Với mức giá này, cổ phần Vissan đã được bán cao gấp 4,7 lần giá khởi điểm (giá khởi điểm 17.000 đồng/cổ phần), thu về hơn 900 tỉ đồng.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chính Minh - HOSE đã công bố tổng khối lượng cổ phần đăng ký tham gia đấu giá của Vissan lên đến hơn 63,5 triệu đơn vị, cao gấp 6 lần lượng cổ phần được đưa ra đấu giá. Có 142 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, trong đó có 6 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 7 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Tại buổi đấu giá, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết theo phương án cổ phần hóa, sau cổ phần hóa Vissan có vốn điều lệ 809,14 tỉ đồng, nhà nước nắm giữ 65%, nhà đầu tư chiến lược 14% (tương đương 11.328.002 cổ phần), nhà đầu tư bên ngoài 14% và cán bộ công nhân viên và tổ chức công đoàn công ty 7%.
Theo phương án này, ngày 24-3, Vissan sẽ tổ chức phiên đấu giá cổ phần cho 3 nhà đầu tư chiến lược và dự kiến ngày 29-4 Vissan tổ chức đại hội cổ đông đầu tiên, tháng 6-2016 hoàn thành thủ tục đăng ký đi vào hoạt động.
“Vissan là doanh nghiệp chủ lực tại TP HCM trong hoạt động bình ổn thị trường, đặc biệt là phân khúc thịt tươi sống và thực phẩm chế biến nên theo phương án cổ phần hóa, vốn nhà nước còn giữ 65%. Tuy nhiên, trước yêu cầu cải cách đổi mới doanh nghiệp nhà nước hiện nay, lộ trình tiếp tục thoái vốn nhà nước tại Vissan xuống còn 51% và thấp hơn nữa sẽ diễn ra nhanh.” – ông Mười nói.
Cũng theo ông Mười, hiện có rất nhiều đối tác muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan, trong đó có 3 đơn vị lớn, gồm 2 đơn vị là công ty CP Việt Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc Proconco, Công ty CP Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (ANCO) thuộc tập đoàn Masan và Tập đoàn CJ (Hàn Quốc).
Tính đến cuối năm 2014, Vissan có tổng giá trị tài sản thực tế đạt 1.254 tỉ đồng, tổng giá trị thực tế nguồn vốn Nhà nước có giá trị sổ sách 536 tỉ đồng do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) nắm giữ 10%. 9 tháng đầu năm 2015, tổng thu của Vissan đạt 3.369 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 ước đạt hơn 109 tỉ đồng.
Bình luận (0)