranh được.
Ý KIẾN
Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit:
Doanh nghiệp phải biết cách truyền thông
Từ những năm 2014-2015, truyền thông về thực phẩm Việt Nam không bảo đảm chất lượng, độc hại đã mở đường cho hàng Thái âm thầm tăng trưởng. Người dân càng khủng hoảng niềm tin càng quay lưng với hàng Việt càng dễ dãi tin vào chất lượng hàng Thái, dù không chắc hàng Thái tốt hơn, an toàn hơn. Đến nay, hàng Thái bám rễ sâu tại thị trường Việt Nam, tạo nên làn sóng tiêu dùng hàng Thái thì việc xoay chuyển cục diện cạnh tranh càng vất vả. Ngay như Vinamit cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi sự xuất hiện của những mặt hàng cùng chủng loại từ Thái trên kệ hàng các siêu thị và cửa hàng tạp hóa; tốc độc tăng trưởng của chúng tôi bị chậm lại do thị trường quá cạnh tranh.
Trong giai đoạn này, nếu DN chỉ làm ra sản phẩm tốt, giá rẻ thì chưa chắc thành công mà phải sử dụng công cụ truyền thông. Bởi DN Thái đã làm chủ một phần kênh phân phối của người Việt, lấn át hàng Việt. Nhiều DN Việt chấp nhận bỏ sản xuất, chuyển sang nhập khẩu, phân phối hàng Thái để hưởng mức lợi nhuận 20%-30%, dễ dàng hơn nhiều so với đầu tư sản xuất rồi đau đáu không tìm được đầu ra. Nhưng như vậy rất nguy hiểm cho thị trường và nền kinh tế Việt Nam.
Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam chỉ gói gọn trong phạm vi vận động, chúng tôi cần nhiều hơn một cuộc vận động để giành lại ưu thế cạnh tranh. Phải có Chính phủ hỗ trợ, phải xây dựng nhiều tổ chức như Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN để đồng hành hỗ trợ DN. Chính phủ Thái có chiến lược hỗ trợ DN rất rõ ràng, bài bản. DN Thái đã hình thành được một tập thể mạnh ngay tại thị trường Việt Nam, DN Việt Nam còn chờ đến bao giờ?
Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (chuyên xuất khẩu trái cây tươi đi Mỹ):
Cần lập hàng rào bảo vệ nông dân
Thái Lan đang dẫn đầu nguồn cung nhập khẩu rau quả cho Việt Nam, chiếm hơn 50% thị phần với nhiều mặt hàng trùng hàng sản xuất trong nước như: sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt, bòn bon,… Đặc điểm của trái cây Thái Lan là trồng theo mùa vụ và sản xuất trên diện tích lớn nên giá thành rẻ. Khi một loại trái cây Thái Lan bước vào thu hoạch thì hàng Việt Nam không thể cạnh tranh nổi về giá. Như hè vừa qua, Thái Lan thu hoạch sầu riêng, giá sầu riêng Việt Nam chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg. Hay như quả nhãn, ngay chính vụ nhãn Hưng Yên, nhiều container nhãn Thái vẫn đổ về đây để chen vào phân khúc nhãn sấy.
Việc trái cây Thái Lan đổ bộ thị trường Việt Nam rất đáng lo ngại, đặc biệt là sự cạnh tranh trên phân khúc bình dân, hàng chợ, ảnh hưởng trực tiếp đến nông dân. Do đó, nhà nước cần lập hàng rào kỹ thuật để kiểm soát, đặc biệt ở các thời điểm Việt Nam vào mùa bằng kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm để hạn chế lượng nhập. Kinh nghiệm xuất khẩu của tôi cho thấy khi ở nước nhập khẩu đến mùa, họ tăng tần suất kiểm tra dẫn đến khả năng phát hiện lô hàng vi phạm nhiều hơn. Chỉ cần vài lô hàng bị hủy, bị phạt thì lượng hàng nhập sẽ giảm do bên xuất khẩu chủ động né mùa vụ để tránh rủi ro. Còn hiện nay, trái cây Thái gần như nhập khẩu tự do, ắt sẽ đẩy mạnh hàng sang Việt Nam khi vào vụ, bất chấp có làm kéo giá bán của nông dân Việt Nam hay không.
Ông LƯƠNG VẠN VINH, Tổng Giám đốc Công ty CP Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo:
Nan giải bài toán nhân sự
Thái Lan có thế mạnh về nhóm hàng hóa mỹ phẩm, những mặt hàng này đang tràn ngập ở các hệ thống siêu thị của DN Thái và tràn cả ra ngoài thị trường truyền thống. Ưu điểm lớn nhất của họ là làm truyền thông cho thương hiệu hàng Thái nói chung và từng ngành hàng riêng quá tốt. Họ cũng rất nhanh nhạy "o bế" khách hàng người Việt bằng cách in nhãn tiếng Việt trên sản phẩm. Hàng nội địa có chất lượng tốt, giá phải chăng (chẳng hạn nước giặt của Mỹ Hảo sản xuất có giá chỉ bằng nửa nước giặt Thái Lan) nhưng vẫn phải giằng co từng địa bàn với hàng Thái.
Nói không sợ hàng Thái là nói dối nhưng thật sự chúng tôi vẫn đang nỗ lực củng cố nội lực để tăng sức cạnh tranh với hàng Thái. Cũng như nhiều DN khác, chúng tôi gặp vướng mắc trong các khâu marketing, xây dựng thương hiệu. Rất khó để tìm được nhân sự giỏi chuyên môn trong lĩnh vực này, có tâm và trung thực. Mỹ Hảo vẫn vừa làm vừa học vừa tìm người tài về trợ giúp.
T. NHÂN - N.ÁNH ghi
Bình luận (0)