Chiều 7-7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã chủ trì cuộc họp tháo gỡ cho 5 dự án thua lỗ thuộc PVN, gồm: Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất.
Cổ đông muốn cấp vốn nhưng ngại phạm luật
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc PVN, cho biết Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex) đã chuẩn bị những công việc liên quan đến các phương án được chỉ đạo, đó là chạy lại dự án, thoái vốn, cho phá sản. "Không phải chúng tôi không làm mà đã chuẩn bị tất cả phương án và đều gặp khó khăn do nguyên tắc không được bỏ thêm vốn nhà nước vào" - ông Dũng nêu rõ.
Đại diện PVN đề nghị các cơ quan ra chính sách phải xác định cách hiểu như thế nào với việc không cấp vốn cho các dự án bởi nếu không thì "anh em không dám làm". "Nếu 2 cổ đông là PVN và Đạm Phú Mỹ được cấp bổ sung vốn cho khởi động lại PVTex thì đó là giải pháp tháo gỡ căn cơ bên cạnh hàng loạt cơ chế khác, tránh việc PVTex bị phá sản" - ông Dũng nói và đề xuất cơ chế nếu như chọn phương án cho dự án vận hành lại là chấp nhận lỗ trong thời gian nhất định; đồng thời, cho phép sử dụng kinh phí của chủ đầu tư để chi cho các công việc vận hành; đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam bao tiêu sản phẩm…
Nhà máy Ethanol Dung Quất Ảnh: Thùy Dương
Kinh phí để khởi động lại PVTex theo tính toán ban đầu là khoảng 256 tỉ đồng, trong đó 172 tỉ đồng trả nợ cũ, 40 tỉ đồng phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa và chi phí đào tạo 17 tỉ đồng… "Giờ chắc kinh phí phải tăng hơn một chút" - đại diện PVTex cho hay.
Với dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), cũng nhìn nhận một trong những vướng mắc là không được chi thêm tiền. "Giờ không thể cầu toàn, giữa những phương án xấu, chúng tôi sẽ chọn phương án ít xấu nhất. Phải nhìn rõ bức tranh thì quyết sách mới đúng được" - ông Giang đề nghị.
Theo Phó Tổng Giám đốc PVN Ninh Văn Quỳnh, những người trực tiếp tham gia xử lý các dự án đều muốn có tiền nhưng ngay trong nội bộ tập đoàn cũng lo ngại sẽ vi phạm pháp luật khi sử dụng nguồn vốn của PVN, bởi PVN là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước. Điều này dẫn đến hệ quả là hầu hết dự án đều xin bán, chuyển nhượng vốn, thoái vốn nếu không có cơ chế xử lý.
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV PVN, thừa nhận công việc hầu như chưa được triển khai gì, mới chỉ tranh luận. Thanh minh chung cho cả 5 dự án, ông Sơn nhận định vướng mắc lớn nhất là không được rót thêm vốn nhà nước cho các dự án, dẫn đến các phương án chưa được triển khai. Do đó, cần sự phê duyệt của Chính phủ và Bộ Công Thương về phương án tài chính, cho phép sử dụng nguồn vốn.
Chỉ có thể chọn phương án ít xấu nhất
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu thực trạng chung là các giải pháp hiện vẫn "nằm ở đâu đấy", ngoài khả năng kiểm soát. "Chính phủ quyết liệt chỉ đạo xử lý tốt nhất với quan điểm là giảm thiểu thiệt hại. Năm dự án, mỗi dự án 4 phương án xử lý mà phương án nào cũng rất khó khăn, đều là kết quả không tốt, còn xấu. Do đó, phải lựa chọn phương án ít xấu nhất. Khi lựa chọn phương án ít xấu nhất thì phải đặt ở góc độ nếu chúng ta là DN 100% vốn tư nhân và là chủ của dự án ấy thì sẽ chọn phương án nào tối ưu? Còn cứ nghĩ đây là tiền nhà nước, trách nhiệm của ai đó, còn chúng ta chẳng có trách nhiệm gì thì sẽ chọn phương án an toàn nhất, thiệt hại đến đâu cứ kệ và như thế sẽ không có đột phá trong việc giải quyết những dự án đang lâm tình cảnh khó khăn" - ông Vượng phân tích.
Theo thứ trưởng, nếu "cứ theo luật mà làm" thì không bao giờ giải quyết được song không có nghĩa là cứ vi phạm pháp luật. "Trong trường hợp nếu thấy giải pháp nào tốt nhất cho dự án thì báo cáo cấp trên. Nếu phân tích thấy phương án lựa chọn vi phạm một chút luật lệ hiện hành nhưng mang lại lợi ích cho nền kinh tế thì tôi tin Bộ Chính trị, Chính phủ cũng tạo điều kiện quyết định phương án như thế để chúng ta vượt qua. Nếu bảo cứ theo luật mà làm thì có lẽ sẽ không cần chỉ đạo" - ông Vượng nêu quan điểm.
Ông đánh giá thoái vốn trong trạng thái nhà máy đang hoạt động thì sẽ có lợi hơn là bán nhà máy ở trạng thái bất động. "Muốn bán nhà máy thay vì bán sắt vụn phải có tiền thì sắt vụn mới thành nhà máy được. Không đưa tiền vào, giải quyết được gì, ai mua?" - Thứ trưởng Vượng nói.
Ông Vượng yêu cầu PVN không phải sử dụng 100% vốn nhà nước mà có nhiều nguồn khác nhau. Khi đầu tư dự án có khả năng thua lỗ thì ngay từ đầu đã có trích lập quỹ dự phòng. Nếu dự án không được triển khai, khi chuyển nhượng vẫn thu lại một phần chi phí. Do đó, với tất cả dự án này, ban chỉ đạo đưa ra phương án ưu tiên là khởi động lại dự án, sau đó mới thoái vốn. Với các DN hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần thì họp cổ đông, bàn hướng tiếp tục bổ sung vốn để xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-7.
Bình luận (0)