PVN vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án thuộc ngành này.
Đối với dự án Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ, PVN cho biết ngày 25-7 vừa qua, tập đoàn này đã có công văn báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án hợp tác với đối tác nước ngoài để cùng sản xuất, kinh doanh. Hiện tại, các cổ đông của PVTex (chủ đầu tư Nhà máy Xơ sợi Polyester Đình Vũ) đang chờ quyết định của Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương để triển khai phương án.
Trong thời gian chờ quyết định phê duyệt, tập đoàn đã có công văn đề nghị đối tác Fortrec (Singapore) gia hạn thời gian có hiệu lực cho các đề xuất hợp tác cùng sản xuất kinh doanh (hạn cũ là ngày 31-7). Ngày 8-8, đối tác Fortrec đã có công văn trả lời và nêu rõ do thời gian đợi các cấp có thẩm quyền của PVTex phê duyệt phương án quá lâu nên để triển khai hợp tác tiếp, Fortrec cần xin lại thủ tục phê duyệt phương án trước khi có trả lời chính thức.
Đề cập dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, PVN cho biết ngày 25-7 vừa qua, tập đoàn đã có báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ Công Thương về phương án xử lý các khó khăn đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS, chủ quản Nhà máy Đóng tàu Dung Quất). Trong đó, PVN kiến nghị cho phép tập đoàn bán doanh nghiệp này theo Nghị định 128 ngày 31-12-2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Trường hợp bán không thành công, sẽ triển khai ngay phương án phá sản, đấu giá tài sản. Đồng thời, ủy quyền cho HĐTV PVN quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đến quá trình triển khai thực hiện phương án được duyệt.
Theo PVN, nếu thực hiện phương án phá sản, tập đoàn này có thể sẽ không thể thu hồi được khoản tiền trên 5.000 tỉ đồng đã đầu tư vào DQS.
Với dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất, PVN đã thực hiện phương án khởi động vận hành lại nhà máy trong năm 2017 để có sản phẩm từ ngày 1-1-2018. Đồng thời, khắc phục hoàn thiện hạng mục xử lý nước thải và các vướng mắc của hợp đồng EPC, thanh quyết toán dự án.
Tương tự, với dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước, PVOil đã phối hợp với chủ đầu tư rà soát, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy với mục tiêu khởi động, vận hành nhà máy từ ngày 1-1-2018, đồng thời tìm giải pháp tiết giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tại dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, nhóm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với đầu mối là Công ty CP Đầu tư Thái Sơn tiếp tục nghiên cứu phương án hợp tác theo hướng tái cấu trúc và tiếp tục đầu tư để đưa vào vận hành. PVOil đang triển khai công tác định giá tài sản để làm cơ sở xây dựng phương án chuyển nhượng/thoái vốn.
Bình luận (0)