Đề xuất nêu trên vừa được Bộ trưởng Giao thông Vận Tải - Đinh La Thăng đưa ra tại hội nghị Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì sáng 18-2.
Trao đổi bên lề hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết tổng kinh phí được tính toán cho dự án sân bay có công suất 50 triệu khách một năm là 7 tỉ USD. Trong đó, riêng vốn đối ứng ACV bỏ ra chiếm 20%, tương đương khoảng 1,4 tỉ USD. Số tiền này được đánh giá là khó huy động nếu không cổ phần hóa ACV.
“Tới đây, khi dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được trình ra Quốc hội, chắc chắn câu hỏi đầu tiên của đại biểu sẽ là tiền ở đâu? Câu trả lời chỉ có duy nhất cách này” - ông Thăng nói. Tuy nhiên, đại diện Bộ Giao thông cũng thừa nhận chưa có tính toán cụ thể về số tiền thu được từ chào bán trên 25% cổ phần của ACV trong năm nay (nếu được Thủ tướng chấp thuận), bởi hiện quá trình định giá vẫn chưa hoàn tất.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam được thành lập đầu năm 2012 trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị có quy mô lớn của ngành giao thông là Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam, miền Bắc và miền Trung. Hồi đầu tháng một, Bộ Giao thông đã có văn bản xin phép Thủ tướng được thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ – tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trong năm 2014. Sau cổ phần hóa Nhà nước vẫn nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của đơn vị này.
Báo cáo cổ phần hóa của ACV gửi Bộ Giao thông vận tải cuối năm 2013 cho biết tổng tài sản của công ty mẹ đạt 30.500 tỉ đồng, tăng hơn 1.000 tỉ so với năm 2012. Vốn điều lệ năm 2013 của ACV xấp xỉ 14.700 tỉ đồng, trong khi doanh thu và lãi trước thuế lần lượt đạt hơn 8.400 tỉ và 1.350 tỉ đồng.
ACV cho biết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu được duyệt, hiện tổng công ty đang cổ phần hoá 2 công ty con và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III năm nay là Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn.
Bình luận (0)