Ngày 8-9 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đối thoại với 9 doanh nghiệp (DN) và các bộ, ngành liên quan về nội dung sửa đổi Nghị định 38/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) và Thông tư 19/2012 của Bộ Y tế hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP.
Biến tướng thành 45.000 giấy phép con
Tại cuộc đối thoại, 9 hiệp hội đã nêu 4 nội dung khiến cộng đồng DN bức xúc từ nhiều năm nay. Đó là quy định về Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP; vừa phải được xác định Công bố phù hợp quy định ATTP vừa phải kiểm tra thực tế mẫu đối với các lô hàng nhập về; thủ tục quản lý ATTP không thống nhất gây khó khăn cho thực hiện và phần lớn các sản phẩm thực phẩm đang phải chịu sự quản lý của hơn 1 bộ.
Trong đó, nhức nhối nhất là vấn đề công bố hợp quy ATTP. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đề nghị Bộ Y tế bỏ quy định cấp giấy xác nhận phù hợp với quy định ATTP tại Nghị định 38/2012 và thay bằng bản đăng ký chất lượng thực phẩm. Vì Luật ATTP đã quy định DN chỉ có trách nhiệm đăng ký công bố hợp quy về ATTP mà không phải xin xác nhận của cơ quan nhà nước. Việc cấp xác nhận công bố phù hợp với quy định ATTP không làm thay đổi trách nhiệm của DN về ATTP đối với sản phẩm được công bố nhưng lại dễ bị lạm dụng biến thành cấp phép, dẫn đến xin - cho trên thực tế.
Để sản phẩm ra được thị trường, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải mất nhiều thời gian, chi phí cho khâu thủ tục
Ảnh: Tấn Thạnh
Các hiệp hội dẫn số liệu cho thấy DN mất trung bình 4,4 tháng để đáp ứng thủ tục công bố phù hợp ATTP nhưng theo Nghị định 38, bản công bố chỉ ghi nhận sự cam kết của DN, không có giá trị chứng nhận cho sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thủ tục này biến tướng thành 45.000 giấy phép con, mỗi năm tiêu tốn hàng ngàn tỉ đồng của DN và 5,4 triệu ngày làm việc. Bên cạnh đó, DN còn phải chịu sự phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thẩm xét với rất nhiều yêu cầu không có trong luật, không liên quan gì đến ATTP.
Minh chứng cho nội dung này, luật sư Trần Ngọc Hân (Hiệp hội Các DN châu Âu) cho biết có DN làm thủ tục công bố sản phẩm cà phê bột bị yêu cầu bổ sung hồ sơ 5 lần với đòi hỏi rất vô lý là phải bổ sung chất xơ trong cà phê bột, 6 tháng sau mới được công nhận, mặc dù bản thân DN phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sản phẩm tự công bố chất lượng. Chuyện 1 cái bánh sô-cô-la phải cõng 13 loại giấy phép cũng chính là thực tế của DN do bà Hân làm tư vấn pháp luật.
Tự công bố phù hợp ATTP
Xác nhận vấn đề này từng được đề cập nhiều lần nhưng đến nay chưa được tháo gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ (KH-CN) báo cáo tiến độ triển khai, cải cách thủ tục vì "DN không thể chịu được nữa". Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết đã có văn bản gửi Bộ KH-CN nhưng bộ này chưa trả lời. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng lại cho rằng đã có phối hợp và chỉ chờ Bộ Y tế chuyển đổi các tiêu chuẩn hiện nay thành quy chuẩn và gửi công văn cho Bộ KH-CN "chốt" sau 60 ngày.
Phó Thủ tướng yêu cầu rút ngắn một nửa thời gian hoàn thành các quy chuẩn quản lý ATTP. Riêng đối với đề xuất của các hiệp hội về bỏ thủ tục công bố phù hợp quy định ATTP, sau khi trao đổi với cơ quan quản lý và các hiệp hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế không áp dụng đối với tất cả sản phẩm, hàng hóa. Thay vào đó sẽ chia thành 2 nhóm. Trong đó, nhóm rủi ro cao gồm sữa cho trẻ em; thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm và một số sản phẩm khác sẽ thực hiện theo quy định hiện hành là phải được cấp Giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP. Đối với các sản phẩm ít rủi ro, DN gửi bản công bố đến Bộ Y tế qua thủ tục điện tử, sau 7 ngày làm việc, Bộ Y tế không có ý kiến thì DN được sản xuất, nhập khẩu. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế "làm đến nơi đến chốn" việc cải cách thủ tục hành chính này để lấy lại lòng tin trong xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu trong 1 tháng, Bộ Y tế hoàn thành các quy chuẩn làm công cụ quản lý vệ sinh ATTP và công bố thông tin rộng rãi để DN biết. Lĩnh vực ATTP liên quan nhiều bộ nhưng Bộ Y tế phải chủ trì xây dựng cơ chế tăng cường kiểm tra theo quy trình, đúng theo thông lệ thế giới mà không cần sửa Luật ATTP.
Bình luận (0)